Nang thừng tinh, tràn dịch màng tinh hoàn ở trẻ em

17/08/2020 07:39

Nang thừng tinh là một bệnh lý khá phổ biến ở trẻ em. Các bậc cha mẹ cần biết những kiến thức cơ bản về bệnh để có thể đưa trẻ đi khám sớm, tránh được những biến chứng của bệnh.

 

1.Nang thừng tinh, tràn dịch màng tinh hoàn là gì?

 

Nang thừng tinh, tràn dịch màng tinh hoàn (hydrocele) ở trẻ em là bệnh lý bẩm sinh, là hiện tượng phồng to một cách bất thường, có thể nhìn thấy và cảm thấy được ở bẹn bìu của trẻ nam. Nguyên nhân là do còn tồn tại ống phúc tinh mạc sau sinh, bên trong có chứa dịch.

 

2.Nguyên nhân: 

 

Ở thời kì bào thai, tinh hoàn nằm ở dưới thận, phía trong phúc mạc. Trong quá trình tinh hoàn di chuyển trong ống bẹn xuống dưới bìu kéo theo lớp vỏ phúc mạc bao quanh, tạo thành một cấu trúc giống hình ống, gọi là ống phúc tinh mạc. Sau khi tinh hoàn đã xuống đến bìu, ống phúc tinh mạc này bị bịt lại trở thành một dây xơ. Đầu xa của ống này trở thành một lớp màng mỏng bao quanh tinh hoàn (chính là màng tinh hoàn – tinh mạc).

 

Nếu ống phúc tinh mạc không được đóng kín, tình trạng này được gọi là tật “còn ống phúc tinh mạc”. Nếu đường kính của ống nhỏ, và chỉ đủ cho nước chảy qua thì gây ra bệnh lý tràn dịch màng tinh hoàn hoặc nang thừng tinh, nếu đường kính ống lớn, ruột, buồng trứng, mạc nối lớn, hoặc những tạng khác trong ổ bụng có thể thoát xuống, tình trạng này gọi là thoát vị.

3.Những biểu hiện của bệnh để cha mẹ cho trẻ đi khám?

 

Nang thừng tinh, tràn dịch màng tinh hoàn biểu hiện bằng khối phồng bất thường tại vùng bẹn hoặc bìu so với bên đối diện. Khối phồng này xuất hiện thường xuyên, cũng có thể xuất hiện từng đợt, khối phồng sờ thấy căng, trẻ không đau, ăn uống chạy nhảy bình thường.

 

4.Các xét nghiện cần làm khi trẻ đến khám

 

Siêu âm vùng bẹn bìu có thể thấy được hình ảnh nang thừng tinh hoặc tràn dịch màng tinh hoàn.

 

 

5. Nang thừng tinh, tràn dịch màng tinh hoàn được điều trị như thế nào?

 

Chỉ định phẫu thuật:

 

–  Dưới 1 tuổi chỉ theo dõi do tỷ lệ cao bệnh lý này có thể tự khỏi.

 

–  Chỉ định điều trị phẫu thuật:

 

Khi trẻ hơn 1 tuổi mà còn triệu chứng.

 

Khi khối căng to nhiều, làm trẻ khó chịu.

 

Mục đích của phẫu thuật: Thắt lại ống phúc tinh mạc.

 

Trẻ cần được chuẩn bị gì trước khi phẫu thuật:

 

Làm các xét nghiệm máu cơ bản.

 

Chụp X-quang phổi.

 

Trẻ không được ăn thức ăn đặc 6 giờ trước khi phẫu thuật nhằm đảm bảo cho dạ dày rỗng khi gây mê, giảm nguy cơ bị trào ngược (hít phải dịch dạ dày) trong khi gây mê.

 

Các phương pháp phẫu thẫu thuật:

 

Mổ mở đường bẹn:

 

Phẫu thuật viên sẽ rạch nhỏ (2 – 3cm) ngay tại các nếp gấp da của bụng, sau đó phẫu tích bộc lộ và thắt lại ống phúc tinh mạc.

 

Nhược điểm của phương pháp này là để lại sẹo sau mổ, không biết bên đối diện có bị không.

 

Mổ nội soi: có nhiều phương pháp mổ nội soi như: Nội soi 1 lỗ, 2 lỗ, 3 lỗ.

 

6.Cách thức chăm sóc sau khi mổ

 

Dùng thuốc: Sau mổ trẻ sẽ được dùng giảm đau, kháng sinh dự phòng.

 

Chế độ ăn, vận động bình thường sau mổ 4 giờ.

 

Trẻ sẽ nằm viện 1 ngày, ra viện vào sáng hôm sau.

 

Khám lại sau 1 tháng.

 

7.Những biến chứng có thể gặp sau khi mổ

 

Chảy máu vết mổ.

 

Sưng nề vùng bẹn, bìu.

 

Nhiễm trùng.

 

Bác sĩ Võ Tá Chung – Khoa Phẫu thuật Nhi và Trẻ sơ sinh

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

 

Tagged in: Tags:

Tư vấn trực tuyến

Tập huấn trực tuyến: Quy trình chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Nhằm cập nhật kiến thức trong chẩn đoán, điều trị cho các y, bác sĩ, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng điều trị cho người bệnh, ngày 18/5, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tổ chức khóa tập huấn trực tuyến “Quy trình chạy thận nhân…

Xem tiếp

Kết nối Facebook