Chăm sóc bệnh nhân bó bột và các vấn đề thường gặp
05/07/2024 06:51
Bột là vật liệu cứng dùng để cố định xương gãy ở đúng vị trí, quá trình liền xương diễn ra thuận lợi, phục hồi hình dáng xương cũng như khả năng vận động của tay hoặc chân bị gãy. Trong quá trình điều trị bảo tồn bằng kéo nắn, bó bột cho bệnh nhân chỉ có thời gian ngắn khi bệnh nhân ở bệnh viện để nắn, bó bột. Phần lớn thời gian điều trị của bệnh nhân là điều trị ngoại trú tại nhà, Vì vậy, việc chăm sóc cho bệnh nhân bó bột khi điều trị tại nhà có ý nghĩa rất lớn, ảnh hưởng nhiều tới thành công hay thất bại của quá trình điều trị.
Bệnh nhân khi bị gãy xương có chỉ định điều trị bảo tồn bằng kéo nắn bó bột sẽ được đưa tới khoa Khám xương và Điều trị ngoại trú, nắn, bó bột rạch dọc, sau khoảng 7-10 ngày được thay bột tròn kín và thay bột theo chu trình. Trong quá trình chăm sóc bệnh nhân bó bột có nhiều nguy cơ như bột chặt gây chèn ép bột, bột lỏng, bột vỡ… và các bất tiện do bột gây ra như ngứa, nóng trong bột, vấn đề vận động, đi lại của các bệnh nhân khi bó bột.
Bột quá chặt chèn ép gây đau – hội chứng chèn ép bột
Bột là vật liệu cứng dùng để cố định xương gãy, tuy nhiên khi tay hoặc chân người bệnh bị gãy, phần mềm thường đụng dập, phù nề gây ra tình trạng bột chặt chèn ép mạch máu và thần kinh làm đau, hạn chế vận động chi, thậm chí thiếu máu, hoại tử chi nếu không được xử lý kịp thời. Dấu hiệu nhận biệt tình trạng bột quá chặt là đầu ngón tay hoặc chân sưng nề, tím lạnh hoặc trắng nhợt, khi chạm tay vào đau nhiều, đôi khi không cảm giác được. Bệnh nhân không thể vận động được đầu ngón tay hoặc chân. Để hạn chế tình trạng này, các bác sĩ và kỹ thuật viện khi bó bột lần đầu thường rạch dọc bột để hạn chế tình trạng này. Về phần bệnh nhân và gia đình, cần cho người bệnh gác cao tay hoặc chân phần bị gãy cao hơn mức ngang tim, đồng thời tập vận động các ngón tay hoặc chân giúp giảm tình trạng sưng nề, lưu thông máu tốt hơn. Bệnh nhân sau khi bó bột luôn được hẹn khám lại trong vòng 24h để kiểm tra tình trạng bột, xử lí vấn đề bột quá chặt đồng thời hẹn khám và thay bột cho người bệnh.
Bột quá lỏng, bột bị vỡ thì nên làm như thế nào?
Bệnh nhân sau bó bột sau khoảng 7-10 ngày khi phần mềm bớt sưng nề, bột thường lỏng ra, thậm chí tuột bột ra ngoài. Đối với trường hợp bệnh nhân nhỏ tuổi, do quá trình vận động, bột có thể vỡ ra. Khi bột lỏng hoặc bị vỡ người bệnh nên tới khám lại, thay bột khác đảm bảo xương được điều chỉnh đúng vị trí, hạn chế các di lệch thứ phát gây cong, biến dạng chi gãy. Việc thay bột theo chu trình thường diễn ra trong khoảng 7-10 ngày sau lần bó bột đầu tiên.
Bị ngứa khi bó bột, nóng ở trong bột thì nên làm như thế nào?
Phần tay, chân khi bó bột, lâu ngày không được vệ sinh có thể gây ra tình trạng ngứa, nóng khi bó bột, điều này thường xảy ra khi bệnh nhân được bó bằng bột thạch cao. Để hạn chế vấn đề này, trước khi bó bột, bệnh nhân được các kỹ thuật viên vệ sinh tay chân, trước khi bó, sử dụng các vật liệu thoáng khí để lót trong bột. Bệnh nhân cũng có thể sử dụng các loại bình xịt để giảm ngứa.
Khi bó bột có cần ăn kiêng gì không?
Trong quá trình điều trị gãy xương bằng bó bột, bệnh nhân không cần ăn kiêng thức ăn. Thức ăn dành cho người bị gãy xương bó bột nên sử dụng các thức ăn mềm, giàu chất dinh dưỡng, bổ sung đủ dưỡng chất và canxi như cháo, sữa, thịt, trứng, cá…
Khi bó bột có cần kiêng tắm không?
Quá trình điều trị cho bệnh nhân gãy xương bó bột thường kéo dài từ 2-6 tuần, thay bột theo chu trình. Trong quá trình này bệnh nhân vẫn có thể vệ sinh cá nhân, tắm rửa bình thường, tuy nhiên hạn chế nước dính vào các phần bó bột gây hỏng bột hoặc gây ra tình trạng ngứa, bẩn, mùi hôi ở trong bột gây khó chịu cho bệnh nhân.
Khi bó bột có được đi lại, vận động không hay phải giữ nguyên tránh di lệch?
Trong quá trình bó bột theo chu trình, lúc đầu bệnh nhân được bó bột rạch dọc, lúc này bệnh nhân có thể vận động đầu ngón tay, đầu ngón chân, nhưng chưa được tỳ chân xuống đất, có thể gây di lệch, hoặc vỡ bột. Sau khoảng 7-10 ngày sau khi thay bột tròn kín, bệnh nhân cần tăng cường vận động hơn, đối với bột ở chân, bệnh nhân cần cố gắng tập đi trên bột, giúp quá trình liền xương diễn ra nhanh hơn, hạn chế loãng xương, xơ hóa gân cơ.
Hiện tại ở khoa Khám xương và Điều trị ngoại trú có 02 loại bột: bột thạch cao và bột sợi thủy tinh – bột siêu nhẹ. Bột thạch cao sử dụng khi lần đầu bệnh nhân tới bó với ưu điểm giá thành rẻ, sử dụng nhiều trong nắn chỉnh, nhược điểm là nặng, ngứa, gây khó khăn khi vận động, đặc biệt với trẻ nhỏ hoặc người già. Bột sợi thủy tinh là loại bột cải tiến với ưu điểm nhẹ, ít gây ngứa, nóng cho người bệnh, bệnh nhân có thể vận động dễ dàng, đi lại trên bột tốt có giá thành đắt hơn so với bột thạch cao.
BSCKII Nguyễn Văn Nam, Khoa Khám xương và Điều trị ngoại trú, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là địa chỉ thăm khám, phòng ngừa và điều trị các bệnh lý về chấn thương uy tín hàng đầu. Để tìm hiểu thêm về thông tin bệnh lý và nhu cầu chăm sóc sức khỏe vui lòng liên hệ:
BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ VIỆT ĐỨC |
Tagged in: Tags: benhvienhuunghivietduc , benhvienvietduc , bvvietduc , bvvd , bobot ,
-
Ung thư phổi di căn não nguy hiểm như thế nào?
16/09/2024 05:48
-
Kiểm soát đau: Các phương pháp giảm đau cho người bệnh
09/09/2024 05:38