Bệnh động mạch vành và những biến chứng khó lường

26/02/2024 07:59

1. Bệnh động mạch vành là gì?

 

Bệnh động mạch vành là một bệnh lý tim mạch phổ biến, có khả năng gây ra những biến chứng nghiêm trọng, bao gồm đau thắt ngực, hội chứng mạch vành cấp, và thậm chí đột tử do ngừng tim nguyên nhân từ sự suy giảm lưu lượng máu qua các động mạch vành, thông thường là do bít tắc từ các mảng xơ vữa.

 

Bệnh động mạch vành là nguyên nhân tim mạch gây tử vong hàng đầu thế giới, chiếm khoảng 1/3 tổng số ca tử vong. Tỷ lệ tử vong ở nam và nữ là tương đương ở người châu Á và ở những bệnh nhân mắc bệnh đái tháo đường. Tỷ lệ tử vong ở phụ nữ tăng lên sau khi mãn kinh, thậm chí cao hơn nam giới.

 

Giải phẫu động mạch vành

 

Các động mạch vành phải và trái xuất phát từ các xoang vành bên phải và trái trong gốc của động mạch chủ ngay phía trên van động mạch chủ. Các động mạch vành chia thành các động mạch lớn và trung bình chạy dọc theo bề mặt của tim và sau đó tách thành các động mạch nhỏ hơn vào cơ tim.

 

 

2. Biểu hiện của bệnh động mạch vành:

 

– Thiếu máu cơ tim thầm lặng: Các triệu chứng ban đầu có thể không rõ ràng hoặc chúng chỉ có thể xảy ra khi tim đập mạnh như khi tập thể dục, làm việc nặng. Giai đoạn này, động mạch vành bị hẹp tương đối nhẹ, không gây ra triệu chứng rõ ràng, nhưng vẫn làm giảm cung cấp máu và oxy đến cơ tim.

 

– Đau thắt ngực ổn định: hay gặp trong xơ vữa động mạch vành. Gọi là  “ổn định” do có yếu tố khởi phát và cơn đau thường mang tính chất tương tự nhau. Cụ thể, cơn đau thường chỉ xảy ra khi người bệnh đang thực hiện các hoạt động gắng sức như chơi thể thao, bê vác nặng, leo cầu thang… hay khi căng thẳng tâm lý. Cơn đau thắt ngực ổn định thường được mô tả với cảm giác đau thắt, khó chịu ở ngực, ngay phía dưới xương ức, cảm giác giống như trái tim bị bóp chặt hay bị một vật rất nặng đè lên. Cơn đau có thể lan lên cổ, vai, hàm, lưng, cánh tay. Ngoài ra còn có khó thở, buồn nôn, mệt mỏi, toát mồ hôi, lo lắng, căng thẳng… Đau có thể từ nhẹ đến nặng, và mức độ đau thường tương ứng với mức độ hẹp của động mạch vành. Ở một số người, đặc biệt là phụ nữ, cơn đau có thể ngắn hoặc nhói và có thể cảm thấy ở cổ, cánh tay hoặc lưng.

 

– Đau thắt ngực không ổn định là những cơn đau ngực không thể dự đoán trước, thường không liên quan đến những yếu tố khởi phát nêu trên, và nó đã mất đi tính “ổn định” ban đầu nên rất nguy hiểm.

 

Các triệu chứng tương tự đau ngực ổn định, nhưng có thể nặng hơn, bất ngờ hơn, có thể bao gồm: Đau ngực hoặc cảm giác có vật nặng đè lên lồng ngực, có thể gặp như có hàng ngàn mũi kim châm vào tim, bệnh nhân thường phải đặt bàn tay của mình vào ngực và cúi gập người xuống để giảm bớt đi sự khó chịu …

 

3. Nguyên nhân bệnh động mạch vành

 

Nguyên nhân bệnh động mạch vành thường do xơ vữa động mạch vành với tỷ lệ chiếm hơn 90%, ngoài ra còn một số nguyên nhân khác hiếm gặp bao gồm thuyên tắc động mạch vành, co thắt động mạch vành, lóc tách, phình động mạch (bệnh Kawasaki) và viêm mạch (bệnh lupus ban đỏ hệ thống, giang mai).

 

Xơ vữa mạch vành

 

Xơ vữa động mạch vành thường phân bố không đều trong các đoạn mạch khác nhau nhưng thường xảy ra ở những vị trí đặc biệt (vị trí mạch chia nhánh). Khi mảng xơ vữa phát triển trong thành mạch máu, lòng mạch dần dần thu hẹp, dẫn đến thiếu máu cục bộ (gây ra đau thắt ngực).

 

Đôi khi, mảng xơ vữa sụp đổ hoặc nứt vỡ. Hậu quả thiếu máu cấp tính, gọi chung là hội chứng mạch vành cấp, phụ thuộc vào vị trí và mức độ tắc nghẽn và bao gồm từ đau thắt ngực không ổn định, nhồi máu cơ tim không có ST chênh lên, đến nhồi máu cơ tim có ST chênh lên, có thể dẫn đến các biến chứng khác bao gồm loạn nhịp tim ác tính, rối loạn dẫn truyền, suy tim và đột tử.

 

Co thắt mạch vành là tình trạng tăng trương lực thành mạch khu trú, làm hẹp lòng mạch rõ rệt và giảm lưu lượng máu. Sự thu hẹp lòng động mạch vành đáng kể có thể gây ra sự hình thành huyết khối, gây nhồi máu hoặc loạn nhịp đe dọa tính mạng. Sự co thắt có thể xảy ra trong các động mạch có hoặc không có mảng xơ vữa. Sử dụng các thuốc gây co mạch (như cocaine, nicotine) và stress cũng có thể gây co thắt mạch vành.

 

Tách thành động mạch vành có thể xảy ra trong các bệnh động mạch vành có hoặc không có xơ vữa động mạch. Lóc tách động mạch không xơ vữa có nhiều khả năng xảy ra ở phụ nữ mang thai hoặc sau sinh và/hoặc bệnh nhân có bệnh mô liên kết khác.

 

4. Các yếu tố nguy cơ gây ra bệnh động mạch vành là gì?

 

Các yếu tố nguy cơ không thay đổi được

 

Tuổi tác tăng lên làm nguy cơ bệnh tim mạch tăng theo. Việc ăn uống điều độ và sinh hoạt hợp lý có thể giúp làm chậm lại quá trình lão hóa.

 

Giới tính: nam giới có nguy cơ mắc bệnh mạch vành và đột quỵ cao hơn hẳn (chiếm khoảng 70%) so với nữ giới. Tuy nhiên, nữ giới sau mãn kinh thì tốc độ gia tăng các bệnh tim mạch càng nhanh.

 

Yếu tố di truyền: Nhiều nghiên cứu đã chứng minh rằng những người mà gia đình có người bị bệnh tim mạch hoặc đột quỵ có khả năng mắc bệnh cao hơn so với những người không có.

 

Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi được

 

– Tăng huyết áp là “kẻ giết người thầm lặng” trong bệnh tim mạch. Đáng chú ý là tăng huyết áp thường không xuất hiện với bất kỳ triệu chứng gì, dẫn đến việc gây ra một loạt các biến chứng tiềm ẩn đối với sức khỏe của bệnh nhân mà không hề có dấu hiệu rõ ràng.

 

– Hút thuốc lá, thuốc lào, kể cả thuốc lá điện tử được xác định là gây ra tăng nguy cơ xơ vữa động mạch vành, đột quỵ và các bệnh mạch máu ngoại vi khác. Việc bỏ thuốc lá ngay lập tức là bắt buộc để giảm nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Lưu ý hút thuốc lá thụ động, tức là việc hít khói thuốc lá do người khác hút, cũng có nguy cơ tương đương.

 

– Thừa cân, béo phì, tăng cholesterol máu.

 

– Đái tháo đường.

 

– Ít vận động.

 

– Uống nhiều bia rượu.

 

5. Biến chứng của bệnh động mạch vành

 

 

– Nhồi máu cơ tim: khi cơ tim bị thiếu máu dẫn đến một phần cơ tim bị hủy hoại nhanh chóng gây nhiều biến chứng nguy hiểm như các rối loạn nhịp tim nặng, hở van tim cấp, thủng thành vách, vỡ tim, suy tim cấp, phù phổi, suy hô hấp và tử vong.

 

– Suy tim: Do cơ tim bị thiếu máu lâu ngày dẫn đến tim suy yếu, không đảm bảo khả năng bơm máu cho cơ thể.

 

– Rối loạn nhịp tim, đột tử: Do thiếu máu hoặc sẹo cơ tim sau nhồi máu hình thành các ổ gây loạn nhịp tim, nặng có thể ngừng tim đột ngột và tử vong nếu không cấp cứu kịp thời.

 

– Các biến chứng của bệnh động mạch vành rất nặng nề. Tuy nhiên nếu được điều trị kịp thời thì tiên lượng của các bệnh nhân rất khả quan. Do vậy, việc phát hiện bệnh sớm, bệnh nhân được tiếp cận với các biện pháp điều trị sớm có ý nghĩa rất quan trọng trong bệnh động mạch vành.

 

– Tiếp tục duy trì chế độ ăn, sinh hoạt, tập luyện dưới hướng dẫn của bác sỹ.  

 

Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

 

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là địa chỉ thăm khám, phòng ngừa và điều trị các bệnh lý về Tim mạch và Lồng ngực uy tín hàng đầu. Để tìm hiểu thêm về thông tin bệnh lý và nhu cầu chăm sóc sức khỏe vui lòng liên hệ:

 

   BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ VIỆT ĐỨC
   – Địa chỉ: 40 Tràng Thi – Hoàn Kiếm – Hà Nội
   – Tổng đài đặt lịch khám: 19001902
   – Fanpage: Facebook.com/bvvietduc
   – Website: Benhvienvietduc.org

Tagged in: Tags:

Tư vấn trực tuyến

Tập huấn trực tuyến: Quy trình chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Nhằm cập nhật kiến thức trong chẩn đoán, điều trị cho các y, bác sĩ, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng điều trị cho người bệnh, ngày 18/5, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tổ chức khóa tập huấn trực tuyến “Quy trình chạy thận nhân…

Xem tiếp

Kết nối Facebook