Cảnh giác với bệnh lồng ruột cấp tính khi trẻ đau bụng từng cơn

08/09/2023 08:13

 

Tại khoa Phẫu thuật Nhi và Trẻ sơ sinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức thường xuyên tiếp nhận nhiều trẻ đến với biểu hiện của bệnh lồng ruột. Đa phần các bệnh nhi được tháo lồng kịp thời bằng bơm hơi nhưng trong đó đáng tiếc có những trẻ được chẩn đoán muộn do gia đình chủ quan không đưa đi khám sớm.

 

ThS.BS Hồng Quý Quân, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Nhi và Trẻ sơ sinh, Bệnh viện HN Việt Đức cho biết: Cháu V.T.C (13 tháng tuổi) đến bệnh viện với biểu hiện đau bụng và khóc từng cơn, mỗi cơn 1-2 phút. Ngoài cơn này cháu vẫn chơi ngoan, bình thường nên gia đình cháu chủ quan, không đưa đi thăm khám. Đến tối muộn thấy cháu mệt và lả đi thì gia đình vội vàng đưa vào viện tỉnh rồi chuyển lên Bệnh viện HN Việt Đức. Tại đây, các bác sĩ khám lâm sàng thấy bụng có phản ứng, trực tràng có máu. Bệnh nhi nhanh chóng được tiến hành phẫu thuật cấp cứu với chẩn đoán hoại tử ruột do lồng ruột hồi manh tràng để muộn. Trong mổ, các bác sĩ đã phải cắt đoạn ruột hoại tử và nối lại ruột.

 

ThS.BS Hồng Quý Quân cho biết: Lồng ruột cấp tính là cấp cứu ngoại khoa thường gặp ở trẻ nhũ nhi (trẻ còn bú mẹ), xảy ra khi đoạn cuối ruột non (hồi tràng) chui qua van hồi manh tràng để vào lòng đoạn manh tràng. Do van hồi manh tràng hẹp nên các mạch máu của đoạn hồi tràng sẽ bị thắt nghẹt dẫn tới thiếu máu nếu để lâu sẽ gây hoại tử ruột.

 

Hình ảnh phẫu thuật lồng ruột cho trẻ

 

Nguyên nhân và lứa tuổi trẻ em bị lồng ruột:

 

Trên 90% các ca lồng ruột không rõ nguyên nhân, thường xảy ra sau một đợt nhiễm virus đường hô hấp vào mùa đông xuân. Một số trường hợp xảy ra do các khối u, polyp của ruột. Các yếu tố này có thể làm thay đổi nhu động của ruột dẫn tới việc các đoạn ruột “chui” vào nhau.

 

Bệnh lồng ruột có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi nhưng hay gặp nhất là từ 5 – 9 tháng tuổi, đặc biệt là những trẻ bụ bẫm. Trẻ trên 2 tuổi, tỷ lệ mắc là khoảng 15%, tỷ lệ này càng giảm khi trẻ lớn lên.

 

Với trẻ nhỏ do chưa biết nói nên triệu chứng thường mơ hồ dẫn đến hay bị bỏ qua, trẻ biểu hiện khóc từng cơn, có thể kèm theo nôn, ngoài cơn trẻ lại chơi và ăn được. Các triệu chứng có thể dịu bớt trong một khoảng thời gian ngắn, sau đó nếu để muộn sẽ biểu hiện với mức độ nặng hơn: mệt lả, da xanh tái, tiểu ít, sốt cao, lờ đờ, hôn mê, dấu hiệu mất nước nặng cộng với các biểu hiện của nhiễm khuẩn nhiễm độc hoặc sốc do mất nước hay sốc nhiễm khuẩn.

Khi trẻ có các dấu hiệu của bệnh lồng ruột, cần đưa ngay tới các cơ sở y tế chuyên khoa để kịp thời chẩn đoán và xử trí. Đối với các bệnh nhi được chẩn đoán lồng hồi manh tràng hoặc hồi-manh-đại tràng đến sớm, chưa có biến chứng, sẽ được xử trí tháo lồng bằng hơi dưới hướng dẫn của siêu âm ổ bụng, với tỷ lệ thành công đạt gần 100%; Đối với các bệnh nhi bị lồng ruột đến muộn, có biến chứng thủng ruột, viêm phúc mạc…sẽ được phẫu thuật cấp cứu cắt đoạn ruột bị lồng.

Do nguyên nhân thực sự gây lồng ruột ở trẻ chưa được rõ ràng nên không có biện pháp dự phòng đặc hiệu nào. Vì vậy, cách tốt nhất vẫn là nhanh chóng nhận biết các dấu hiệu bất thường ở trẻ để phát hiện sớm lồng ruột, tránh các biến chứng nguy hiểm do căn bệnh này gây ra. Bố mẹ cần đưa trẻ đi khám ngay khi có các triệu chứng như quấy khóc từng cơn, trong cơn trẻ ưỡn người, kèm theo nôn trớ nhiều,đi ngoài ra máu để được các bác sĩ thăm khám tránh để lại hậu quả nặng nề cho trẻ.

 

Trong trường hợp trẻ bị lồng ruột tái phát nhiều lần trong 1 năm trẻ cần được làm các xét nghiệm đánh giá nguyên nhân thực thể: polyp, u hồi tràng, đại tràng,… gây lồng ruột để có hướng xử trí kịp thời tùy theo nguyên nhân.

 

Phòng Công tác xã hội

Tagged in: Tags:

Tư vấn trực tuyến

Tư vấn trực tuyến tuyển sinh 2024: Chủ đề “Hiểu đúng ngành – Chọn đúng nghề”

Nghề y là một nghề đặc biệt, nhân lực ngành y tế phải đáp ứng yêu cầu cả về chuyên môn và y đức, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tăng cường công…

Xem tiếp

Kết nối Facebook