Gãy trên lồi cầu xương cánh tay ở trẻ em
26/01/2024 08:00
1. Gãy trên lồi cầu xương cánh tay trẻ em là gì?
Gãy trên lồi cầu xương cánh tay trẻ em là loại gãy xương vùng khuỷu tay thường gặp nhất ở trẻ em. Độ tuổi thường gặp của gãy trên lồi cầu xương cánh tay trẻ em là từ 3 đến 11 tuổi, trẻ trai nhiều hơn trẻ gái, ở thời điểm này trẻ bắt đầu biết chạy, nhảy, trẻ hiếu động, khám phá thế giới. Các trường hợp trẻ em ngã chống tay, đau vùng khuỷu cần được đưa tới bệnh viện chuyên khoa để được chẩn đoán và điều trị kịp thời, tránh các hậu quả đáng tiếc như vẹo khuỷu, mất chức năng khuỷu…Điều trị gãy trên lồi cầu trẻ em thì điều trị bảo tồn bằng nắn chỉnh, bó bột theo giai đoạn được ưu tiên hàng đầu.
Gãy trên lồi cầu xương cánh tay trẻ em là kiểu gãy xương ngoại khớp, ở vùng hàng xương của đầu dưới xương cánh tay, đường gãy nằm trên lồi cầu và ròng rọc, đi ngang hố khuỷu. Trẻ em độ tuổi 3-11 tuổi, sụn phát triển (sụn tiếp hợp) đầu dưới xương cánh tay chưa chuyển hóa thành xương, vì vậy vùng này yếu và dễ gãy trong các trường hợp té, ngã. Gãy trên lồi cầu xương cánh tay là loại gãy xương thường gặp nhất trong các trường hợp gãy xương trẻ em, có nhiều biến chứng, hay gặp nhất là biến chứng vẹo khuỷu (tay khuỳnh) vào trong.
Gãy trên lồi cầu xương cánh tay thường gặp trong các trường hợp té ngã, chống tay, khuỷu duỗi, lực tác động từ cổ tay, qua khuỷu tay gây gãy xương và phân chia làm 2 loại chính:
– Gãy duỗi: đầu dưới di lệch ra sau thân xương cánh tay (hay gặp, chiếm 60% tổng số).
– Gãy gập: đầu dưới di lệch ra trước thân xương cánh tay.
2. Dấu hiệu nhận biết
Sau các tai nạn ngã, trẻ thường có các dấu hiệu:
– Đau nhiều vùng khuỷu tay, trẻ ngừng chơi, quấy khóc.
– Khuỷu tay sưng nề, nếu nặng có thể thấy dấu hiệu bầm tím, tụ máu.
– Mất vận động khuỷu tay, tay lành đỡ tay đau, mặt nhăn nhó.
3. Hành động cần thiết của phụ huynh khi thấy trẻ có các dấu hiệu gãy trên lồi cầu xương cánh tay
Phụ huynh và người nhà của trẻ, sau khi thấy trẻ có các dấu hiệu như trên cần bình tĩnh và thực hiện các bước sau:
– An ủi, động viên, làm trẻ bình tĩnh, tránh các hành động khác có thể làm di lệch thêm ổ gãy, làm đau thêm cho trẻ, đầu xương chọc vào các thành phần khác như mạch máu, thần kinh hoặc chọc ra da.
– Cố định tay bị gãy của trẻ bằng đai vải, túi treo tay.
– Đưa trẻ tới các bệnh viện chuyên khoa chấn thương càng sớm càng tốt.
4. Điều trị tại bệnh viện
Sau khi tới bệnh viện, trẻ sẽ được thăm khám, chụp chiếu, chẩn đoán và hướng dẫn điều trị theo chuyên khoa, đảm bảo tốt nhất chức năng tay của trẻ.
– Thăm khám
+ Kiểm tra vùng khuỷu tay, kiểm tra mức độ sưng nề, bầm tím, điểm đau.
+ Bắt mạch, kiểm tra mạch quay tại cổ tay, loại trừ tổn thương mạch máu.
+ Kiểm tra vận động của bàn tay, ngón tay, loại trừ các trường hợp tổn thương thần kinh gây mất vận động bàn tay, ngón tay, cổ tay.
– Chụp phim
+ Bệnh nhân cần được chụp phim X-quang khuỷu để chẩn đoán.
+ X-quang khuỷu thẳng nghiêng 2 tư thể giúp chẩn đoán trẻ có gãy xương hay không, gãy di lệch ít hay nhiều, di lệch ra trước hay sau giúp định hướng điều trị.
+ Trong một số trường hợp khó, bệnh nhân có thể cần được chụp phim cắt lớp vi tính, chụp MSCT đánh giá kĩ lưỡng.
– Điều trị
+ Gãy trên lồi cầu trẻ em điều trị ưu tiên điều trị KHÔNG mổ bằng nắn chỉnh bó bột theo giai đoạn.
+ Phụ huynh và người nhà bệnh nhân được giải thích về tình trạng bệnh, phương pháp điều trị, nguy cơ có thể xảy ra.
+ Trẻ CẦN nhịn ăn để gây mê, nắn chỉnh tốt nhất và tránh để trẻ bị đau, hoảng sợ.
+ Sau khi nắn chỉnh, bó bột, trẻ được chụp phim kiểm tra, nằm theo dõi sau gây mê.
+ Sau 7-10 ngày trẻ cần chụp phim kiểm tra, tránh di lệch thứ phát trong bột, thay bột tròn kín.
+ Tổng thời gian bó bột từ 3-4 tuần kể từ lúc tai nạn, sau khi tháo bột trẻ được hướng dẫn và tập luyện lấy lại khả năng vận động.
Những điều cần lưu ý khi điều trị gãy trên lồi cầu trẻ em.
– Bệnh nhân cần được đưa tới các bệnh viện chuyên khoa để điều trị sớm nhất có thể, tránh để lâu gây đau cho trẻ, khó khăn trong điều trị.
– Không tự ý đưa trẻ đi bó lang, bó lá, nguy cơ gây nhiễm trùng, hoại tử, cứng khớp, mất chức năng tay của trẻ.
– Điều trị gãy trên lồi cầu trẻ em là điều trị ngoại trú, trẻ bó bột xong có thể về nhà điều trị và khám lại theo lịch bác sĩ, không cần nằm viện.
– Lưu ý khi bó bột:
+ Cần theo dõi đầu ngón tay trẻ, nếu ngón tay tím, trắng, trẻ đau nhiều cần đưa tới viện kiểm tra ngay.
+ Ngay sau bó bột, trẻ cần tập vận động các ngón tay ngay, giúp lưu thông máu, tránh sưng nề, hạn chế cứng khớp.
+ Gác tay cao, không dùng đũa, que chọc vào trong bột.
+ Không cho bột vào nước, nguy cơ gây hỏng bột.
BSCKII Nguyễn Văn Nam – Khoa Khám xương và Điều trị ngoại trú, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là địa chỉ thăm khám, phòng ngừa và điều trị các bệnh lý về Cơ – Xương – Khớp uy tín hàng đầu. Để tìm hiểu thêm về thông tin bệnh lý và nhu cầu chăm sóc sức khỏe vui lòng liên hệ:
BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ VIỆT ĐỨC |
-
Ung thư phổi di căn não nguy hiểm như thế nào?
16/09/2024 05:48
-
Kiểm soát đau: Các phương pháp giảm đau cho người bệnh
09/09/2024 05:38