Phình động mạch não chưa vỡ – Phát hiện bằng cách nào?

30/08/2024 05:44

Phình động mạch não là sự giãn khu trú bất thường của động mạch não, thường gặp tạo thành dạng hình túi hoặc hình thoi.

 

Phình động mạch não có thể xuất hiện do áp lực của dòng máu lên thành mạch ở các vị trí thành mạch yếu. Khi kích thước túi phình lớn có thể gây áp lực lên các dây thần kinh hoặc nhu mô não xung quanh và có thể vỡ ra dẫn tới tình trạng chảy máu trong sọ.

 


LÀM SAO ĐỂ PHÁT HIỆN PHÌNH ĐỘNG MẠCH NÃO?

Phình động mạch não thường được phát hiện tình cờ thông qua chụp cắt lớp vi tính mạch máu não hoặc cộng hưởng từ não ⁃ mạch não kiểm tra. Đa số những trường hợp này là phình động mạch não không triệu chứng, kích thước thường nhỏ.

 

Một số trường hợp khác, người bệnh có thể tới khám vì các dấu hiệu của chèn ép do túi phình lớn như nhìn mờ, đồng tử giãn một bên, thay đổi thị lực… hoặc các dấu hiệu của đột quỵ não khi túi phình bị vỡ.

 

NGUY CƠ VỠ CỦA TÚI PHÌNH ĐỘNG MẠCH NÃO

Tỉ lệ mắc chứng phình động mạch não theo các nghiên cứu được ước tính khoảng 3% dân số, tỉ lệ xuất hiện cao nhất ở nhóm người 50-60 tuổi. Tỉ lệ vỡ phình mạch thấy được vào khoảng 6-16/100.000 dân. Do đó, hầu hết các chứng phình động mạch là các chứng phình động mạch nhỏ, không vỡ.

 

“The International Study of Unruptured Intracranial Aneurysms (ISUIA) study” được xem là nghiên cứu lớn nhất cho đến nay về túi phình động mạch não chưa vỡ. Số liệu thu được khoảng 85% túi phình từ 12mm trở xuống với 62% số túi phình có kích thước 2-7mm và 23% có túi phình 7-12mm.

 

Nhìn bảng bên dưới, chúng ta thấy rằng nguy cơ vỡ phình động mạch tăng theo kích thước của túi phình: dưới 7mm nguy cơ vỡ thường rất thấp (xấp xỉ 0% sau 5 năm với túi phình ở tuần hoàn trước), nguy cơ vỡ sẽ tăng lên nếu kích thước túi phình trong khoảng 7-12mm và đặc biệt khi lớn hơn 12mm.

Hình ảnh túi phình động mạch não chưa vỡ trên MRI não – mạch não

 

Ths.Bs Chu Văn Vinh – Khoa Nội – Hồi sức Thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức