Giới thiệu chung

IMG_8982

 

 

1.Tên khoa: Khoa phẫu thuật nhiễm khuẩn (Department of septic surgery and woundcare)

 

2.Liên hệ

                 Địa chỉ: Nhà B5 – Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

                 Điện thoại (024)39285381 (số máy lẻ: 5256)

 

3. Lịch sử phát triển khoa

                 Sau khi bệnh viện Phủ Doãn được bàn giao chính thức cho nhà nước, khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn (tiền thân là khoa Cách ly) đã được thành lập rất sớm từ năm 1954 với khoảng 10 giường bệnh để tập hợp và điều trị các bệnh nhân nhiễm trùng nặng hay mắc các bệnh lây nhiễm. Khoa khởi đầu do Bs Lưu Văn Thông, sau đó đến Bs Phạm Phú Quý và Bs Nguyễn Hữu Giới được chỉ định phụ trách. Trong những năm đất nước xây dựng Chủ nghĩa Xã hội, thời kỳ bom mỹ đánh phá miền Bắc, khoa cách ly luôn là một đơn vị đóng góp tích cực việc cứu chữa bệnh nhân bị thương hay bệnh lý có biến chứng nhiễm trùng, hoặc mắc các bệnh lây lao cần can thiệp phẫu thuật.

                 Từ năm 1974, do các bệnh nhiễm trùng trong ngoại khoa tăng nhiều và ngày càng phức tạp cần phải có điều trị đặc biệt, khoa Phẫu thuật Nhiễm khuẩn chính thức được thành lập với tổng cộng là 13 giường do Bs Phạm Lộng Chương phụ trách.

                 Năm 1997, do các bệnh lây lao tăng nhiều, cùng với sự xuất hiện bệnh nhân HIV cấp cứu trong ngoại khoa, số giường điều trị tăng lên thành 20 giường. Từ 1998 cho đến nay phụ trách khoa là Bs Nguyễn Đức Chính. Khoa đã khám chữa rất nhiều những trường hợp hiểm nghèo, nhiễm trùng nặng có biến chứng như áp xe trung thất, viêm tấy lan tỏa tầng sinh môn, rò tiêu hoá, mất da rộng tầng sinh môn do chấn thương, uốn ván và gần đây nhiều trường hợp bệnh nhân lao tiêu hoá, bệnh nhân nhiễm HIV/AIDS đã được điều trị phẫu thuật khỏi và ra viện.

                 Năm 2011, khoa Phẫu thuật nhiễm khuẩn được chuyển sang địa điểm điều trị mới với 27 giường bệnh.Từ năm 2015 khoa tiếp nhận toàn bộ khu nhà phẫu thuật nhiễm khuẩn với 37 giường bệnh được bố trí riêng cả 3 tầng .

                 Từ tháng 12/2018 trong chương trình hợp tác với chuyên gia phục hồi chức năng Nhật bản (Kitahara), khoa đã chủ động cải tạo mặt bằng tăng thêm 03 giường dành riêng cho người bệnh phục hồi chức năng.

                 Từ 11/2019 khoa được phê duyệt thành lập “ Đơn vị chăm sóc vết thương”, tiếp nhận và điều trị người bệnh có vết thương phức tạp và nhiễm trùng. Hiện tại số giường điều trị tại khoa chính thức là 40 giường.

 

4. Cơ cấu tổ chức:

                Trưởng khoa : TS.BS Phạm Vũ Hùng

                Phó Trưởng khoa: BSCKII Trần Tuấn Anh

                 Điều dưỡng trưởng khoa: Cử nhân điều dưỡng Nguyễn Minh Ky

                 Tổng số nhân lực: 05 Bác sĩ: 1 Phó giáo sư Tiến sĩ bác sĩ CK II, 03 Thạc sĩ, 01 bác sĩ (hợp đồng dài hạn).

                 04 Cử  nhân điều dưỡng, 11 điều dưỡng cao đằng (02 hợp đồng).

                 06 Điều dưỡng trung cấp (01 hợp đồng).

                 01 nhân viên văn phòng.

                 02 trợ giúp chăm sóc (01 bệnh viện + 01 công ty Hoàn Mỹ).

                 Cơ sở vật chất:

                 - Khoa được cải tạo từ năm 2015 đến nay, phân chia 3 tầng tại khu nhà B5 với tầng 3 dành cho nhân viên, hành chính khoa; 2 tầng 1-2 dành cho bệnh nhân điều trị và khám bệnh

                 - Khoa có 40 giường bệnh, trong đó khu đặc biệt như : 10 giường dành cho điều trị bệnh nhân lây nhiễm và HIV, 03 giường dành cho phục hồi chức năng, 07 giường chăm sóc vết thương đặc biệt… Có các phương tiện y tế như hệ thống khí y tế trung tâm, máy hút, bơm tiêm điện, máy tập thổi, máy điện tim, monitors ..

 

5. Thành tựu:

                 Về công tác chuyên môn

                 Với số giường điều trị là 40 giường, trong đó có khu vực giành riêng điều trị bênh nhân nhiễm HIV, số lượng bệnh nhân nặng phải nằm lâu nhiều như rò tá tràng, suy kiệt sau mổ nhiều lần cũng như số bệnh nhân nhiễm HIV, lây lao phải can thiệp phẫu thuật cũng có xu hướng tăng.

                 Hiện nay khoa tiếp nhận các bệnh nhân có biến chứng nhiễm khuẩn sau phẫu thuật, các bệnh lây lao cần can thiệp ngoại khoa và bệnh nhân có HIV của hầu hết các tỉnh phía bắc. Nhiều bệnh lý phức tạp như áp xe trung thất, viêm tấy sàn miệng lan toả,  áp xe phổi, ổ cặn màng phổi, nấm phổi, rò tiêu hoá phức tạp, u bụng xâm lấn nhiều tạng... đạt tỷ lệ thành công cao.

                 Từ đầu năm 2019 khoa tiếp nhận các bệnh nhân chấn thương, vết thương tổn thương phức tạp, nhiễm khuẩn nặng. Đặc biệt là những bệnh nhân có vết thương mạn tính lâu liền, tổn thương bàn chân do đái tháo đường. Khoa tiến hành thực hiện các kĩ thuật mới như hút áp lực âm liên tục (VAC – Vacuum Assisted Closure) , sử dụng các sản phẩm thay băng phù hợp với từng tổn thương đem lại hiệu quả cao cho người bệnh giúp rút ngắn quá trình liền thương,

                 Các danh hiệu đã đạt được:

                 Huân chương lao động hạng Nhì: Quyết định số 1887/ QĐ – CTN ngày 06 tháng 08 năm 2014

                 Bằng khen thủ tướng chính phủ: QĐ số 1637/ QĐ-TTg ngày 21 tháng 09 năm 2011

                 Bằng khen bộ trưởng bộ Y tế năm 2009, 2011 và 2013.

                 Tập thể lao động xuất sắc liên tục các năm

 

 6. Định hướng phát triển

                 Đẩy mạnh công tác chuyên môn nâng cao chất lượng điều trị bệnh nhân, nhất là các bệnh nhân có biến chứng, bệnh nhân nặng tuyến dưới chuyển lên:rò, áp xe, nhiễm trùng nặng. Bên cạnh đó tiếp tục triển khai các kĩ thuật mới trong điều trị bệnh nhân như phẫu thuật nội soi, áp dụng chăm sóc bệnh nhân lây nhiễm, HIV

                 Tăng cường công tác đào tạo: phối hợp với bên trường đào tạo các bác sĩ, sinh viên y, cử nhân điều dưỡng. Chú trọng đào tạo và hướng dẫn lâm sàng. Kết hợp đào tạo sinh viên nước ngoài: Úc, Pháp, Đức…trong chương trình hợp tác của bệnh viện.

                 Nâng cao chất lượng chăm sóc điều dưỡng, áp dụng các biện pháp “an toàn người bệnh”, lấy “bệnh nhân là trung tâm” nhằm giảm thiểu sự cố, biến chứng.

                 Đẩy mạnh công tác quản lý, sủ dụng các trang thiết bị hiệu quả nâng cao chất lượng điều trị.  Làm tốt công tác quản lý kinh tế, cải thiện môi trường làm việc, nâng cao đời sống nhân viên theo chủ trương chung của bệnh viện. Khoa cố gắng trang bị một số giường bệnh theo yêu cầu để phục vụ nhu cầu của người bệnh.

                 Nâng cao trình độ đào tạo (nghiên cứu sinh, bác sĩ chuyên khoa II cho bác sĩ), cao học đối với điều dưỡng. Cử đi học tập ngắn hạn cả trong và ngoài nước như Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật …

                 Phát huy các sáng kiến, các nghiên cứu khoa học áp dụng vào công tác chuyên môn hàng ngày : Máy hút liên tục tự tạo, chăm sóc bệnh nhân có vết thương rộng phức tạp.