Chuyên gia Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chỉ rõ nguyên nhân và triệu chứng thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng

14/12/2020 07:41

Thoát vị đĩa đệm xảy ra khi lớp bao xơ bên ngoài vỡ, rách và sau đó là lớp nhân nhày bên trong thoát ra ngoài. Khi thoát vị đĩa đệm xảy ra, nó có thể chèn ép vào trong ống sống hoặc các rễ thần kinh (dọc theo cột sống, các rễ thần kinh được chia nhánh ra khỏi từ tủy sống và đi tới các phần khác nhau của cơ thể để vận động và cảm giác). Thoát vị mới xảy ra thường gây đau dữ dội và có những thay đổi trong cảm giác theo vùng rễ thần kinh chi phối. Thêm vào đấy, chất nhày bên trong đĩa đệm sẽ làm giải phóng ra những chất hóa học gây sự kích thích, đây là yếu tố tạo nên hiện tượng viêm rễ thần kinh và đau.

 

Nguyên nhân gây thoát vị đĩa đệm

 

Khi chúng ta có tuổi, các đĩa đệm bị mất nước. Quá trình này thường diễn biến từ từ và thường bắt đầu ở tuổi 30, thậm chí trẻ hơn. Do đĩa đệm bị khô đi nên sẽ xuất hiện những vết rách/rạn/vở nhỏ trên bề mặt phía ngoài của đĩa làm cho nó giòn, yếu và dễ bị tổn thương hơn với các sang chấn.

 

Những yếu tố nguy cơ:

 

Hao mòn: đĩa khô và không linh động như trước đây.

 

Chuyển động lặp đi lặp lại: làm việc, lối sống, và một số hoạt động thể thao mà tạo áp lực lên cột sống, đặc biệt là phần lưng dưới làm vùng này dễ bị tổn thương.

 

Nâng/nhấc vật sai cách: không bao giờ nhấc khi lưng đang còng xuống ở vùng eo. Nâng đúng cách là bạn sử dụng lực của chân trong khi lưng thẳng.

 

Chấn thương: những sang chấn do va chạm năng lượng cao có thể gây lồi, rách hoặc vỡ đĩa đệm.

 

Béo phì: làm đặt một trọng lượng lớn lên cột sống.

 

Di truyền: có một vài gen có vẻ như hay gặp hơn ở những người bị thoái hóa cột sống. Tuy nhiên, cần có nhiều nghiên cứu hơn để chứng minh vai trò của chúng, đây sẽ là hướng điều trị trong tương lai, điều trị sinh học.

 

Nghề nghiệp: Bê vác nặng, ngồi nhiều, đứng nhiều.

Dấu hiệu và triệu chứng của thoát vị đĩa đệm

 

Đau do thoát vị đĩa đệm sẽ rất khác nhau phụ thuộc vào vị trí và mức độ tổn thương của đĩa đệm, nó thường đặc thù bởi cảm giác đau ở một bên của cơ thể.

 

Nếu tổn thương nhỏ thì đau có thể không cảm nhận được. Nếu đĩa bị vỡ, cảm giác đau rất dữ dội và không ngừng. Đau có thể lan ra chân theo đường chi phối của thần kinh bị chèn ép. Thoát vị đĩa đệm có thể thể hiện với một loạt các triệu chứng, bao gồm:

 

– Đau âm ỉ đến đau dữ dội

 

– Tê, ngứa, rát bỏng

 

– Yếu cơ, co cứng, phản xạ thay đổi

 

– Mất đi tiểu hoặc kiểm soát bàng quang (Lưu ý: Những triệu chứng này là một cấp cứu Ngoại khoa. Nếu chúng xảy ra, tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức).

Chẩn đoán thoát vị đĩa đệm

 

Thoát vị đĩa đệm có thể khi một trường hợp đau thắt lưng đi kèm với đau kiểu rễ thần kinh (đau lan xuống chân theo đường chi phối của rễ thần kinh) và có dấu hiệu căng rễ thần kinh (bệnh nhân nằm ngửa duỗi thẳng chân, từ từ nâng gót chân khỏi mặt giường với chân duỗi thẳng gối, nghiệm pháp này dương tính khi bệnh nhân có triệu chứng đau lan xuống chân), và những thiếu hụt thần kinh khác như: tê bì, yếu chân và thay đổi phản xạ gân xương.

 

Chẩn đoán hình ảnh thường được yêu cầu để xác định chẩn đoán. Xquang thường ít ý nghĩa bởi vì đĩa đệm là mô mềm nên nó không thể thấy trên phim chụp này. Tuy nhiên, kỹ thuật này cũng thường được sử dụng ban đầu vì nó giúp loại trừ những rối loạn hoặc bệnh khác như trượt đốt sống. Để xác định chẩn đoán chúng ta sử dụng kỹ thuật sau:

 

– Cộng hưởng từ cột sống: kỹ thuật này bộc lộ tủy sống, các mô mềm xung quanh và các rễ thần kinh. Đây là kỹ thuật không xâm lấn và là phương pháp chẩn đoán hình ảnh tốt nhất để chẩn đoán xác định thoát vị đĩa đệm.

 

– Điện chẩn thần kinh cơ: phương pháp này sử dụng các xung điện để đo lường mức độ tổn thương mà các nguyên nhân chèn ép gây ra đối với các rễ thần kinh và ngoài ra nó cũng giúp để loại trừ một số nguyên nhân khác. Tuy nhiên, trong chẩn đoán thoát vị đĩa đệm nó không phải phương pháp thường quy.

Hình ảnh cộng hưởng từ thoát vị đĩa đệm (mũi tên đỏ)

Thoát vị đĩa đệm đôi khi tự khỏi thông qua một quá trình của cơ thể được gọi là “tái hấp thu”. Điều này có nghĩa là các mảnh vỡ của đĩa đệm đôi khi được cơ thể hấp thu. Phần lớn các bệnh nhân bị thoát vị đĩa đệm có thể khỏi bởi điều trị bảo tồn, chỉ một số bệnh nhân đòi hỏi can thiệp phẫu thuật.

 

           Các phương pháp phẫu thuật thường được áp dụng:

 

          – Phẫu thuật mổ mở lấy thoát vị.

– Phẫu thuật lấy giải ép, lấy thoát vị đĩa đệm qua ống nong, dùng kính vi phẫu hỗ trợ trong mổ.

          – Phẫu thuật nội soi cột sống, lấy bỏ nhân thoát vị.

Nhằm giúp người dân hiểu biết hơn về bệnh lý thoát vị đĩa đệm, 15h00 ngày 16/12/2020, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sẽ tổ chức chương trình Tư vấn trực tuyến với chủ đề “GIẢI PHÁP ĐIỀU TRỊ THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM – CHO CỘT SỐNG KHỎE”. Chương trình được phát trực tiếp trên các kênh truyền thông của bệnh viện:

 

Fanpage: facebook.com/bvvietduc

Youtube: youtube.com/benhvienvietduc1906

 

Khách mời: PGS.TS NGUYỄN LÊ BẢO TIẾN

Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Phụ trách chuyên môn Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức Cơ sở 2, Hà Nam.

Ủy viên BCH Hội Ngoại khoa và Phẫu thuật Nội soi Việt Nam

Ủy viên BCH Hội Chấn thương Chỉnh hình Đông Nam Á

Ủy viên BCH Hội Chấn thương Chỉnh hình Việt Nam

Ủy viên BCH Hội Phẫu thuật Cột sống Việt Nam

 

Thế mạnh chuyên môn

Phẫu thuật bệnh lý và chấn thương cột sống.

Phẫu thuật nắn chỉnh cong vẹo cột sống.

 

Quý khán giả quan tâm có thể đặt câu hỏi trên Fanpage và kênh Youtube của bệnh viện để được chuyên gia tư vấn trực tiếp hoặc gọi điện đến Tổng đài CSKH 19001902.

 

Phòng Công tác xã hội

Tagged in: Tags: