Chồng nguy kịch, người vợ nghèo bất lực hẹn con gái sum vầy Tết năm sau
28/01/2022 14:16
Khi Tết Nhâm Dần 2022 đang cận kề, người người sum vầy cùng gia đình thì vợ chồng anh Lò Văn May, 24 tuổi và chị Lò Thị Kẻo, 23 tuổi, dân tộc Lào, trú tại xã Nà Tăm, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu không biết ngày trở về bản làng có còn xa?
Nằm trên giường bệnh hồi sức tích cực tim mạch và lồng ngực, Lò Văn May giọng yếu ớt, thều thào kể lại ngày gặp nạn. Anh cùng 2 người khác vào rừng sâu cách nhà hơn 60km để chặt gỗ mướn, vừa đi làm thuê được một ngày thì trượt chân, bị cây gỗ đè lên người, ngất xỉu rồi nhanh chóng được đưa xuống núi, cấp cứu tại bệnh viện tỉnh Lai Châu. Do bệnh tình ngày càng chuyển biến nặng, ngày 19/1/2022, anh được chuyển đến Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Nuốt nghẹn nước mắt đắng cay vào trong, chị Lò Thị Kẻo – vợ bệnh nhân Lò Văn May vừa lo không có tiền chữa trị cho chồng, vừa thương con gái 5 tuổi ngày ngày ngóng trông bố mẹ trở về nhà.
PGS.TS Nguyễn Hữu Ước – Giám đốc Trung tâm Tim mạch và lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Qua thăm khám kỹ lưỡng với các kết quả cận lâm sàng như X quang ngực và CT scanner 64 dãy, cho chẩn đoán kịp thời và chính xác là bệnh nhân Lò Văn May bị vỡ eo động mạch chủ, vỡ phế quản trái, chắc chắn sẽ tử vong nếu không can thiệp ngay, nhất là với thương tổn vỡ động mạch chủ. Các bác sĩ đã quyết định dùng phương pháp Hybrid: vừa mổ bắc cầu cho các mạch máu lớn vùng cổ, vừa can thiệp đặt ống mạch nhân tạo (stent-graft) vào lòng động mạch chủ để bít chỗ vỡ. Đây là một giải pháp mới giúp hạn chế rất nhiều rủi ro so với mổ mở truyền thống do thủ thuật đơn giản hơn, bị mất rất ít máu trong quá trình can thiệp, hạn chế gây ra các biến chứng ở não và các cơ quan nội tạng khác. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là cơ sở y tế đầu tiên ở Việt Nam ứng dụng phương pháp Hybrid điều trị bệnh động mạch chủ từ năm 2012, tới nay bệnh viện đã cứu sống được hàng trăm bệnh nhân mắc bệnh động mạch chủ rất nặng và phức tạp. Tuy nhiên, các giải pháp điều trị bệnh động mạch chủ nói chung và phương pháp Hybrid nói riêng đều là các giải pháp kỹ thuật cao với chi phí rất lớn, đây là một khó khăn – trăn trở của các thầy thuốc khi đưa ra quyết định điều trị cho nhóm bệnh này, nhất là như trường hợp của bệnh nhân Lò Văn May – với gia cảnh rất khó khăn.
PGS.TS Ước lý giải, vỡ eo động mạch chủ là một bệnh lý còn hiếm gặp ở Việt Nam. Eo động mạch chủ là vùng ranh giới giữa quai động mạch chủ và động mạch chủ ngực xuống – với kích thước rất lớn tới 20 – 25mm, nên khi bị chấn thương vỡ eo, đa số các trường hợp bị tử vong ngay sau tai nạn. Các triệu chứng như: đau ngực, khó thở, X quang ngực thấy trung thất trên rộng là các dấu hiệu gợi ý có chấn thương của eo động mạch chủ. Để điều trị, phương pháp phẫu thuật kinh điển thường phải dùng tim phổi máy hỗ trợ, nhưng kỹ thuật vô cùng khó khăn vì eo động mạch chủ là vùng rất khó tiếp cận để xử lý các thương tổn. Hơn nữa trong điều kiện cấp cứu, chảy máu dữ dội, nếu kẹp được mạch chỗ vỡ để xử lý thương tổn cũng sẽ gây tổn thương não và các tạng khác trong cơ thể.
Trong những năm qua, Trung tâm Tim mạch và lồng ngực tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân nặng, nguy kịch, người dân tộc và rất khó khăn. Nhiều trường hợp các thầy thuốc phải kí giấy bảo lãnh mổ cấp cứu để cứu sống người bệnh kịp thời, vậy nên sự hỗ trợ, giúp bệnh nhân có hoàn cảnh khó khăn của các mạnh thường quân và các nhà hảo tâm có ý nghĩa vô cùng lớn. Hiện tại, sau 7 ngày phẫu thuật, bệnh nhân Lò Văn May đã tỉnh táo, tự thở oxy, huyết động tạm ổn, không yếu liệt, còn chấn thương phế quản gốc bên trái chờ can thiệp thì 2 (cũng là một phẫu thuật rất nặng) để giảm thiểu nguy cơ nhiễm trùng – sau khi ổn định về động mạch chủ. “Tiên lượng chung tình trạng bệnh nhân còn nặng, chi phí điều trị sẽ rất lớn, nhưng Bệnh viện và Trung tâm sẽ cố gắng tối đa, rất mong có sự chung tay của mọi người”, PGS Ước nói.
Mọi tấm lòng hảo tâm xin liên hệ: |
Phòng Công tác xã hội