Hướng dẫn phòng và kiểm soát tình trạng bí tiểu sau mổ

04/12/2023 07:21

Thế nào là bí tiểu sau mổ ?

Bí tiểu sau mổ là tình trạng bệnh nhân có cảm giác buồn tiểu nhưng không thể đi tiểu được ngay sau thời gian hậu phẫu.

Bí tiểu là rối loạn thường gặp ở bệnh nhân sau mổ có gây tê tuỷ sống, sau mổ vùng tầng sinh môn, chi dưới đặc biệt bệnh nhân có bệnh lý đường tiết niệu dưới: u phì đại tiền liệt tuyến, bí tiểu mạn tính chưa điều trị, sau mổ u trực tràng…

Nguyên nhân gây bí tiểu sau mổ và chẩn đoán như thế nào?

Có nhiều nguyên nhân dẫn tới bí tiểu sau mổ như: do tác dụng phụ của thuốc gây tê, thuốc giảm đau, tâm lý, hạn chế vận động, táo bón, bệnh nhân có tiền sử rối loạn chức năng bàng quang hay những bệnh lý hệ tiết niệu.

 

Thông thường, khi bàng quang chứa khoảng từ 250 – 350 ml nước tiểu thì sẽ kích thích gây buồn tiểu và đi tiểu. Lượng nước tiểu đủ để gây kích thích ở mỗi người có thể khác nhau. Ở người bị bí tiểu, nước tiểu ở trong bàng quang đã đạt mức nhất định nhưng lại không thể đi tiểu được.

 

Triệu chứng của người bị bí tiểu cấp sau mổ:

 

Đau tức bụng dưới, vùng trước xương mu, có cầu bàng quang căng chướng.

Khó chịu kéo dài, bứt rứt.

Thường xuyên muốn đi tiểu nhưng không tiểu được.

 

Bí tiểu có nguy hiểm không?

Bí tiểu cấp tính sau mổ cũng ảnh hưởng rất nhiều đến sức khỏe cũng như sinh hoạt hằng ngày cho bệnh nhân. Nếu không được điều trị kịp thời bí tiểu có thể có những biến chứng rất nguy hiểm như:

 

Gây nhiễm trùng nước tiểu: Dòng nước tiểu khi bị chặn lại sẽ tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển ở đường tiết niệu dưới và gây nên tình trạng viêm nhiễm đường tiểu.

 

Tổn thương bàng quang: Khi bàng quang bị ứ đọng nhiều lần sẽ khiến chức năng co bóp của bàng quang bị suy giảm và đồng thời làm giảm khả năng bài xuất của nước tiểu.

 

Các phương pháp điều trị bí tiểu sau mổ:

1. Hạn chế dùng các thuốc giảm đau, nếu bệnh nhân đau nhiều thì vẫn nên được thực hiện nhưng với liều vừa đủ.

2. Bệnh nhân đi tiểu trước khi vào phòng mổ để bảm bảo bàng quang hết nước tiểu.

3. Khi bệnh nhân bắt đầu đi tiểu, gõ nhẹ khoảng 5-10 lần vào vùng bụng dưới.

4. Đặt bệnh nhân đi tiểu ở tư thế ngồi ra cạnh mép giường hoặc ở tư thế đứng. Nếu bệnh nhân nữ đặt bệnh nhân ở tư thế ngồi bằng việc dùng bô bẹt hoặc ghế toilet.

5. Dùng một túi chườm ấm đặt lên vùng hố chậu của bệnh nhân, thay đổi vị trí (chú ý tránh bị bỏng bọc khăn mỏng ngoài túi chườm).

6. Trong khi bệnh nhân đi tiểu cần phải đảm bảo được riêng tư cá nhân, kín đáo cho bệnh nhân (che bình phong, người nhà ra ngoài phòng bệnh).

7. Mở vòi nước chảy bệnh nhân giúp cơ được thư giãn và kích thích để BN có thể đi tiểu được (nếu bệnh nhân vào được nhà vệ sinh).

8. Bệnh nhân được khuyến khích ngồi, đứng và vận động sớm nhất có thể.

9. Xoa bụng theo chiều kim đồng hồ và ấn nhẹ vùng bàng quang để tăng áp lực bàng quang giúp bệnh nhân đi tiểu được.

10. Bệnh nhân không thể đi tiểu được mặc dù đã cố gắng, đặt sonde tiểu cho người bệnh.

 

ThS. Nguyễn Bá Anh – Điều dưỡng trưởng khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Tagged in: Tags: