Thoát vị đĩa đệm cột sống cổ là gì?

16/12/2020 13:09

Cột sống cổ bao gồm 7 đốt sống, được đánh số từ C1 – C7. Khoảng giữa các đốt sống là đĩa đệm. Các đĩa đệm đều có thể bị thoát vị, trong đó thoát vị đĩa đệm cột sống cổ C5 C6 là thường gặp nhất.

 

Các yếu tố thuận lợi:

 

– Thoái hóa đĩa đệm

 

– Chấn thương tác động trực tiếp lên cột sống

 

– Tư thế xấu, ngồi nhiều, đứng nhiều

 

– Di truyền

 

– Hút thuốc lá, béo phì, ít rèn luyện thể chất, ăn uống thiếu dinh dưỡng…

 

Ngoài ra rối loạn mô liên kết hoặc cột sống dị tật cũng góp phần dẫn đến bệnh thoát vị đĩa đệm cổ. Bệnh có xu hướng phổ biến ở nam giới, đồng thời người bị thoái hóa cột sống cổ thường ở độ tuổi 35 – 55 tuổi.

 

Các triệu chứng của bệnh

 

Cổ đau và căng cứng

 

Thông thường, bệnh nhân sẽ cảm thấy đau nhức và căng cứng cơ cổ sau. Tùy vào mức độ tiến triển của bệnh, cường độ đau có thể nhẹ, vừa phải hoặc thậm chí là dữ dội.

 

Cơn đau do tình trạng thoát vị đĩa đệm cột sống cổ gây ra thường xuất hiện đột ngột ở vùng cổ sau rồi lan ra những vị trí khác như:

 

– Bả vai

 

– Cánh tay

 

– Đầu, đặc biệt là phía sau gáy

 

Cảm giác tê bì ở tứ chi

 

Nếu đĩa đệm thoát vị ra khỏi vị trí vốn có và chèn vào dây thần kinh, bệnh nhân có thể cảm thấy tê bì, dị cảm ở khu vực cánh tay, bàn tay và thậm chí là ngón tay.

 

Mặt khác, trong trường hợp tủy sống bị chèn bởi đĩa đệm thoát vị, cảm giác tê bì sẽ  lan đến tứ chi.

 

Hạn chế phạm vi vận động, vận động tinh tế của cơ thể và yếu sức cơ

 

Hai triệu chứng trên chủ yếu xảy ra ở trường hợp tủy sống bị chèn ép dẫn đến tổn thương. Lúc này, bệnh nhân thường gặp khó khăn trong việc:

 

– Đưa tay vòng ra sau lưng hoặc giơ lên cao

 

– Cúi đầu

 

– Xoay cổ

 

– Đi lại mất thăng bằng

 

Chẩn đoán thoát vị đĩa đệm cột sống cổ

 

Ngoài những triệu chứng cơ năng (là triệu chứng tự bản thân cảm nhận được), bác sĩ sẽ khám và đánh giá các triệu chứng thực thể.

 

Triệu chứng thực thể của thoát vị đĩa đệm cột sống cổ bao gồm rối loạn cơ lực, cảm giác chi phối bởi rễ thần kinh bị chèn ép. Bệnh nhân mất vận động tinh tế 2 tay, tăng phản xạ gân xương. Ở giai đoạn muộn khi có chèn ép nặng tủy sống, bệnh nhân có hội chứng tủy: yếu, rối loạn cảm giác tứ chi, mất thăng bằng khi đi lại, tiểu tiện, đại tiện không tự chủ, thậm chí liệt hoàn toàn.

 

Chẩn đoán hình ảnh thường được yêu cầu để chẩn đoán xác định thoát vị đĩa đệm. Phim chụp X quang có ý nghĩa đánh giá đường cong sinh lý của cột sống cổ, tình trạng mất vững cột sống. Các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh được áp dụng hiện đại ngày nay bao gồm:

 

– Cộng hưởng từ cột sống: kỹ thuật này giúp đánh giá tủy sống, thần kinh, các mô mềm xung quanh. Đây là kỹ thuật không xâm lấn và là phương pháp chẩn đoán hình ảnh tốt nhất để chẩn đoán xác định các thể và mức độ thoát vị đĩa đệm.

 

– Điện chẩn thần kinh cơ: phương pháp này sử dụng các xung điện để đo lường mức độ tổn thương thần kinh mà các nguyên nhân chèn ép gây ra đối với các rễ thần kinh, ngoài ra nó cũng giúp để loại trừ một số bệnh lý thần kinh nội khoa khác.

 

Điều trị bảo tồn thoát vị đĩa đệm cột sống cổ

 

Bất động cột sống cổ

 

Trong giai đoạn cấp đang đau nhiều, bệnh nhân cần nằm nghỉ tại giường, đeo nẹp cổ khi ngồi và khi đi lại trong một đến ba ngày đầu, có tác dụng giảm phù nề, giảm đau cột sống.

 

Liệu pháp dùng thuốc

 

Là biện pháp chủ yếu điều trị triệu chứng. Có thể dùng các thuốc giảm đau chống viêm không steroid, các vitamin nhóm B, các thuốc giãn cơ vân, an thần.

 

Điều trị phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống cổ

 

Chỉ định

 

– Điều trị bảo tồn thất bại.

 

– Thoát vị trung tâm hoặc cạnh trung tâm gây chèn ép tủy cổ, dẫn đến yếu cơ tứ chi, rối loạn cơ tròn. Các triệu chứng thần kinh tiến triển càng nhanh càng cần phẫu thuật sớm.

 

– Thoát vị lỗ liên hợp gây chèn ép rễ dẫn yếu cơ chi trên, gây đau liên tục dai dẳng, điều trị nội khoa ít nhất sáu tuần không đáp ứng.

 

Các phương pháp phẫu thuật:

 

Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống cổ bằng nội soi: Phương pháp ít xâm lấn, ít tàn phá cơ, phần mềm, hiệu quả nhanh. Áp dụng với thể thoát vị lệch phía sau bên hoặc thoát vị lỗ liên hợp.

Phẫu thuật thay đĩa đệm nhân tạo lối trước: Bảo tồn được biên độ vận động của đĩa đệm, tuy nhiên chỉ áp dụng được khi không có mất vững cột sống.

 

Phẫu thuật thoát vị đĩa đệm cột sống cổ bằng lấy bỏ đĩa đệm, hàn xương liên thân đốt, cố định cột sống lối trước: Ưu điểm lấy bỏ rộng rãi thoát vị đĩa đệm và đĩa đệm thoái hóa, cố định vững chắc cột sống cổ. Thực hiện được khi không áp dụng được phương pháp thay đĩa đệm nhân tạo. Nhược điểm: Mất biên độ vận động đĩa, gây thoái hóa các tầng liền kề nhanh hơn.

Nhằm giúp người dân hiểu biết hơn về bệnh lý thoát vị đĩa đệm, 15h00 ngày 16/12/2020, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sẽ tổ chức chương trình Tư vấn trực tuyến với chủ đề “GIẢI PHÁP ĐIỀU TRỊ THOÁT VỊ ĐĨA ĐỆM – CHO CỘT SỐNG KHỎE”. Chương trình được phát trực tiếp trên các kênh truyền thông của bệnh viện:

 

Fanpage: facebook.com/bvvietduc

Youtube: youtube.com/benhvienvietduc1906

 

Khách mời: PGS.TS NGUYỄN LÊ BẢO TIẾN

Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Phụ trách chuyên môn Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức Cơ sở 2, Hà Nam.

Ủy viên BCH Hội Ngoại khoa và Phẫu thuật Nội soi Việt Nam

Ủy viên BCH Hội Chấn thương Chỉnh hình Đông Nam Á

Ủy viên BCH Hội Chấn thương Chỉnh hình Việt Nam

Ủy viên BCH Hội Phẫu thuật Cột sống Việt Nam

 

Thế mạnh chuyên môn

Phẫu thuật bệnh lý và chấn thương cột sống.

Phẫu thuật nắn chỉnh cong vẹo cột sống.

 

Quý khán giả quan tâm có thể đặt câu hỏi trên Fanpage và kênh Youtube của bệnh viện để được chuyên gia tư vấn trực tiếp hoặc gọi điện đến Tổng đài CSKH 19001902.

 

BS Ngô Thanh Tú/ Khoa Phẫu thuật Cột sống, Bệnh viện HN Việt Đức

Tagged in: Tags:

Tư vấn trực tuyến

Tập huấn trực tuyến: Quy trình chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Nhằm cập nhật kiến thức trong chẩn đoán, điều trị cho các y, bác sĩ, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng điều trị cho người bệnh, ngày 18/5, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tổ chức khóa tập huấn trực tuyến “Quy trình chạy thận nhân…

Xem tiếp

Kết nối Facebook