Hoại tử chỏm xương đùi do thiếu máu nuôi

25/01/2021 07:23

Hoại tử chỏm xương đùi do thiếu máu nuôi (Avascular necrosis, viết tắt AVN) là hiện tượng hoại tử xương do thiếu máu nuôi dẫn đến mất hình thái chỏm và mất chức năng của khớp háng. Bệnh này không do vi khuẩn nên gọi là hoại tử vô khuẩn (aseptic necrosis) hoặc hoại tử xương (Osteonecrosis)

 

1 . Đặc điểm

 

– Tuổi: thường gặp ở lứa tuổi từ 20-50 tuổi.

 

– Tỉ lệ cao hơn ở nam giới.

 

Bệnh thường gặp ở những người có vấn đề về sức khỏe hoặc bị chấn thương.

 

2. Mất máu nuôi do đâu?

 

Đảm nhiệm cấp máu nuôi cho chỏm xương đùi gồm 03 động mạch: động mạch mũ đùi trong, động mạch mũ đùi ngoài và động mạch dây chằng tròn.

 

Các nguyên nhân có thể gây nên bệnh lý này bao gồm:

 

– Do chấn thương

 

+ Trật khớp háng

 

+ Gãy cổ xương đùi

 

– Không do chấn thương

 

+ Sử dụng kéo dài Steroid (thường xuất hiện bệnh lý trên cả 2 chỏm xương đùi).

 

+ Sử dụng nhiều rượu bia, hút thuốc lá, chất kích thích khác…

 

+ Bệnh lý hệ thống, tự miễn, các bệnh lý viêm mãn tính (hẹp – tắc mạch máu, cục máu đông, Lupus, Gaucher…)

 

+ Một số nghề nghiệp làm việc trong môi trường áp suất rối loại như: thợ lặn, thợ mỏ (dưới độ sâu 30m).

 

+ Một số liệu pháp điều trị như tia xạ điều trị ung thư…

 

+ Vô căn.

 

3. Triệu chứng

 

– Giai đoạn sớm: đa số sẽ không có triệu chứng hoặc xuất hiện không rõ ràng, vận động khớp háng bình thường.

 

– Giai đoạn tiến triển:

 

Bệnh nhân tới khám vì đau vùng khớp háng, vùng hông, đôi khi ở mông hoặc dưới gối. Lúc đầu đau khi dồn trọng lượng lên chân bệnh, sau đau thường xuyên. Cảm giác đau tăng dần, đau dai dẳng, đau tăng khi đứng lâu hoặc đi lại đặc biệt là những cử động khép – xoay khớp háng. Khi cấu trúc xương và sụn khớp bị vỡ sập xuống thì bệnh nhân sẽ rất đau và không thể vận động khớp háng được. Thời gian từ khi có triệu chứng đến khi xương vỡ sập chỏm xương đùi khoảng từ vài tháng đến hơn năm. Bệnh có thể xuất hiện ở cả 2 bên chỏm.

4. Điều trị dựa trên phân loại tổn thương:

 

Mục đích điều trị bệnh hoại tử chỏm xương đùi là phục hồi chức năng khớp háng, ngăn chặn sự phá hủy xương và hết đau. Phương pháp điều trị phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: tuổi, giai đoạn bệnh, vị trí và số lượng xương bị tổn thương, nguyên nhân…

 

* Điều trị bảo tồn: Có nhiều phương pháp từ không phẫu thuật (nội khoa) đến phẫu thuật. Chỉ định cho các trường hợp chưa có vỡ sập chỏm xương đùi trên chẩn đoán hình ảnh.

 

– Điều trị nội khoa với các trường hợp chưa có triệu chứng lâm sàng, tổn thương xương nhỏ (tốt nhất là <15%) hoặc những bệnh nhân không thể phẫu thuật. Các bước điều trị nội bao gồm:

 

+ Giảm chịu lực (đi nạng).

 

+ Loại bỏ sớm các yếu tố nguy cơ như: sử dụng kéo dài thuốc steroid, hạn chế tối đa sử dụng rượu bia và chất kích thích…

 

+ Kết hợp thuốc giảm đau chống viêm, vật lý trị liệu, Biphosphonate, tùy theo bệnh lý nền của người bệnh mà dùng thuốc chống đông, giãn mạch, hạ mỡ máu…

 

+ Khám các yếu tố bệnh hệ thống, tự miễn, nội tiết…

 

Nếu điều trị nội mà các dấu hiệu lâm sàng và X quang vẫn tiến triển thì phải chuyển sang phẫu thuật.

 

– Các phẫu thuật bảo tồn khớp háng bao gồm:

 

+ Khoan giảm áp trong lòng chỏm xương đùi, đồng thời giúp tái tạo mạch máu mới: chỉ định trong những trường hợp sớm, không có triệu chứng hoặc có triệu chứng nhưng tổn thương xương nhỏ (< 30%). Tốt nhất là các tổn thương giai đoạn I và II của Ficat mà xơ cứng xương (sclerosis), kết quả không tốt ở những trường hợp tổn thương xương dạng nang.

 

+ Ghép xương cứng không có mạch nuôi hoặc có mạch nuôi: chỉ định tương tự như phẫu thuật khoan giảm áp và áp dụng cho những người tuổi dưới 40. Kết quả không tốt cho những trường hợp tổn thương xương lớn hơn ( > 30% chỏm xương đùi).

 

+ Cắt xương chỉnh trục vùng mấu chuyển xương đùi – chuyển vị trí chịu trọng lực lên vùng xương lành của chỏm xương đùi. Chỉ định với các tổn thương nhỏ, người trẻ hơn 40 tuổi.

 

* Phẫu thuật thay khớp háng: Chỉ định cho những trường hợp tổn thương vỡ sập chỏm xương đùi có hoặc không có tổn thương của ổ cối hoặc không đáp ứng được các điều trị khác.

 

– Thay bề mặt chỏm xương đùi và thay khớp háng bán phần ngày nay ít dùng thời gian sử dụng ngắn, nhanh phải thay lại.

 

– Thay khớp háng toàn bộ: chỉ định cho các trường hợp lớn tuổi (> 50) hoặc bất kỳ lứa tuổi nào mà có tổn thương ổ cối hoặc thoái hóa khớp háng.

TS.BS Lê Mạnh Sơn – Trưởng Khoa Phẫu thuật Chấn thương Chung, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Tagged in: Tags:

Tư vấn trực tuyến

Tư vấn trực tuyến tuyển sinh 2024: Chủ đề “Hiểu đúng ngành – Chọn đúng nghề”

Nghề y là một nghề đặc biệt, nhân lực ngành y tế phải đáp ứng yêu cầu cả về chuyên môn và y đức, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tăng cường công…

Xem tiếp

Kết nối Facebook