Thoái hoá khớp gối và những điều cần biết

27/06/2024 20:43

1. Đại cương

 

Thoái hoá khớp là bệnh lý của toàn bộ khớp bao gồm sụn khớp, xương dưới sụn, sụn chêm, dây chằng, bao khớp và hoạt dịch. Thoái hoá khớp có thể xảy ra ở tất cả các khớp, trong đó hay gặp là thoái hóa khớp gối. Thoái hoá khớp ảnh hưởng nhiều đến sinh hoạt và lao động do làm giảm khả năng vận động của khớp. Phát hiện sớm và điều trị đúng phác đồ giúp duy trì chức năng của khớp, nâng cao chất lượng cuộc sống và giảm các biến chứng không mong muốn.

 

2. Triệu chứng 

 

Đau kiểu cơ học: Đau khớp gối một hoặc hai bên. Đau xuất hiện khi đi lại, lên xuống cầu thang, khi ngồi xổm, nghỉ ngơi đỡ đau. Đau có thể thành từng đợt dài ngắn khác nhau. Trường hợp nặng bệnh nhân có thể đau cả về ban đêm.

 

Cứng khớp buổi sáng: Bệnh nhân phải vận động một lúc khớp mới trở lại bình thường. Thời gian cứng khớp thường dưới 30 phút.

 

Lạo xạo xương là tiếng động bất thường tại khớp có thể sờ thấy một cách rõ ràng khi vận động chủ động hoặc thụ động bởi người khám.

 

Hạn chế vận động: Bệnh nhân không đi bộ được lâu vì đau. Một số trường hợp đau nặng phải có dụng cụ trợ đỡ, thậm chí không đi lại được.

 

Sờ thấy phì đại xương do hiện tương tái tạo lại xương, tạo gai xương ở vùng rìa của khớp.

 

Tràn dịch khớp, một số trường hợp có thoát vị bao hoạt dịch ở vùng khoeo (kén khoeo).

 

3. Nguyên nhân

 
3.1 Thoái hoá khớp gối tiên phát
Sự lão hoá là nguyên nhân chính ở những người trên 50 tuổi.
Yếu tố di truyền: giảm khả năng tổng hợp sụn khớp.
 
3.2 Thoái hoá khớp gối thứ phát
Sau chấn thương: gãy xương nội khớp, cal lệch, các vi sang chấn liên tiếp do nghề nghiệp.
Bệnh lý xương sụn: hủy hoại xương sụn do viêm, viêm khớp dạng thấp, bệnh gút.
Sau các bệnh lý khác: bệnh khớp vi tinh thể (bệnh gút, calci hóa sụn khớp), bệnh nội tiết (đái tháo đường, to viễn cực, cường giáp, cường cận giáp), rối loạn đông máu (hemophilie).
 

4. Yếu tố nguy cơ

Tuổi tác: tần suất và mức độ thoái hoá khớp gối tăng theo tuổi.
 
Giới tính: trước tuổi 55 tỷ lệ mắc thoái hoá khớp gối cân bằng giữa nam và nữ, sau tuổi 55 tần suất ở nữ cao hơn. Sự gia tăng này liên quan đến thay đổi nội tiết tố phụ nữ tuổi mãn kinh.
 
Béo phì: béo phì được coi là yếu tố nguy cơ quan trọng nhất của thoái hoá khớp gối. Nếu chỉ số khối cơ thể (Body Mass Index-BMI) tăng 1 đơn vị sẽ làm tăng 15% nguy cơ mắc thoái hoá khớp gối.
 
Bất thường giải phẫu: dị dạng khớp gối (chân vòng kiềng, chân chữ X) có liên quan đến gia tăng phá hủy cấu trúc khớp gối. Dị dạng khớp vừa là yếu tố nguy cơ mắc, vừa là yếu tố nguy cơ tiến triển.
 
Tiền sử chấn thương khớp: gãy xương, đứt dây chằng, rách sụn chêm.
 
Nghề nghiệp, thể thao: những bệnh nhân thoái hóa khớp thường bị ảnh hưởng hay quá tải trong nghề nghiệp. Tham gia các hoạt động thể thao chuyên nghiệp là yếu tố nguy cơ phát triển thoái hoá khớp, tuy nhiên tham gia các hoạt động sinh lý đều đặn không ảnh hưởng trên nguy cơ mắc.
 

5. Biến chứng

Giảm hoạt động sinh hoạt và lao động.
 
Tàn tật nếu để muộn.
 
Biến chứng do dùng thuốc kéo dài và không đúng.
 

6. Biện pháp chẩn đoán

Mặc dù chỉ dựa vào các triệu chứng lâm sàng, người ta đã có thể chẩn đoán được hầu hết các trường hợp thoái hoá nhưng để xác định rõ mức độ tổn thương cấu trúc cũng như đánh giá sự tiến triển của bệnh, cần sử dụng các thăm dò chẩn đoán hình ảnh.
 
X-quang là phương tiện chẩn đoán hiệu quả và và thuận tiện.
 
 
 
Chụp cộng hưởng từ: giúp chẩn đoán các tổn thương phần mềm như sụn chêm, dây chằng…
 

7. Phương pháp điều trị

7.1 Nguyên tắc
Làm chậm quá trình phá huỷ khớp.
Giảm đau, duy trì chức năng.
7.2 Điều trị nội khoa
 

a. Biện pháp không dùng thuốc

Giảm tải: tránh cho khớp bị quá tải bởi hoạt động và trọng lượng.
Vật lý trị liệu: bơi, đạp xe.
 

b. Các biện pháp dùng thuốc

Thuốc điều trị triệu chứng: thuốc chống viêm và giảm đau.
Thuốc chống thoái hoá khớp tác dụng chậm: Glucosamin, Diacerin, Acid hyaluronic
 

c. Tiêm huyết tương tươi giàu tiểu cầu

Được tách chiết từ máu chứa yếu tố tăng trưởng giúp tái tạo sụn sụn khớp. Ngoài ra, còn cung cấp các cytokine chống viêm.
Liệu pháp huyết tương tưới giàu tiểu cầu từ máu tự thân đặc biệt có hiệu quả ở những bệnh nhân trẻ, thoái hoá khớp giai đoạn sớm.
 

d. Liệu pháp tế bào gốc

Được lấy từ tủy xương hoặc mô mỡ của chính bệnh nhân, sau đó được kích hoạt và tiêm vào khớp.
 
Dưới sự kích thích của các tác nhân tại chỗ tế  bào gốc sẽ biệt hóa thành tế bào sụn, chống viêm, kích thích mô tại chỗ phát triển thông qua tiết ra các yếu tố tăng trưởng.
 
7.3 Điều trị ngoại khoa
 
Phẫu thuật nội soi khớp gối: mục đích làm sạch khớp, cắt lọc màng hoạt dịch viêm, lấy mảnh sụn bong ra sụn chêm rách. Phẫu thuật nội soi có thể giúp giảm đau một thời gian.
 
Phẫu thuật sửa trục khớp: nhằm thay đổi lực tỳ đè ở khớp gối. Phương pháp này áp dụng cho những bệnh nhân còn trẻ.
 
Thay khớp gối: chỉ định cho thoái hoá khớp độ 3 hoặc 4, bệnh nhân đau nhiều.
 
 

8. Khuyến cáo

Các yếu tố nguy cơ của thoái hoá khớp gối nhưtuổi, nữ giới, quá tải (trong hoạt động và trọng lượng cơ thể)

 

Nếu người bệnh thấy có các triệu chứng như trình bày ở trên hãy đến cơ sở y tế chuyên khoa để được chẩn đoán sớm và tư vấn phác đồ điều trị thích hợp.

 

Phương pháp điều trị tuỳ thuộc các yếu tố như giai đoạn bệnh, tuổi, nhu cầu hoạt động

 

TS.BS Nguyễn Văn Học

Phó Trưởng khoa Phẫu thuật chi trên và Y học thể thao

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là địa chỉ thăm khám, phòng ngừa và điều trị các bệnh lý về chấn thương uy tín hàng đầu. Để tìm hiểu thêm về thông tin bệnh lý và nhu cầu chăm sóc sức khỏe vui lòng liên hệ:

 

   BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ VIỆT ĐỨC
   – Địa chỉ: 40 Tràng Thi – Hoàn Kiếm – Hà Nội
   – Tổng đài đặt lịch khám: 19001902
   – Fanpage: Facebook.com/bvvietduc
   – Website: Benhvienvietduc.org