Phẫu thuật nâng ngực và các biến chứng
05/03/2021 07:19
I. ĐẠI CƯƠNG
Trong phẫu thuật thẩm mỹ, không có phẫu thuật nào luôn là chủ đề được quan tâm xem xét và tranh cãi lớn hơn so với chủ đề nâng ngực, cả về khoa học và chính sách. Hơn 2 triệu phụ nữ Mỹ, hoặc 1% số phụ nữ trưởng thành, có mang chất liệu implant ngực. Phẫu thuật nâng ngực là phương pháp phẫu thuật thẩm mỹ được thực hiện phổ biến thứ hai tại Hoa Kỳ, sau phẫu thuật hút mỡ. Năm 2004, có 264.041 người bệnh đã trải qua phẫu thuật nâng ngực. Số ca nâng ngực hàng năm đã tăng theo cấp số nhân, tăng 676% từ năm 1992 đến 2004. Phụ nữ trong độ tuổi từ 19 đến 34 tuổi là những khách hàng nâng ngực nhiều nhất (50%), tiếp theo là phụ nữ từ 35 đến 50 tuổi (42%). Ở Việt Nam trong những năm gần đây, phẫu thuật tạo hình nâng ngực cũng phát triển một cách chóng mặt. Số lượng ca phẫu thuật đã gần như ngang bằng với Thái Lan, một nước tiêu thụ số lượng túi nhiều nhất trong khu vực Đông Nam Á. Các phẫu thuật viên Việt Nam cũng luôn nghiên cứu cải tiến kỹ thuật làm sao chọn lựa được phương pháp tối ưu nhất cho người Việt nói riêng và người châu Á nói chung. Thành công trong ứng dụng kỹ thuật nội soi trong phẫu thuật đặt túi implant đường nách giúp cho phẫu thuật nâng ngực ngày càng an toàn và thẩm mỹ.
2. KỸ THUẬT PHẪU THUẬT
Có bốn vị trí rạch da riêng biệt – nếp dưới vú, quầng vú, nách, và rốn đã được sử dụng để đặt các túi độn ngực. Mỗi vị trí đều có những ưu điểm và nhược điểm, tùy thuộc vào kinh nghiệm của phẫu thuật viên và vị trí của túi độn, dưới tuyến, dưới cơ, hoặc vị trí Dual-plan.
2.1. Đường mổ nếp dưới vú (chân ngực)
Đường mổ nếp dưới vú được ưu tiên cho những người bệnh có tuyến vú và hơi sa trễ giúp che được vết sẹo, đặc biệt là khi nó được đặt hơi cao hơn nếp vú về phía bầu vú. Cách tiếp cận này có thể chưa phải hoàn toàn tối ưu vì dây chằng rãnh dưới vú có thể bị tổn hại.
2.2. Đường quầng
Đường mổ quanh quầng vú cho phép tiếp cận đến tất cả các phần của vú. Đối với những người bệnh sẵn sàng chấp nhận có vết sẹo trên bề mặt vú, phương pháp này cho phép định vị tỉ mỉ vị trí túi độn, đặc biệt dọc theo vùng cực dưới. Nó cho phép bộc lộ rõ dây chằng nếp dưới vú khi cần hạ thấp nếp dưới vú hoặc tái tạo dây chằng khi cần thiết. Tuy nhiên, cần phải cắt qua ống tuyến vú trước khi đến bờ trước của cơ ngực lớn nên các chất dịch hoặc sữa có thể ngấm ra vết mổ dẫn tới nguy cơ làm tăng tỉ lệ bao xơ co thắt sau mổ. Trường hợp người bệnh cơ địa sẹo lồi hoặc kỹ thuật mổ không tốt thì có thể để lại sẹo xấu, quá phát hay phì đại theo quầng vú. Với trường hợp bệnh nhân có da thừa và ngực sa trễ, đường rạch này có thể được kết hợp để đặt túi ngực cùng với cắt thu quầng và treo vú.
Vị trí vết mổ
2.3. Đường nách kinh điển (không nội soi)
Mặc dù kỹ thuật phẫu thuật nâng ngực đường nách kinh điển (mổ mù) đã có từ nhiều năm nay, các nhà phê bình đã quan sát thấy các khó khăn trong việc đạt được vị trí chính xác của túi ngực ở cực dưới của vú. Ưu điểm chính là không có bất kỳ vết sẹo nào trên bề mặt vú, tránh cắt qua các ống tuyến vú và xác suất tổn thương thần kinh cảm giác thấp. Một nhược điểm của kỹ thuật này là nguy cơ chấn thương nhẹ đối với dây thần kinh liên sườn cánh tay.
2.4. Nâng ngực đường nách nội soi
Các kỹ thuật phẫu thuật NỘI SOI xâm lấn tối thiểu đã tạo ra một cuôc cách mạng lớn trong ngành ngoại khoa. Nội soi hỗ trợ đã phép bóc tách khoang đặt implant chính xác hơn và kiểm soát tốt nếp dưới vú. Đối với phần lớn người bệnh, quy trình này có thể được thực hiện thông qua vết rạch dài 3 đến 4 cm dọc theo nếp nhăn ở nách dưới tại điểm nối của vùng da có lông và không có lông. Sau khi bóc tách đến bờ ngoài của cơ ngực lớn, dùng ngón tay bóc tách và dụng cụ kéo nhấc cơ ngực lớn lên tạo khoang dưới cơ. Đưa ống optic nội soi phóng to các tổ chức mạch máu thần kinh giúp tách chỗ bám các bó sợi cơ ngực lớn dọc theo bờ trong và dưới của vú một cách ít sang chấn nhất.
Tại Việt Nam từ những năm 2007, Khoa Phẫu thuật Tạo hình Thẩm mỹ, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã nghiên cứu triển khai và báo cáo ứng dụng phẫu thuật nội soi hỗ trợ nâng ngực qua đường nách thu được nhiều kết quả vượt trội. Nhiều nghiên cứu giải phẫu người Việt Nam dựa vào kết quả phẫu tích trên xác tươi của những người tình nguyện hiến xác cho y học đã cho phép xác định các mốc mạch máu thần kinh quan trọng cho vú và thành ngực. Các nghiên cứu lâm sàng hồi cứu, tiến cứu, so sánh đã cho thấy hiệu quả vượt trội của nâng ngực nội soi đường nách với tỉ lệ biến chứng sau mổ rất thấp, chảy máu <0,5%, bao sơ co thắt Backer độ III, độ IV <1%. Đây gần như là phương pháp tối ưu nhất cho phụ nữ Việt trẻ hay châu Á trẻ, không muốn ảnh hưởng đến ống tuyến vú cũng như không muốn để lại bất kỳ tỳ vết gì trên bầu ngực của mình.
Cũng cùng với khái niệm phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, phẫu thuật nâng ngực qua đường rốn cũng là một lựa chọn cho đặt túi implant bơm dung dịch muối sinh lý. Sử dụng một đường rạch duy nhất ở rốn, dùng nội soi để tạo ra một đường hầm dưới da dài đến bờ dưới của vú, sau đó tiếp tục bóc tách dưới tuyến. Kỹ thuật này chỉ cho phép dùng túi nước muối nên ít được sử dụng vì xu hướng tạo nếp gợn sóng trên da sau mổ.
3. CÁC CHẤT LIỆU TẠO HÌNH NÂNG NGỰC
3.1. Implant túi nước biển
Do có nhiều báo cáo ghi lại tần suất và mức độ nghiêm trọng của việc hình thành bao xơ liên quan đến việc sử dụng các thiết bị gel silicon vào những năm 1990, implant nước muối đã trở thành một lựa chọn thay thế với lợi ích rõ ràng là tỷ lệ bao xơ thấp hơn. Tuy nhiên, tỷ lệ rò rỉ cao không thể chấp nhận được (gần 78%) đã được quan sát thấy trong các mẫu implant thế hệ trước. Giống như bất kỳ thiết bị chứa nước, implant nước muối biểu hiện sự bất thường trên bề mặt đặc trưng như sóng và gợn sóng. Những đặc điểm bề mặt này có thể nhìn thấy được trên lâm sàng, đặc biệt là khi độ che phủ của mô mềm không đủ.
3.2. Implant túi gel silicone
Silicone, một loại polymer của dimethylsiloxane, có trong tự nhiên. Silicone cũng được tìm thấy trong thuốc, ống tiêm, van tim, dụng cụ và nhiều loại thiết bị cấy ghép. Chuỗi polymer của silicone càng dài thì độ nhớt càng lớn. Cả implant nước muối và implant silicone đều có vỏ ngoài làm bằng silicone. Sau khi dừng sử dụng trong khoảng 10 năm từ những năm 1990 để nghiên cứu về mức độ an toàn của túi Silicone, từ những năm 2000 trở lại đây túi Silicone thế hệ mới đã được sử dụng trở lại ở châu Âu và sau đó FDA cũng đã chấp thuận cho phép sử dụng tại thị trường Mỹ.
3.3. Nâng ngực tự thân
Mặc dù nhiều sự chú ý đã được hướng tới quy trình phê duyệt của FDA đối với implant ngực bằng gel silicon, một số tác giả gần đây đã mô tả nâng ngực tự thân. Mô tự thân giúp loại bỏ nguy cơ xẹp túi, bao xơ co thắt, nhiễm trùng, phòi implant và cuối cùng là thay túi hay tháo bỏ túi. Tuy nhiên, phẫu thuật nâng ngực tự thân vẫn chưa được phổ biến rộng rãi vì sự phức tạp của phẫu thuật, các biến chứng nơi cho vạt và sẹo, phục hồi kéo dài và có nguy cơ thất bại.
4. CÁC BIẾN CHỨNG
4.1. Biến chứng nhẹ
Mặc dù có khá nhiều sự quan tâm tập trung vào các biến chứng gây tranh cãi liên quan đến nâng ngực như bao xơ co thắt hoặc bệnh tự miễn, nhưng điều quan trọng là không bỏ qua các biến chứng thông thường có thể xảy ra, bao gồm sẹo phì đại, nhiễm trùng, tụ máu và tụ huyết thanh. Tụ máu sau mổ làm tăng tỷ lệ nhiễm trùng và thường xuyên dẫn đến bao xơ co thắt.
Nhiễm trùng có thể gây ra mất túi ngực, do phòi qua vết thương không liền, bị toác ra hoặc do phải tháo bỏ do nhiễm trùng. Bởi vì các ống dẫn sữa đổ ra da, chúng có thể bị nhiễm vi khuẩn. Chính vì vậy phương pháp mổ đường quầng thường có nguy cơ nhiễm trùng và bao xơ co thắt cao hơn các phương pháp khác.
4.2. Bao xơ co thắt
Việc hình thành vỏ bao xung quanh các thiết bị cấy ghép của vú như vỏ periprosthetic, hoặc bao xơ co thắt, là biến chứng phổ biến nhất được báo cáo sau khi nâng ngực. Phân loại bao xơ của Baker, được điều chỉnh bao gồm các kết quả của việc tái tạo vú, được sử dụng rộng rãi để đánh giá độ cứng của ngực sau phẫu thuật.
Nhiều nguyên nhân gây co bao xơ đã được đề xuất, bao gồm di chuyển các phân tử gel silicon qua lớp vỏ elastomer, phản ứng của cơ thể với các vật thể lạ, rối loạn mô liên kết tự miễn, khuynh hướng di truyền, nhiễm trùng hoặc phơi nhiễm bởi vi khuẩn, khối máu tụ và các đặc điểm bề mặt của implant. Ở cấp độ tế bào, hoạt động nguyên bào sợi bất thường được kích thích bởi một vật thể lạ và sự hiện diện của S. epidermidis phổ biến trên bề mặt túi nhưng chưa được chứng minh là nguyên nhân gây ra co bao.
4.3. Rối loạn tự miễn, mô liên kết và xuất hiện tế bào lạ nguy hiểm
Gần đây nhiều nghiên cứu đa trung tâm trên toàn thế giới cho thấy mối liên quan giữa bề mặt của túi implant ngực với sự phát triển của tế bào lympho bất thường với một tỉ lệ rất rất thấp. Loại tổn thương này có thể liên quan tới công nghệ Biocell tạo nhám to trên vỏ túi implant. Vì vậy năm 2018 một số cơ quan an toàn y tế châu Âu, Pháp, FDA Hoa Kỳ đã ngừng cấp phép lưu hành một số túi Implant nhám to trên thị trường. Những người bệnh đã đặt túi Implant loại nhám trong các loại implant bị dừng cấp phép được khuyên chưa cần can thiệp phẫu thuật gì nếu không có các biểu hiện lâm sàng.
PGS.TS Nguyễn Hồng Hà – Trưởng khoa Phẫu Thuật Tạo hình – Hàm mặt – Thẩm mỹ
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
-
Ung thư phổi di căn não nguy hiểm như thế nào?
16/09/2024 05:48
-
Kiểm soát đau: Các phương pháp giảm đau cho người bệnh
09/09/2024 05:38