Phục hồi chức năng sau phẫu thuật nội soi điều trị trật khớp cùng đòn

23/02/2024 08:02

I. Trật khớp cùng đòn là gì?

 

Trật khớp cùng đòn là một chấn thương thường gặp nhất là nhóm bệnh nhân trẻ tuổi do tai nạn giao thông hoặc chấn thương thể thao. Khớp cùng đòn có chức năng liên kết khớp vai với xương đòn và nâng đỡ trọng lượng của chi trên vì vậy khi xảy ra trật khớp cùng đòn sự vững của khớp vai sẽ bị ảnh hưởng.

 

Ngày nay với phương pháp phẫu thuật nội soi cố định khớp cùng đòn bằng Tighrope trong điều trị trật khớp cùng đòn cấp tính trở nên phổ biến. Phẫu thuật nội soi gây tổn thương phần mềm ít, sẹo mổ nhỏ, cho phép bệnh nhân tập luyện sớm sau mổ, cải thiện chức năng sớm và thẩm mỹ cho bệnh nhân.

 

II. Chẩn đoán phục hồi chức năng bệnh lý trật khớp cùng đòn 

 

Nếu sau mổ từ ngày đầu trở đi, hướng dẫn người bệnh tập luyện theo liệu trình phục hồi chức năng.

 

Sau khi người bệnh hết thời gian nằm điều trị tại khoa phẫu thuật. Đánh giá độ sưng nề, biên độ vận động khớp, cơ lực chi phẫu thuật để đưa ra bài tập phục hồi chức năng phù hợp.

 

1. Chỉ định xét nghiệm cận lâm sàng:

 

Chụp Xquang khớp vai thẳng bên tổn thương.

 

2. Chẩn đoán xác định:

 

Dựa vào cách thức phẫu thuật.

 

III. Phục hồi chức năng và điều trị:

 

1. Nguyên tắc điều trị và phục hồi chức năng:

 

– Kiểm soát đau, sưng nề và các biến chứng sau mổ.

 

-Bảo vệ vùng mổ.

 

– Khôi phục lại tầm vận động khớp vai và cơ lực của đai vai, chi trên.

 

– Độc lập trong sinh hoạt hàng ngày.

 

– Quay trở lại cuộc sống bình thường và hoạt động thể thao giải trí…

 

2. Các phương pháp và kỹ thuật phục hồi chức năng.

2.1. Giai đoạn ngay sau phẫu thuật (3 tuần đầu)

 

– Vận động chủ động, tăng cường cơ lực (khuỷu tay, cổ tay, bàn ngón tay).

 

– Vận động xương bả vai : Nâng/hạ vai, xoay xương bả vai.

 

– Vận động thụ động khớp vai: gấp, dạng không quá 90 độ.

 

– Bài tập con lắc.

 

– Chườm lạnh vai 10 đến 15 phút cách 2h để giảm đau, sưng nề và chống viêm.

 

– Hướng dẫn bệnh nhân và người chăm sóc đeo đai Desault và bảo vệ khớp đúng cách.

 

2.2. Giai đoạn sau phẫu thuật (4 – 9 tuần)

 

– Tiếp tục tập thụ động theo tầm vận động: bài tập quả lắc, tập với gậy, trượt tay trên bàn, tiến tới trượt tay trên tường, bài tập kéo giãn với gậy ở tư thế nằm hoặc đứng.

 

– Kéo giãn bao khớp sau (kéo giãn ở tư thế  khép vai ra trước và xoay trong).

 

– Tập chủ động kháng lại trọng lực (AROM): nằm sấp kéo tạ, duỗi vai, dạng vai theo mặt phẳng ngang, nằm nghiêng xoay ngoài vai.

 

2.3. Giai đoạn sau phẫu thuật (12 – 15 tuần)

 

– Tiếp tục các bài tập theo tầm vận động để lấy lại toàn bộ AROM và PROM.

 

– Tập co cơ nhị đầu có kháng trở.

 

– Các bài tập mạnh cơ ngực – tránh vận động khớp vai quá mức.

 

– Các động tác chống đẩy liên tục bằng cách sử dụng tường, đầu gối để tăng cường sức mạnh trước khi chống đẩy tiếp xúc ngón chân.

 

– Tập xoay trong/xoay ngoài với dây chun kháng lực ở các góc cánh tay dạng khác nhau.

 

– Tập đấm bốc.

 

2.4. Giai đoạn sau phẫu thuật (16 – 24 tuần)

 

– Tiếp tục tất cả các bài tập trong 16 tuần trước đó.

 

Bổ sung thêm các bài tập:

 

– Các bài tập co cơ đẳng trường (isometric).

 

– Tập các bài tập có phạm vi chuyển động qua đầu.

 

– Tăng tiến nâng vật nặng với cánh tay, vai, ngực và lưng.

 

– Chống đẩy, khuỷu tay không được gấp quá 90o

 

– Trở lại tập một số các môn thể thao theo chỉ định của bác sĩ.

 

– Phương pháp tập luyện làm shock cơ (Plyometric).

 

3. Các điều trị khác

 

– Kết hợp thuốc điều trị chống viêm giảm đau, giảm phù nề.

 

– Hai tuần sau phẫu thuật có thể điều trị kết hợp bằng các phuơng pháp vật lý trị liệu: hồng ngoại, điện xung, điện phân…

 

– Khi vận động khớp vai, nếu khớp vai sưng nề nhiều, giảm cuờng độ tập, chườm lạnh khớp vai.

 

IV. Theo dõi và tái khám

  • Lần đầu: sau phẫu thuật 2 tuần. Các lần tiếp theo cách 1 tháng.
  • Khám đến 6 tháng sau phẫu thuật.

 

PGS.TS Nguyễn Thị Kim Liên – Trưởng khoa Phục hồi chức năng Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức 

 

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là địa chỉ thăm khám, phòng ngừa, điều trị và phục hồi chức năng uy tín hàng đầu. Để tìm hiểu thêm về thông tin bệnh lý và nhu cầu chăm sóc sức khỏe vui lòng liên hệ:

 

   BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ VIỆT ĐỨC
   – Địa chỉ: 40 Tràng Thi – Hoàn Kiếm – Hà Nội
   – Tổng đài đặt lịch khám: 19001902
   – Fanpage: Facebook.com/bvvietduc
   – Website: Benhvienvietduc.org

Tagged in: Tags: