Kiểm soát đau: Các phương pháp giảm đau cho người bệnh

09/09/2024 05:38


1. Khái niệm

– Hội nghiên cứu đau quốc tế (IASP) định nghĩa: “Đau là một trạng thái khó chịu về cảm giác và cảm xúc có liên quan đến những tổn thương thực thể hay tiềm tàng của cơ thể hoặc là sự thể hiện của chính những tổn thương đó”.

 

– Đau là một cảm giác chủ quan, do đó người thầy thuốc (bác sĩ, điều dưỡng) phải quan tâm và tin vào những mô tả về cảm giác đau của bản thân người bệnh để từ đó đi tìm và điều trị đúng các nguyên nhân gây đau.

 

– Đau sau phẫu thuật là nỗi sợ ám ảnh của người bệnh vì đau ảnh hưởng rất lớn đến tâm sinh lý cũng như sự hồi phục của người bệnh. Chính vì vậy trong Thông tư hướng dẫn công tác Gây mê hồi sức số 13/2012/TT-BYT ngày 20 tháng 8 năm 2012, Bộ Y tế đã đưa công tác chống đau trở thành một trong những nhiệm vụ chính khác như tiền mê, hồi tỉnh, hồi sức,…

 

– Theo tổ công tác quản lý chất lượng thuộc hiệp hội đau Hoa Kỳ định nghĩa: “Quản lý đau là tất cả các biện pháp can thiệp được sử dụng để hiểu, làm dịu đau và làm giảm nguồn gốc của cơn đau”.

 

2. Phân loại đau:

2.1. Phân loại theo thời gian xuất hiện và duy trì: Đau cấp tính và mạn tính.

– Đau cấp tính là phản ứng sinh lý bình thường đã được tiên lượng trước liên quan đến những tổn thương thực thể của cơ thể do phẫu thuật, chấn thương hay do bệnh, đau cấp tính có thể được chữa khỏi. Loại đau này đáp ứng tốt được với việc điều trị bằng thuốc giảm đau và có thể kèm theo cảm giác lo lắng do đau của người bệnh. Đau cấp tính thường làm cho người bệnh có các biểu hiện: tăng huyết áp, nhịp tim nhanh, co mạch, vã mồ hôi, thở gấp, co thắt cơ, tăng bài tiết dịch tiêu hóa, giảm nhu động ruột, bí đái. Khi vết thương lành hoặc khỏi bệnh thì đau cũng hết. Đau cấp tính thường không kéo dài quá 3 tháng, giảm hoặc mất đi khi những kích thích này không còn tồn tại như sau khi vết thương đã lành. Đau cấp tính có vai trò bảo vệ cơ thể, giúp cảnh báo cơ thể về những tổn thương tổ chức, cơ quan, từ đó giúp cơ thể có những đáp ứng phù hợp để giảm thiểu mức độ tổn thương.

 

– Đau mạn tính: theo Hội nghiên cứu đau quốc tế (IASP), (2012): “Đau mạn tính là đau tồn tại mặc dù tổn thương cơ thể đã lành hoặc loại bỏ, nó thường kéo dài trên 3 tháng”. Trong đau mạn tính, những dấu hiệu về bệnh lý hoặc tổn thương thường ít và không tương xứng với biểu hiện đau. Đây là loại đau không có tính bảo vệ, làm ảnh hưởng đến hoạt động chức năng của cơ thể và cuộc sống hàng ngày của người bệnh.

 

2.2 Phân loại theo sinh lý bệnh của đau:

– Đau thần kinh: gây nên do kích thích từ những tổn thương của hệ thống thần kinh ngoại vi hoặc trung ương. Loại đau này thường có cảm giác nóng bỏng, kiến cắn, châm chích như điện giật, ngứa, co thắt, đè ép, lạnh buốt hoặc rát bỏng.

 

– Đau thụ cảm: gây nên do những kích thích cơ học hoặc hóa học ở bộ phận nhạy cảm. Nếu đau xuất phát từ những thụ cảm của các tổ chức cơ quan như da, cơ, xương, các mô… thì gọi là đau bản thể. Nếu đau xuất phát từ các thụ cảm của các cơ quan nội tạng như: dạ dày, ruột, thân… thì gọi là đau nội tạng.

 

2.3. Phân loại theo mức độ đau: Đau nhẹ, đau vừa và đau nặng.

3. Các phương pháp giảm đau cho người bệnh:

Hiện nay, có hai nhóm phương pháp giảm đau đó là giảm đau dùng thuốc và không dùng thuốc.

 

3.1. Phương pháp giảm đau không dùng thuốc

Ngày nay, cùng với phương pháp điều trị có sử dụng thuốc, phương pháp điều trị không dùng thuốc là một sự lựa chọn và bổ sung cho nhau. Phương pháp này đã, đang được sử dụng và nó được coi là những liệu pháp điều trị trong quản lý đau. Trong khi thuốc được sử dụng để điều trị thực thể (thể chất và xúc cảm) thì mục tiêu của các liệu pháp giảm đau không dùng thuốc hướng tới điều trị tâm lý, nhận thức, thói quen và định hướng của văn hóa xã hội về đau. Các liệu pháp này có thể điều trị cả cho giảm đau từ trung bình đến đau dữ dội. Giảm đau không dùng thuốc nhằm:

Tăng cường khả năng kiểm soát cảm xúc cá nhân.

Giảm cảm giác sợ bệnh tật.

Cải thiện các chức năng và mức độ vận động.

Giảm stress và lo lắng.

Giảm liều thuốc giảm đau từ đó giảm tác dụng không momg muốn của các loại thuốc này.

Giảm đau không dùng thuốc có thể sử dụng riêng lẻ hay kết hợp với các loại thuốc khác khi thuốc không kiểm soát được toàn bộ cơn đau hay khi người bệnh không muốn sử dụng thuốc giảm đau. Giảm đau không dùng thuốc để quản lý cơn đau giúp người bệnh tăng sự thoải mái và nâng cao chất lượng cuộc sống.

 

Phương pháp giảm đau không dùng thuốc được chia thành 2 nhóm:

Thứ nhất, biện pháp giảm đau không xâm lấn: sử dụng các liệu pháp hành vi nhận thức như phân tâm, liệu pháp thư giãn, thôi miên, hình ảnh, kỹ thuật tập thở, thiền, liệu pháp âm nhạc. Đây là những biện pháp nhằm mục đích thay đổi hành vi, nhận thức và cảm xúc của người bệnh bằng cách tấn công quá trình tâm sinh lý tác động đến nhận thức và phản ứng của đau, hay sử dụng những phương pháp tác động vào da như chườm nóng, chườm lạnh, kích thích thần kinh bằng dòng điện qua da.

 

Thứ hai, biện pháp giảm đau không dùng thuốc có xâm lấn: phương pháp phổ biến và nổi tiếng nhất trong các phương pháp xâm lấn đó là châm cứu. Đây là phương pháp có từ rất lâu đời và do người Trung Quốc tìm ra. Người ta cho rằng phương pháp này làm giải phóng các opioid nội sinh trong cơ thể và làm giảm đau.

 

Phương pháp giảm đau không sử dụng thuốc không gây độc cho cơ thể người bệnh, an toàn, ít để lại biến chứng… Vì vậy, điều dưỡng cần phải có kiến thức về sử dụng các phương pháp giảm đau này để hỗ trợ người bệnh và gia đình người bệnh trong thực hiện giảm đau. Dù những phương pháp này không làm giảm đau trực tiếp và nhanh chóng giống như phương pháp giảm đau có sử dụng thuốc nhưng chúng có thể giúp người bệnh bớt lo lắng, ngủ ngon và hỗ trợ tinh thần người bệnh mà lại không để lại những tác dụng không mong muốn.

 

3.2. Phương pháp giảm đau có dùng thuốc

Hiện nay có rất nhiều phương pháp giảm đau dùng thuốc. Tùy theo mức độ, tính chất của đau mà người bệnh được sử dụng các loại thuốc khác nhau. Có 3 bậc sử dụng thuốc giảm đau:

Bậc I: Non opioid: điều trị từ đau nhẹ đến trung bình (Paracertamol, NSAID).

Bậc II: Các opioid yếu: điều trị từ đau trung bình đến đau nhiều (Codein, Tramadol).

Bậc III: Các opioid mạnh: điều trị đau dữ dội (Morphine, Sufentanil).

Morphine là thuốc giảm đau rất hiệu quả cho đau vừa và đau dữ dội. Morphine làm giảm các đáp ứng phản xạ với đau đồng thời làm giảm lo lắng của người bệnh. Nó có thể được dùng nhiều đường khác nhau như tiêm dưới da, tĩnh mạch, dán ngoài da, uống. Mặc dù đường tĩnh mạch đem lại tác dụng nhanh nhất, cao nhất nhưng người bệnh dễ bị các tác dụng phụ như chóng mặt, nôn, buồn nôn, suy hô hấp, bí tiểu,… Vì vậy, kết hợp các loại thuốc giảm đau khác nhau giúp tăng hiệu quả giảm đau và giảm tác dụng không mong muốn.

 

Ngày nay, với sự phát triển vượt bậc của khoa học, có rất nhiều phương pháp giảm đau được áp dụng trên thế giới và tại Việt Nam:

  • Gây tê vùng:

+ Giảm đau bằng gây tê đám rối thần kinh (cánh tay, TK đùi, mặt phẳng cơ ngang bụng).

+ Giảm đau ngoài màng cứng.

+ Giảm đau bằng cách đưa thuốc vào tủy sống (Morphine Sulfat 0,1%).

 

  • Giảm đau đường tiêm:

+ Tĩnh mạch: PCA, liên tục, ngắt quãng.

+ Tiêm bắp, dưới da.

  • Giảm đau đường uống, đặt hậu môn.

Để giúp người dân nâng cao nhận thức về chăm sóc người bệnh giảm đau sau phẫu thuật, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tổ chức chương trình Tư vấn trực tuyến với chủ đề Chăm sóc người bệnh giảm đau sau phẫu thuật” vào 15h00 ngày 11 tháng 9 năm 2024 (thứ Tư). Chương trình sẽ phát trực tiếp trên các kênh truyền thông của bệnh viện: 

Fanpage: facebook.com/bvvietduc

Youtube: youtube.com/benhvienvietduc1906

 

KHÁCH MỜI

ThS. Trần Quang Phúc

Điều dưỡng trưởng Trung tâm Gây mê và hồi sức ngoại khoa, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Giảng viên trường Cao đẳng Y tế và Thiết bị Việt Đức

Hội viên chi hội Điều dưỡng phòng mổ

Hội viên chi hội Điều dưỡng Ngoại khoa Việt Nam

Hội viên hội Điều dưỡng Việt Nam

 

Thế mạnh chuyên môn

Chăm sóc người bệnh trong (phòng mổ) và sau phẫu thuật (giai đoạn hồi tỉnh).

Giảm đau cho người bệnh sau phẫu thuật

Quý khán giả quan tâm có thể đặt câu hỏi trên Fanpage và kênh Youtube của bệnh viện phát sóng trực tiếp lúc 15h00h ngày 11 tháng 9 năm 2024 (thứ Tư) để được chuyên gia tư vấn trực tiếp hoặc gọi điện đến Tổng đài CSKH 19001902.

 

Phòng Công tác xã hội

Tư vấn trực tuyến

Tập huấn trực tuyến: Quy trình chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Nhằm cập nhật kiến thức trong chẩn đoán, điều trị cho các y, bác sĩ, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng điều trị cho người bệnh, ngày 18/5, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tổ chức khóa tập huấn trực tuyến “Quy trình chạy thận nhân…

Xem tiếp

Kết nối Facebook