TT Gây mê và Hồi sức Ngoại khoa
Giới thiệu Trung tâm Gây mê và Hồi sức ngoại khoa
1. Tên khoa: Trung tâm Gây mê và Hồi sức ngoại khoa (Center of Anesthesia & Surgical Intensive Care)
2. Liên hệ:
Địa chỉ: Tầng 11, nhà D - Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
Điện thoại: (024)38.253.531 (Số máy lẻ: 5595)
3. Lịch sử phát triển:
Năm 1962, khoa Gây mê Hồi sức được thành lập do GS Tôn Đức Lang làm trưởng khoa. Trong kháng chiến chống Mỹ, khoa đã được tổ chức hoạt động rất tốt, đóng góp vào thành tích phẫu thuật chung của bệnh viện, hồi sức cấp cứu nhiều bệnh nhân và đào tạo nhiều bác sỹ, kỹ thuật viên chuyên ngành GMHS chi viện cho chiến trường miền Nam. Sau năm 1975, mặc dù có nhiều khó khăn do hậu quả chiến tranh để lại nhưng khoa vẫn phát huy nội lực, tranh thủ sự giúp đỡ của bạn bè quốc tế, áp dụng khoa học kỹ thuật để hoàn thành nhiệm vụ chuyên môn, là cơ sở đào tạo nhiều bác sỹ, kỹ thuật viên chuyên ngành GMHS, tham gia thành lập Hội GMHS Việt nam và gia nhập Hội GMHS thế giới năm 1989.
Bước vào thời kỳ Đổi mới (1990), được sự quan tâm của Chính phủ, Bộ Y tế, Đảng ủy và Ban Giám đốc bệnh viện và tranh thủ sự giúp đỡ của quốc tế, khoa GMHS đã phát triển vượt bậc: Từ chỗ chỉ có 7 phòng mổ và 8 giường hồi sức tích cực, chưa có đơn vị hồi tỉnh, Năm 1997, khoa có 11 phòng mổ. Năm 2000, khoa có 16 phòng mổ, 16 giường hồi sức tích cực và thành lập đơn vị hồi tỉnh với 10 giường. Năm 2007, khoa có 21 phòng mổ, 20 giường hồi sức tích cực và 15 giường hồi tỉnh. Năm 2011, Nhờ những thành tựu đạt được, Khoa được Bộ Y tế ký quyết định thành lập “Trung tâm Gây mê và Hồi sức ngoại khoa”, viết tắt là Trung tâm GMHS, đồng thời giao nhiệm vụ chỉ đạo đầu ngành về GMHS của Việt Nam.
4. Tổ chức nhân sự của Trung tâm:
Trung tâm GMHS là đơn vị GMHS lớn nhất nước bao gồm có 4 khoa trực thuộc trung tâm (Khoa gây mê 1, Khoa gây mê 2, Khoa hồi sức 1 và Khoa hồi sức 2) và được Bộ Y tế coi là mô hình tổ chức tốt để áp dụng trong Thông tư số 13/2012 về Hướng dẫn công tác GMHS. Bốn khoa này hoạt động tương đối độc lập nhưng có sự hỗ trợ liên quan mật thiết bao gồm:
Hai khoa Gây mê: gồm có 52 phòng mổ trong đó có 5 phòng mổ cấp cứu hoạt động 24/24 giờ và 47 phòng mổ theo chương trình phục vụ cho các chuyên khoa. Được trang bị đầy đủ thiết bị máy móc đảm bảo phục vụ theo yêu cầu của phẫu thuật và gây mê hồi sức.
Hai khoa Hồi sức: có 2 đơn nguyên với 48 giường bệnh có nhiệm vụ tiếp nhận và điều trị cho toàn bộ bệnh nhân nặng của bệnh viện. Được trang bị đủ tiêu chuẩn của giường điều trị tại phòng hồi sức.
Trong hai khoa Gây mê còn có đơn vị hồi tỉnh và giảm đau sau mổ: có 5 phòng, 67 giường bệnh. Ngoài làm nhiệm vụ hồi tỉnh và giảm đau sau mổ, các phòng này còn được sử dụng điều trị bệnh nhân nặng không chuyển được về hồi sức do thiếu giường bệnh, cũng được trang bị theo tiêu chuẩn giường bệnh của phòng hồi sức.
4.1 Lãnh đạo đương nhiệm:
Giám đốc Trung tâm: PGS. TS Lưu Quang Thùy
Phó giám đốc Trung tâm: TS.BS Đào Thị Kim Dung
TS.BS Nguyễn Thị Thúy Ngân
TS.BS Đỗ Trung Dũng
Điều dưỡng trưởng Trung tâm: ThS Trần Quang Phúc
4.2 Lãnh đạo tiền nhiệm:
Nguyên trưởng khoa: GS. Tôn Đức Lang
GS. Nguyễn Thụ
PGS. Chu Mạnh Khoa
TS. Nguyễn Quốc Kính.
4.3 Số lượng cán bộ của Trung tâm:
Tổng số có nhân viên bao gồm 405 nhân viên :
Giáo sư : 01
Phó giáo sư : 01
Tiến sĩ : 04
Bác sĩ CKII : 01
Thạc sĩ : 35
Đại học : 50
Cao đẳng , TC : 289
Lao động phổ thông : 26
5. Thành tựu:
5.1. Về công tác chuyên môn:
Mỗi năm bệnh viện mổ hơn 70.000 ca chủ yếu được thực hiện tại trung tâm Gây mê hồi sức kể cả mổ cấp cứu và mổ phiên. Trung bình mỗi ngày, trung tâm thực hiện hơn 20 ca mổ cấp cứu và 120 - 200 ca mổ phiên, đa số là loại mổ đại phẫu, mổ loại đặc biệt và mổ kéo dài. 5 phòng mổ cấp cứu hoạt động 24/24 giờ để phục vụ kịp thời những bệnh nhân cấp cứu cần phải mổ sớm nên đã cứu sống được nhiều bệnh nhân. Mỗi năm, khoa hồi sức và phòng hồi tỉnh của trung tâm cũng đã tiếp nhận và điều trị cho khoảng hơn 1000 bệnh nhân nặng như bệnh nhân đa chấn thương, sốc nhiễm trùng, suy hô hấp, suy đa tạng…
Công tác ghép tạng đồng loạt từ người cho chết não là lĩnh vực mới, có nhiều khó khăn khi bắt đầu triển khai thì đến nay, ghép tạng đã trở thành một trong những hoạt động chuyên môn thường quy tại trung tâm. Mỗi năm bệnh viện tiến hành được khoảng 20 ca ghép gan (trong đó có 16 ca người cho sống và 14 ca người cho chết não), 168 ca ghép thận, 4 ca ghép tim từ người cho chết não. Đặc biệt, 3 ca ghép phổi được thực hiện thành công bằng chính các bác sỹ Bệnh viện Việt đức, kể cả các bác sỹ gây mê hồi sức. Tất cả các ca ghép tạng đều thực hiện tại trung tâm với số lượng nhân viên huy động rất lớn (khoảng hơn 200 nhân viên trung tâm cho ca ghép đa tạng) mà trên thế giới cũng ít trung tâm làm được như vậy.
Phát triển gây mê theo hướng chuyên sâu cho các chuyên ngành ngoại khoa mũi nhọn:
Bên cạnh vấn đề áp dụng các kỹ thuật mới trong gây mê, những cố gắng phát triển theo hướng chuyên sâu về GMHS trong các chuyên ngành ngoại khoa mũi nhọn cũng đã góp phần thúc đẩy sự phát triển của chuyên ngành phẫu thuật ngoại khoa Việt nam. Nhiều loại phẫu thuật khó, có nguy cơ tử vong cao mà trước đây khó có thể thực hiện được nay đã được thực hiện rất phổ biến, có tỉ lệ thành công cao như mổ u não vùng hố sau, dị dạng mạch máu não, mổ tim phổi có tuần hoàn ngoài cơ thể, mổ phình động mạch chủ, mổ u thực quản, mổ cắt khối tá tụy, cắt u tuyến thượng thận. Trung tâm cũng là cơ sở GMHS tốt, tạo điều kiện cho các chuyên ngành phẫu thuật ngoại khoa có thể triển khai hàng loại các kỹ thuật mới trong nhiều lĩnh vực ngoại khoa: Trong phẫu thuật nội soi như mổ cắt u thực quản, cắt u tuyến thượng thận, cắt gan, cắt u phổi, u trung thất bằng phương pháp nội soi, đặc biệt trung tâm triển khai kỹ thuật gây mê không đặt NKQ trong phẫu thuật cắt u phổi. Trong phẫu thuật thần kinh như mổ lấy u tuyến yên qua xoang bướm, lấy u dây thần kinh 8 qua mê nhĩ, đặc biệt triển khai kỹ thuật gây mê mổ thức tỉnh trong phẫu thuật thần kinh. Trong phẫu thuật cột sống như mổ gù vẹo, mổ cột sống sự hỗ trợ của robot. Trong lĩnh vực ghép tạng, trung tâm đã làm chủ được các kỹ thuật ghép gan, ghép tim, ghép thận một cách thường quy. Đặc biệt những kỹ thuật khó như gây mê cho phẫu thuật ghép phổi, gây mê cho ghép đa tạng trên một bệnh nhân cũng như gây mê cho ghép tim và sửa bệnh lý van tim…cũng được triển khai và thu được kết quả đáng khích lệ. Sự phát triển theo hướng đi này đã giúp cho bệnh nhân Việt nam sớm được tận hưởng các kỹ thuật tân tiến trên thế giới mà không phải ra nước ngoài, giúp cho các cơ sở đầu ngành của ngoại khoa Việt nam có điều kiện phát triển mạnh đồng thời cũng giúp trung tâm có điều kiện nâng cao trình độ, cơ sở vật chất để có thể tiếp cận với những kỹ thuật cao hơn.
Về công tác đào tạo:
Trung tâm Gây mê và Hồi sức ngoại khoa hiện nay vẫn là cơ sở thực hành chính của bộ môn Gây mê Hồi sức – trường Đại học Y Hà nội, là nơi giảng dạy cho các đối tượng sau đại học. Từ năm 2009 đến nay, để đáp ứng nhu cầu của các cơ sở, trung tâm đã phối hợp với phòng chỉ đạo tuyến của bệnh viện mở các lớp đào tạo cho nhiều đối tượng khác nhau với thời gian học khác nhau như lớp bác sỹ chuyên khoa I, chuyên khoa II, bác sỹ chuyên khoa định hướng, điều dưỡng GMHS, điều dưỡng hồi tỉnh và hồi sức, điều dưỡng dụng cụ mổ mở và mổ nội soi. Hiện nay, mỗi năm trung tâm đào tạo khoảng 200 điều dưỡng dụng cụ mổ mở và dụng cụ nội soi, 100 điều dưỡng gây mê, 180 điều dưỡng hồi tỉnh và hồi sức, 30 – 40 bác sỹ định hướng GMHS. Bên cạnh vấn đề đào tạo trong nước, trung tâm cũng cử bác sỹ, điều dưỡng đi học tập nghiên cứu tại nước ngoài (Đài Loan, Pháp, Úc, Mỹ) và tiếp nhận sinh viên, bác sỹ, chuyên gia nước ngoài đến thực tập, trao đổi chuyên môn và giảng dạy tại khoa.
5.3 Nghiên cứu khoa học:
Hàng tháng, trung tâm đều tổ chức sinh hoạt khoa học định kỳ. Chủ đề tập trung vào các vấn đề mới được cập nhật, quan trọng nhưng chưa được hiểu rõ hay những trường hợp bất thường gặp trong lâm sàng. Hầu hết các bác sỹ trong trung tâm đều lần lượt có các báo cáo khoa học trong các buổi sinh hoạt này. Trong các hội nghị khoa học và các tạp trí chuyên Ngành, Khoa luôn luôn là đơn vị có nhiều báo cáo nhất. Trung bình mỗi năm có 8 luận văn cao học được bảo vệ và 4 luận án tiến sỹ được thực hiện tại trung tâm GMHS. Đến nay trung tâm đã có trên 200 bài nghiên cứu được xuất bản trong các tạp chí y học. Nhóm kỹ thuật viên và điều dưỡng viên cũng có trung bình 6 báo cáo/năm và bác sỹ có trung bình 10 báo cáo/năm. Tham gia hoặc chủ nhiệm nhiều đề tài nghiên cứu cấp Bộ đã nghiệm thu và 1 đề tài KC10 trọng điểm quốc gia được bảo vệ thành công.
5.4 Về công tác chỉ đạo tuyến:
Được Bộ giao trách nhiệm chỉ đạo ngành về GMHS cho cả nước đặc biệt là của các tỉnh phía bắc tất cả bác sỹ và điều dưỡng trong khoa đã tích cực tham gia chương trình bệnh viện vệ tinh, luân chuyển bác sỹ và điều dưỡng viên giúp các bệnh viện tuyến dưới theo đề án 1816 Bộ Y tế. Trong 1 năm, trung tâm có khoảng 30 đợt bác sỹ và 15 đợt điều dưỡng đi chỉ đạo tuyến. Nhờ sự giảng dạy, trợ giúp nhiệt tình của các bác sỹ trong khoa, các bệnh viện tuyến dưới đã có thể triển khai một số kỹ thuật mới và thực hiện một số loại phẫu thuật khó hay xử trí cấp cứu được những bệnh nhân nặng, góp phần nâng cao chất lượng điều trị và giảm tải cho tuyến trung ương. Các chuyên gia đầu ngành của khoa đã tham gia hội chẩn liên viện, thẩm định, tư vấn về chuyên môn và chính sách trong lĩnh vực GMHS cho Bộ Y tế. Trung tâm tham gia chuyển giao kỹ thuật cho nhiều cơ sở trong cả nước như mổ tim mở cho nhiều bệnh viện tại Hà nội (108, 198, Bạch Mai, bệnh viện E) và các tỉnh (Hải phòng, Đà nẵng, Bình định), chuyển giao kỹ thuật GMHS cho ghép tạng cho Phú Thọ, Thanh hoá, …. Nhiều bác sỹ và điều dưỡng của khoa tích cực tham gia cấp cứu hàng loạt trong các tai nạn giao thông thảm khốc hoặc phục vụ cho các đại hội thể thao quốc tế tổ chức tại Việt Nam.
5.5 Về quan hệ quốc tế:
Hội nhập với các tổ chức Gây mê Hồi sức trong khu vực và thế giới, phát triển quan hệ quốc tế với các nước Pháp, Đài Loan. Tham dự Hội Gây mê Hồi sức thế giới, là hội viên Hội Gây mê Hồi sức ASEAN. Khoa Gây mê 2 cử các bác sỹ đi học về đường thở khó theo hợp tác quốc tế với tổ chức Facing the world, Khoa Gây mê 1 cử Bs đi học gây mê hồi sức ghép phổi theo hợp tác giữa bệnh viện Việt Đức với Bệnh viện quốc gia Đài loan, và đã áp dụng thành công ngay ở ca ghép phổi đầu tiên của bệnh viện.
5.6.Hoạt động đoàn thể:
Chi bộ điều trị VII của Trung tâm có 42 đảng viên, là chi bộ lớn nhất trong bệnh viện. Trong suốt 10 năm, chi bộ luôn luôn đạt tiêu chuẩn là chi bộ trong sạch, vững mạnh. Về công tác công đoàn, trung tâm luôn làm tốt công tác chăm lo đời sống cho nhân viên, động viên, thăm hỏi, giúp đỡ những thành viên có hoàn cảnh khó khăn trong khoa. Tập thể cán bộ nhân viên trong trung tâm không ít lần đã tự tổ chức đóng góp tiền ủng hộ bệnh nhân nghèo, bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn được điều trị tại khoa. Cùng với công đoàn và đoàn thanh niên bệnh viện, khoa đã tích cực tham gia nhiều đợt khám chữa bệnh từ thiện, làm công tác từ thiện cho nhân dân nghèo của các tỉnh như Thanh Hóa, Điện biên, Nghệ An, Hà Giang, Lạng sơn, Quảng bình, Hà tĩnh v.v. Trong những lần thực hiện công tác này, nhân viên của trung tâm luôn luôn được đánh giá cao về tinh thần và trách nhiệm.
Trải qua hơn 50 năm xây dựng và phát triển, những thầy thuốc, cán bộ y tế chuyên ngành gây mê hồi sức luôn là những chiến sĩ thầm lặng trong cuộc chiến đấu cam go giành lại cuộc sống cho người bệnh. Với những thành tích đã đạt được, 50 năm qua, Trung tâm đã đón nhận nhiều phần thưởng cao quý như: Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; Huân chương Lao động hạng Nhất, hạng Nhì; Anh hùng lao động trong thời kỳ đổi mới…