Chẩn đoán, điều trị và phòng ngừa bệnh động mạch vành
01/03/2024 07:45
1. Chẩn đoán bệnh động mạch vành
Chẩn đoán bệnh động mạch vành thường dựa vào nhiều yếu tố, bao gồm triệu chứng lâm sàng, kết quả điện tâm đồ, kết quả xét nghiệm men tim, và đôi khi cần các xét nghiệm hình ảnh như cắt lớp vi tính động mạch vành hoặc chụp động mạch vành xâm lấn qua da.
Các bác sĩ sẽ đo lường mức độ hẹp của động mạch vành, đánh giá tác động lên bệnh nhân từ đó đưa ra biện pháp điều trị tốt nhất cho người bệnh.
2. Những phương pháp điều trị bệnh động mạch vành
Khi đã chẩn đoán và xác định bệnh động mạch vành, bác sĩ sẽ đưa ra phác đồ điều trị cho bệnh nhân, tùy theo căn nguyên và độ nghiêm trọng của bệnh trong từng trường hợp. Các phương pháp điều trị bệnh mạch vành thường được sử dụng ở thời điểm hiện tại bao gồm: điều trị nội khoa (điều trị bằng thuốc), can thiệp mạch ( đặt stent mạch vành) và phẫu thuật bắc cầu động mạch vành.
Điều trị nội khoa bệnh động mạch vành phụ thuộc vào triệu chứng, chức năng tim và các rối loạn khác. Các thuốc hay dùng bao gồm:
– Thuốc chống ngưng tập tiểu cầu để ngăn ngừa sự hình thành cục máu đông.
– Thuốc giảm nồng độ mỡ máu.
– Thuốc chẹn beta để giảm các triệu chứng đau thắt ngực bằng cách giảm nhịp tim và khả năng co bóp cũng như giảm nhu cầu oxy của cơ tim.
– Thuốc Nitrate làm giãn động mạch vành và làm giảm sự hồi phục tĩnh mạch, làm giảm hoạt động của tim và giảm đau thắt ngực một cách nhanh chóng.
– Thuốc ức chế men chuyển và thuốc ức chế thụ thể angiotensin II có hiệu quả nhất trong việc giảm tỷ lệ tử vong sau nhồi máu cơ tim ở bệnh nhân bệnh động mạch vành có rối loạn chức năng tim.
Can thiệp mạch vành qua da
Can thiệp mạch vành qua da được chỉ định cho bệnh nhân mắc hội chứng mạch vành cấp hoặc bệnh tim do thiếu máu cục bộ ổn định bị đau thắt ngực mặc dù đã điều trị nội khoa tối ưu.
Can thiệp mạch vành qua da bao gồm nong bóng động mạch, đặt stent lòng mạch. Đặt stent động mạch vành là phương pháp được thực hiện theo chỉ định của bác sĩ tim mạch, thường là khi mảng xơ vữa tiến triển làm hẹp lòng mạch trên mức 70% lòng mạch, động mạch vành không đủ khả năng để cung cấp đủ nhu cầu oxy cho cơ tim, nhất là khi vận động, tập thể dục hoặc làm việc gắng sức.
Các loại stent thông dụng:
– Stent thường (hay stent không phủ thuốc): Hiện nay ít dùng vì tỷ lệ tái hẹp trong stent cao. Thường được chỉ định ở bệnh nhân quá cao tuổi nhằm giảm thời gian sử dụng thuốc chống ngưng tập tiểu cầu kép, giảm nguy cơ gây biến chứng xuất huyết cho bệnh nhân.
– Stent phủ thuốc: Rất phổ biến. Là loại stent được phủ 1 lớp thuốc chống tăng sinh tế bào trên thành khung stent nhằm giảm nguy cơ tái hẹp trong lòng stent. Tuy nhiên sau đặt stent phủ thuốc cần sử dụng thuốc kháng ngưng tập tiểu cầu dài hơn (ít nhất 1 năm theo các khuyến cáo hiện nay). Chính vì vậy mà nguy cơ chảy máu cũng cao hơn so với stent thường.
Mỗi loại có cơ chế tác dụng đặc trưng, chọn loại stent nào sẽ dựa vào chỉ định của bác sĩ đối với từng trường hợp cụ thể.
Phẫu thuật bắc cầu động mạch chủ – động mạch vành
Phương pháp phẫu thuật bắc cầu động mạch vành thường được dùng để điều trị các trường hợp hẹp động mạch vành nặng không phù hợp cho can, giúp tạo ra đường đi mới để máu đi vòng qua vị trí động mạch bị tắc.
– Khi nhiều nhánh động mạch vành bị tắc nghẽn nặng.
– Khi thân chung động mạch vành trái bị tắc nghẽn nặng.
Tuy nhiên, không phải tất cả bệnh nhân tim đều cần phải thực hiện phẫu thuật này. Nhiều người có thể kiểm soát bệnh tim bằng cách điều chỉnh chế độ ăn uống, tập thể dục, sử dụng thuốc và các phương pháp điều trị khác.
Ưu điểm của phẫu thuật bắc cầu động mạch vành
– Hiệu quả kéo dài.
– Chấm dứt triệu chứng đau ngực.
– Tăng tuổi thọ.
Những ưu điểm này làm cho phẫu thuật bắc cầu chủ vành trở thành một phương pháp hiệu quả và hữu ích trong điều trị bệnh mạch vành.
3. Cách phòng ngừa bệnh động mạch vành
Một lối sống lành mạnh có thể giúp hạn chế tiến triển của bệnh mạch vành. Các biện pháp thay đổi lối sống bao gồm:
– Thực hiện chế độ ăn lành mạnh: hạn chế đồ mỡ, tinh bộ, ăn nhiều rau xanh…
– Tập thể dục: tập thường xuyên và phù hợp với sức khỏe của bạn. Nếu cần có thể tư vấn bác sỹ để đánh giá và có bài tập phù hợp cho từng trường hợp cụ thể.
– Bỏ hoàn toàn thuốc lá bao gồm cả việc tránh hít khói thuốc từ người khác (hay còn gọi là hút thuốc lá bị động).
– Kiểm soát cân nặng: tránh thừa cân, quá béo, duy trì BMI < 25.
– Theo dõi, kiểm tra định kỳ, điều trị và kiểm soát các bệnh nền theo hướng dẫn.
– Tham gia các câu lạc bộ bệnh nhân, tìm hiểu về các bệnh lý đang mắc để cùng phối hợp với nhân viên y tế giúp tập luyện và điều trị hiệu quả hơn.
4. Người bệnh cần làm gì khi mắc bệnh động mạch vành
– Cần tuân thủ điều trị theo hướng dẫn của bác sỹ, tránh tự ý điều trị.
– Tái khám và điều chỉnh thuốc định kỳ theo hướng dẫn.
– Khi xuất hiện các triệu chứng bên trên và tăng lên cần tái khám ngay.
– Điều trị các bệnh lý kết hợp, đảm bảo các thông số mục tiêu theo hướng dẫn.
Trung tâm Phẫu thuật Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là địa chỉ thăm khám, phòng ngừa và điều trị các bệnh lý về Tim mạch và Lồng ngực uy tín hàng đầu. Để tìm hiểu thêm về thông tin bệnh lý và nhu cầu chăm sóc sức khỏe vui lòng liên hệ:
BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ VIỆT ĐỨC |
-
Ung thư phổi di căn não nguy hiểm như thế nào?
16/09/2024 05:48
-
Kiểm soát đau: Các phương pháp giảm đau cho người bệnh
09/09/2024 05:38