Phục hồi chức năng sau phẫu thuật kết hợp xương gãy hai xương cẳng tay

22/04/2024 07:58

 

I. Thế nào là gãy hai xương cẳng tay?

 

Gãy thân xương cẳng tay bao gồm gãy thân xương quay, xương trụ hoặc cả 2 từ dưới khớp khuỷu cho đến khớp cổ tay. Thường xảy ra sau một chấn thương năng lượng cao, chiếm khoảng 10-14% các trường hợp gãy xương vùng cẳng tay.

 

Gãy hai xương cẳng tay là loại gãy quan trọng cho nên nếu điều trị còn di lệch sẽ ảnh hưởng nhiều đến chức năng sấp ngửa của hai xương quay và trụ.

 

II. Phục hồi chức năng và điều trị

 

–   Mục đích: Giảm đau, giảm sưng, cải thiện tuần hoàn, chóng kết dính các cơ vùng cẳng tay, gia tăng tầm hoạt động khớp khuỷu, khớp cổ tay, duy trì tầm hoạt động khớp vai, ngón tay, phục hồi chức năng sinh hoạt.

 

–   Phương pháp phục hồi chức năng:

 

+ Tuần 1: Tư thế trị liệu: nâng cao chi khi nằm, băng treo tay ở tư thế chức năng khi đi đứng. Chủ động tập nhanh cử động gập duỗi các ngón tay. Co cơ tĩnh nhẹ nhàng các cơ vùng cẳng tay, cánh tay. Chủ động tập trợ giúp các cử động của khớp vai.

 

+ Tuần 2: Chủ động tập nhanh cử động các ngón tay như tuần 1. Chủ động tập trợ giúp cử động gập duỗi khuỷu và gập duỗi cổ tay nhẹ nhàng. Tiếp tục tập khớp vai như tuần 1. Với trường hợp phẫu thuật vững chắc có thể thực hiện chủ động tập cử động sấp ngửa nhẹ nhàng, thận trọng.

 

+ Tuần 3 và 4: Tập như tuần 2. Tập mạnh cơ tuỳ theo lực cơ người bệnh. Chú ý đối với cử động quay sấp ngửa cẳng tay, khi thực hiện chủ động tập đề kháng cần kiểm tra bằng X-quang để xem xương có liền tốt chưa và lực đề kháng không được đặt lên ổ gãy.

 

III. Các điều trị khác

 

–   Các thuốc giảm đau nhóm non-steroids.

 

–   Các thuốc tái tạo kích thích liền xương nhanh: Calcitonin, Biphosphonat, Calcium…

 

–   Các thuốc giảm đau thần kinh nếu có đau thần kinh.

 

IV, Theo dõi và tái khám

 

–   Tình trạng ổ gãy: đau, sưng nề, di lệch, biến dạng…

 

–   Phản ứng của người bệnh trong quá trình tập luyện: thái độ hợp tác, sự tiến bộ…

 

–   Tình trạng chung toàn thân.

 

–   Theo dõi và tái khám sau 3 tháng, 6 tháng và 1 năm.

 

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Liên – Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

 

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là địa chỉ thăm khám, phòng ngừa và điều trị các bệnh lý về Chấn thương và Phục hồi chức năng uy tín hàng đầu. Để tìm hiểu thêm về thông tin bệnh lý và nhu cầu chăm sóc sức khỏe vui lòng liên hệ:

 

   BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ VIỆT ĐỨC
   – Địa chỉ: 40 Tràng Thi – Hoàn Kiếm – Hà Nội
   – Tổng đài đặt lịch khám: 19001902
   – Fanpage: Facebook.com/bvvietduc
   – Website: Benhvienvietduc.org

Tagged in: Tags: