Nội soi cắt lách ít đau cứu nguy cho trẻ xuất huyết giảm tiểu cầu
03/09/2018 21:32
Xuất huyết giảm tiểu cầu không đáp ứng với điều trị nội khoa
Bệnh nhân Hoàng Quốc Kh, 8 tuổi, tại Hà Nội bị bệnh XHGTC đã điều trị từ năm 2013 tại Viện Huyết học – Truyền máu Trung ương. Tình trạng bệnh nhân đã ổn định một thời gian nhưng sau đó lại tái phát bệnh vào năm 2017. Bệnh nhân tiếp tục được điều trị nội khoa, truyền tiểu cầu nhiều lần, tuy nhiên các bác sĩ hội chẩn điều trị không đáp ứng nên đã chỉ định cắt lách để giải quyết tình trạng bệnh.
Ngày 21/3/2018, bệnh nhân nhập viện BV Việt Đức trong tình trạng tiểu cầu giảm chỉ còn 20.000/ml, nguy cơ chảy máu cao. Bệnh nhân được truyền tiểu cầu trước mổ và chỉ định cắt lách nội soi một đường rạch. Ca mổ được thực hiện trong thời gian 90 phút.
Sau mổ, tiểu cầu của bệnh nhân đã tăng lên đạt gần 200.000/ml, bệnh nhân gần như không phải dùng thuốc giảm đau, sau mổ 2 ngày bệnh nhân bắt đầu được cho ăn và đi lại, ngày thứ 4 bệnh nhân được ra viện.
Trường hợp khác, bệnh nhân Vương Ngọc H., 5 tuổi, tại Hà Nội, phát hiện bệnh XHGTC từ lúc 3 tuổi, bệnh nhân có nhiều đợt xuất huyết nặng, xuất huyết tiêu hoá, thường xuyên xuất huyết khi bị va đập vào vật cứng. Bệnh nhân nhập viện ngày 19/3/2018 trong tình trạng có điểm xuất huyết ở sườn, tiểu cầu giảm chỉ còn 3.000/ml, nguy cơ chảy máu cao. Rất nhanh chóng, bệnh nhân được các bác sĩ chỉ định cắt lách nội soi một đường rạch. Sau phẫu thuật, tiểu cầu bệnh nhân lên gần 300.000/ml, bệnh nhân nhanh hồi phục, ăn uống đi lại bình thường và xuất viện khoẻ mạnh.
ThS.BS Hồng Quý Quân – Phó Trưởng Khoa Phẫu thuật Nhi và trẻ sơ sinh, BV Việt Đức cho biết, bệnh nhân XHGTC thường xuất huyết tự nhiên dưới da đa hình thái (dạng chấm, nốt, mảng hoặc đám xuất huyết), đa lứa tuổi (màu sắc xuất huyết thay đổi theo thời gian: Đỏ, tím, xanh, vàng sau đó mất đi không để lại dấu vết), chảy máu chân răng, chảy máu mũi, nôn ra máu, đi ngoài phân đen, kinh nguyệt kéo dài, đi tiểu ra máu…, xét nghiệm tiểu cầu dưới 100.000/ml. Với XHGTC miễn dịch thể mạn tính điều trị nội khoa không đáp ứng thì việc chỉ định cắt lách là bắt buộc.
“Tiêu chuẩn vàng” cho cắt lách
Theo ThS.BS Quân, lách vừa là nơi hủy các tiểu cầu và cũng là nơi sản xuất ra các kháng thể kháng tiểu cầu. Trước đây, phẫu thuật cắt lách mổ mở nên bệnh nhân phải chịu một vết mổ lớn, đau nhiều sau mổ, nguy cơ nhiễm trùng vết mổ cao, thời gian nằm viện kéo dài. Ngày nay cắt lách nội soi được coi là “tiêu chuẩn vàng” cho cắt lách vì thẩm mỹ, ít đau, bệnh nhân phục hồi nhanh chóng, với chi phí cho 1 ca mổ khoảng 5 đến 7 triệu đồng ở các bệnh nhân có bảo hiểm y tế.
Theo thống kê ở trẻ em, tỷ lệ mới mắc XHGTC khoảng 46 trường hợp/1 triệu dân/ năm; tỷ lệ ở nam và nữ như nhau, thường diễn biến cấp tính, tỷ lệ khỏi hoàn toàn cao. Khoảng 10% chuyển thành thể mạn tính và có chỉ định cắt lách.
Tuy nhiên, theo ThS.BS Quân, do khoang bụng ở trẻ còn nhỏ nên việc cắt lách nội soi gặp khó khăn đặc biệt các trường hợp lách to hay tiểu cầu thấp dễ chảy máu. Do đó, cần phẫu thuật viên có tay nghề, kinh nghiệm. Ở Việt Nam hiện cũng mới chỉ có một vài cơ sở y tế thực hiện được kỹ thuật cắt lách nội soi một đường rạch.
Các bác sĩ khuyến cáo, việc cắt lách nội soi để điều trị XHGTC miễn dịch ở trẻ em thường được áp dụng cho các đối tượng trẻ XHGTC trên 5 tuổi, trẻ không đáp ứng điều trị nội khoa, dùng corticoid kéo dài dễ gây biến chứng nguy hiểm…
PV Nguyên Lê/Báo Sức khỏe và đời sống
-
Ung thư phổi di căn não nguy hiểm như thế nào?
16/09/2024 05:48
-
Kiểm soát đau: Các phương pháp giảm đau cho người bệnh
09/09/2024 05:38