Rách sụn chêm khớp gối – Khi nào cần phẫu thuật?

16/04/2021 07:20

 

Sụn chêm có chức năng phân phối và truyền tải lực trong khớp gối, đồng thời tham gia vào hệ thống giữ vững khớp gối.

 

* Rách sụn chêm là nguyên nhân gây ra đau và các triệu chứng cơ học của khớp gối như:

 

– Kẹt khớp, khóa khớp.

 

– Tiếng kêu trong khớp.

 

– Tràn dịch khớp.

 

* Các phương pháp điều trị rách sụn chêm tuỳ thuộc vào hình thái rách, vị trí rách và đặc điểm người bệnh: tuổi, mức độ hoạt động…, bao gồm:

 

– Điều trị bảo tồn và vật lý liệu pháp.

 

– Phẫu thuật khâu sụn chêm.

 

– Phẫu thuật cắt bỏ sụn chêm.

 

* Sụn chêm được chia ra 3 vùng tùy theo mức độ cấp máu:

– Vùng ngoại vi (vùng đỏ – đỏ) là vùng sụn chêm sát bờ gắn với bao khớp, đây là vùng sụn chêm được cấp máu nhiều nhất nên tổn thương vùng này thường liền tốt.

 

– Vùng trung tâm (vùng đỏ – trắng) là vùng giáp ranh của vùng được cấp máu, đây là vùng máu nuôi nghèo nàn. Tổn thương vùng này thường tỷ lệ liền thấp và ở người trẻ.

 

– Vùng vô mạch (trắng – trắng) là vùng ở 1/3 trong của sụn, là vùng không được cấp máu nuôi nên tổn thương vùng này thường cắt bỏ.

 

* Đánh giá các tổn thương có thể liên quan:

 

Không phải tất cả các trường hợp rách sụn chêm đều có biểu hiện lâm sàng. Hình ảnh rách sụn chêm trên phim cộng hưởng từ (MRI) không phải luôn đồng nghĩa với nguyên nhân gây đau. Cần nhận thức và đánh giá các tổn thương đi cùng nhau như: các chấn thương dây chằng bên, tổn thương sụn khớp…

 

* Điều trị bảo tồn dành cho:

 

– Trường hợp rách đơn giản, nhỏ, chấn thương lần đầu, vị trí rách tại khu vực giàu máu nuôi (đỏ – đỏ) thì điều trị bảo tồn chống viêm, giảm đau, vật lý liệu pháp sẽ mang lại hiệu quả tốt.

 

– Những bệnh nhân lớn tuổi với thoái hóa khớp có sẵn thì điều trị bảo tồn là hợp lý. Vì đối với nhóm bệnh nhân này nguyên nhân gây đau không rõ ràng giữa sụn chêm rách hay các tổn thương viêm do thoái hóa khớp.

* Chỉ định cắt bỏ sụn chêm đối với những trường hợp:

 

– Rách sụn chêm có triệu chứng lâm sàng không thể khâu được, tổn thương ở vùng vô mạch của sụn chêm (vùng trắng – trắng), điều trị bảo tồn không đỡ. Mặc dù phẫu thuật ít xâm lấn như nội soi nhưng người ta vẫn thấy những thay đổi thoái hóa khớp trên phim X quang ngay ở những trường hợp cắt một phần sụn chêm. Do vậy mục tiêu phẫu thuật nội soi cắt sụn chêm là cắt bỏ sụn chêm càng ít càng tốt nhằm giải quyết triệu chứng đau mà vẫn giữ được sự vững chắc của sụn chêm.

 

* Chỉ định khâu sụn chêm đối với những trường hợp:

 

– Rách sụn chêm không vững tại vùng ngoại vi (vùng đỏ – đỏ) và vùng đỏ – trắng với người trẻ, phẫu thuật khâu sụn chêm có tỷ lệ thành công cao ở những người dưới 45 tuổi với rách sụn chêm do chấn thương mới, đường rách đơn giản, không có tổn thương dây chằng mất vững gối.

 

Tỷ lệ liền tốt hơn ở sụn chêm ngoài nên chỉ định khâu sụn chêm ngoài rộng hơn.

 

– Rách sụn chêm mãn tính và phức tạp thì tỷ lệ thành công thấp. Không phù hợp để khâu sụn chêm đối với các trường hợp rách sụn chêm do thoái hóa hoặc rách mà phá hủy tổ chức sụn chêm nhiều. Không nên áp dụng phẫu thuật khâu sụn chêm cho người già, ít hoạt động và không hợp tác với các chế độ phục hồi chức năng sau mổ.

TS. BS Lê Mạnh Sơn – Trưởng Khoa Phẫu thuật Chấn thương Chung, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

 

Tagged in: Tags: