Tỷ lệ người mắc bệnh thận mạn giai đoạn cuối ngày càng tăng: Mối lo ngại đáng báo động

13/07/2020 07:49

 

 

Hiện nay trên thế giới có khoảng trên 1,5 triệu người mắc bệnh thận mạn giai đoạn cuối đang được điều trị thay thế thận và số lượng người này không ngừng tăng.

 

Trên thực tế, do chi phí cao của các biện pháp điều trị thay thế thận nên điều trị thay thế thận chỉ áp dụng chủ yếu (80%) cho người bệnh tại các nước đã phát triển. Tại các nước đang phát triển chỉ 10-20% người bệnh bị bệnh thận mạn giai đoạn cuối được điều trị thay thế thận và thậm chí không có điều trị thay thế thận, và người bệnh sẽ tử vong khi vào bệnh thận mạn giai đoạn cuối.

 

Theo Ts.Bs Nguyễn Thế Cường – Trưởng khoa Thận lọc máu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết: Bệnh thận mạn giai đoạn cuối (end stage renal disease, ESRD) là bệnh thận mạn giai đoạn 5. Đây là giai đoạn nặng nhất của bệnh thận mạn với mức lọc cầu thận (GFR) < 15mL/ph/1,73 m2, biểu hiện bằng hội chứng urê máu, và tình trạng này sẽ gây tử vong nếu không được điều trị thay thế thận. Hội chứng urê máu (uremic syndrome) là một hội chứng lâm sàng và cận lâm sàng, gây ra không chỉ do sự gia tăng của urê huyết thanh, mà còn tăng hơn 100 sản phẩm có nguồn gốc nitơ khác trong máu như: peptide, aminoacid, creatinin,… khi người bệnh bị suy thận (cấp hoặc mạn). Thuật ngữ chính xác hơn là “hội chứng tăng azote máu”. Do không phải chất nào cũng đo đạt được, nên cho đến nay, urê và créatinine tăng đồng nghĩa với sự tăng các sản phẩm azote khác.

Ts.Bs Nguyễn Thế Cường – Trưởng khoa Thận lọc máu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đang thăm khám cho người bệnh

Tần suất bệnh thận mạn trong cộng đồng theo nghiên cứu NHANES III (Third National Health and Nutrition Examination Survey) tiến hành trên 15.625 người trưởng thành trên 20 tuổi, công bố năm 2007 là 13%. Cứ mỗi người bệnh bệnh thận mạn giai đoạn cuối đến điều trị thay thế thận, tương ứng với ngoài cộng đồng có khoảng 100 người đang bị bệnh thận ở những giai đoạn khác nhau.

 

Ba nhóm nguyên nhân hàng đầu gây bệnh thận mạn giai đoạn cuối trên thế giới đó là: đái tháo đường, tăng huyết áp, bệnh cầu thận. Nếu tại các nước đã phát triển, đái tháo đường vẫn chiếm ưu thế trong khi tại các nước đang phát triển, nguyên nhân hàng đầu vẫn là bệnh cầu thận (30-48%).

 

TRIỆU CHỨNG

 

Bệnh thận mạn giai đoạn cuối có biểu hiện của hội chứng urê huyết bao gồm ba rối loạn chính:

 

(1) Rối loạn gây ra do sự tích tụ các chất thải và độc chất trong cơ thể, quan  trọng nhất là sản phẩm biến dưỡng của protein.

 

(2) Rối loạn là hậu quả của sự mất dần các chức năng khác của thận như: điều hòa thăng bằng nội môi, nước điện giải, nội tiết tố.

 

(3) Rối loạn là hậu quả của phản ứng viêm tiến triển gây ra ảnh hưởng lên mạch máu và dinh dưỡng.

 

ĐIỀU TRỊ

 

Mục tiêu của điều trị người bệnh có bệnh thận mạn giai đoạn cuối:

 

– Chuẩn bị điều trị thay thế thận khi thận suy nặng.

 

– Điều chỉnh liều thuốc ở người bệnh suy thận.

 

– Điều trị các biến chứng của hội chứng urê huyết cao như thiếu máu, suy dinh dưỡng, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa canxi phospho, rối loạn nước điện giải.

 

– Điều trị các biến chứng tim mạch và các yếu tố nguy cơ.

 

Tuỳ theo người bệnh có triệu chứng bất thường nào thì chọn phương pháp điều trị phù hợp.

 

Trừ phi người bệnh từ chối, mọi người bệnh có bệnh thận mạn giai đoạn cuối, với lâm sàng của hội chứng urê huyết cao (thường xảy ra khi độ thanh thải creatinin dưới 15 ml/phút, hoặc sớm hơn ở người bệnh đái tháo đường) đều có chỉ định điều trị thay thế thận.

 

Các chỉ định điều trị thay thế thận

 

– Tăng kali máu không đáp ứng với điều trị nội khoa.

 

– Toan chuyển hóa nặng (khi việc dùng HCO3 có thể sẽ gây quá tải tuần hoàn).

 

– Quá tải tuần hoàn, phù phổi cấp không đáp ứng với điều trị lợi tiểu.

 

– Suy dinh dưỡng tiến triển không đáp ứng với can thiệp khẩu phần.

 

– Mức lọc cầu thận từ 5-10ml/ph/1,73 m2 (hoặc BUN > 100mg/dL, créatinine huyết thanh > 10mg/dL).

 

Lựa chọn hình thức điều trị thay thế thận

 

Có ba hình thức điều trị thay thế thận bao gồm:

 

(1) Thận nhân tạo (hoặc thẩm tách máu, hemodialysis, HD).

 

(2) Thẩm phân phúc mạc (peritoneal dialysis, PD).

 

(3) Ghép thận.

 

Có thể lựa chọn một trong ba phương pháp, tuỳ vào từng trường hợp cụ thể của người bệnh.

 

Phòng Công tác xã hội

Tagged in: Tags: