Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức: Những điều người bệnh cần lưu ý trong ngày phẫu thuật
24/02/2021 07:08
Người bệnh đọc thêm các phần tại đây:
1. Những điều người bệnh cần lưu ý trước ngày phẫu thuật
2. Những điều người bệnh cần lưu ý trong ngày phẫu thuật
3. Chăm sóc người bệnh sau phẫu thuật
Trong ngày tiến hành phẫu thuật, người bệnh cần tiếp tục nhịn ăn uống theo hướng dẫn của nhân viên y phụ trách, chỉ được phép uống thuốc khi có chỉ định của bác sĩ phẫu thuật, bác sĩ gây mê và dùng thuốc dưới sự hướng dẫn của nhân viên y tế phụ trách. Người bệnh vệ sinh răng miệng sạch sẽ, được thay váy sạch (người bệnh không mặc đồ lót) trước khi lên phòng mổ, được chuẩn bị vùng mổ sạch sẽ, đánh dấu vị trí vùng mổ.
Nhân viên y tế sẽ động viên tinh thần giúp người bệnh yên tâm và giảm lo lắng về cuộc phẫu thuật sắp diễn ra. Người bệnh sẽ được nhân viên y tế dẫn thẳng tới khu phẫu thuật, một nhân viên phòng mổ sẽ tiếp đón và chuẩn bị cho người bệnh trước phẫu thuật thông qua việc hỏi một số câu hỏi, thực hiện kiểm tra các thông tin cần thiết trong hồ sơ bệnh án của người bệnh và đảm bảo thủ tục hành chính đầy đủ. Sau đó, nhân viên phòng mổ thực hiện xác định chính xác người bệnh.
1. Tại phòng mổ:
Nếu người bệnh mong muốn, một người nhà của người bệnh có thể đi cùng người bệnh tới cửa ra vào của phòng mổ. Trong trường hợp trẻ em phẫu thuật thì mẹ hoặc bố có thể đi cùng để xác nhận tất cả các thông tin bên trong khu vực tiếp đón.
Nhân viên phòng mổ sẽ một lần nữa xác nhận lại danh tính và hồ sơ bệnh án của người bệnh. Nếu người bệnh có bất kỳ câu hỏi nào, đừng ngại hỏi nhân viên phòng mổ.
Khi ở trong phòng mổ, người bệnh sẽ được giúp đỡ để di chuyển từ xe cáng sang bàn mổ.
Thông thường trong phòng mổ sẽ bao gồm phẫu thuật viên, một phẫu thuật viên hỗ trợ nếu cần thiết, bác sỹ gây mê, các điều dưỡng, cũng như một hoặc vài nhân viên khác. Người bệnh sẽ được gây mê toàn thân/gây tê vùng (tùy từng trường hợp) trước khi bác sỹ phẫu thuật đến.
Các chỉ số sinh tồn như huyết áp, nhịp tim, độ bão hòa oxy, và nhịp thở sẽ được theo dõi xuyên suốt buổi phẫu thuật. Các thành viên của nhóm phẫu thuật sẽ sắp xếp truyền dịch tĩnh mạch, thực hiện thuốc và thủ thuật khác như đặt sonde tiểu, vệ sinh da vùng phẫu thuật… cho người bệnh.
2. Vấn đề gây mê:
Người bệnh sẽ được gây mê/gây tê phù hợp theo chỉ định. Có 3 loại gây mê/gây tê cơ bản:
Gây mê toàn thân: Gây mê toàn thân thích hợp với hầu hết các ca phẫu thuật. Việc này giúp cho người bệnh mất hoàn toàn nhận thức, cử động và cảm giác đau đớn.
Gây tê từng vùng: Gây tê từng vùng được chỉ định bởi phẫu thuật viên hoặc bác sỹ gây mê. Gây tê từng vùng bao gồm: Gây tê ngoài màng cứng, gây tê tủy sống, khối tĩnh mạch của chi trên và chi dưới. Nó chỉ gây tê một phần của cơ thể (như cánh tay, chân) và người bệnh vẫn sẽ tỉnh táo.
Gây tê tại chỗ: Gây tê tại chỗ được chỉ định bởi phẫu thuật viên hoặc bác sỹ gây mê. Phần được phẫu thuật sẽ chịu ảnh hưởng bởi liều tiêm gây tê tại chỗ.
3. Sau phẫu thuật:
Tùy từng trường hợp người bệnh cụ thể người bệnh có thể được chuyển đến phòng hồi tỉnh tiếp tục theo dõi, điều trị hoặc người bệnh sẽ được chuyển về khoa điều trị.
Tại phòng hồi tỉnh, người bệnh sẽ được kiểm tra huyết áp, mạch, nhịp thở và theo dõi liên tục cho đến khi tình trạng người bệnh được ổn định. Khi người bệnh đã hoàn toàn tỉnh, cơn đau được kiểm soát và tình trạng người bệnh đã ổn định, người bệnh sẽ được chuyển về khoa điều trị với điều dưỡng của khoa và thành viên trong gia đình (nếu có).
Khi quay lại phòng bệnh của người bệnh, điều dưỡng sẽ giúp người bệnh ổn định trên giường bệnh, đo các chỉ số sinh tồn (huyết áp, mạch, nhịp thở, mức oxy và nhiệt độ), kiểm tra vết mổ, dịch truyền, dẫn lưu… Đảm bảo an toàn cho người bệnh.
Phòng Công tác xã hội
-
Ung thư phổi di căn não nguy hiểm như thế nào?
16/09/2024 05:48
-
Kiểm soát đau: Các phương pháp giảm đau cho người bệnh
09/09/2024 05:38