Những lưu ý đối với bệnh nhân sau bó bột điều trị gãy xương, trật khớp, chấn thương phần mềm
26/02/2021 07:16
Bột được tạo hình từ thạch cao hoặc sợi thuỷ tinh, được sử dụng để bất động chi trong các trường hợp gãy xương, trật khớp hoặc chấn thương phần mềm. Bó bột sau chấn thương giúp người bệnh giảm đau, giảm sưng nề, thúc đẩy quá trình liền xương (nếu gãy xương), nhanh chóng phục hồi phần mềm (nếu chấn thương phần mềm). Tùy theo loại tổn thương, thời gian sau chấn thương, độ tuổi mà sử dụng các loại bột khác nhau, thời gian mang bột khác nhau. Người bệnh sau bó bột cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ để vừa phát huy hiệu quả điều trị, vừa tránh các biến chứng, hạn chế các di chứng do bó bột gây ra.
Thời gian mang bột
Đa số người bệnh có tâm lý muốn tháo bột sớm, tuy nhiên tùy theo loại tổn thương, mục đích điều trị mà có thời gian mang bột khác nhau.
– Trường hợp gãy xương có chỉ định điều trị bảo tồn bằng kéo nắn bó bột, tuỳ theo tuổi, vị trí gãy xương sẽ có thời gian mang bột khác nhau, theo bảng sau:
– Trường hợp chấn thương phần mềm hoặc sau nắn trật khớp, thời gian bó bột thông thường 3 tuần.
Phát hiện và phòng tránh các biến chứng sau bó bột
Chèn ép bột
Trong thời gian 24-72 giờ đầu do hiện tượng sưng nề tăng lên làm cho bột có xu hướng chặt lại. Nếu bột chặt quá mức không được nới bột kịp thời có thể dẫn đến tình trạng chèn ép bột dẫn đến thiếu máu nuôi chi, có thể gây hoại tử chi hoặc mất chức năng chi. Do vậy, giảm sưng nề trong 24-72 giờ đầu rất quan trọng.
Các dấu hiệu của chèn ép bột:
– Đau tức phần chi được bó bột, cảm giác bột càng ngày càng bó chặt.
– Tê bì bàn ngón tay hoặc bàn ngón chân (đầu chi).
– Đau rát bỏng như kim châm đầu chi.
– Đầu chi tím, lạnh, sưng nề tăng dần.
– Mất vận động chủ động đầu chi.
Khi xuất hiện các biểu hiện trên, người bệnh cần phải đến ngay cơ sở y tế gần nhà để nới rộng bột.
Các biện pháp giúp giảm sưng nề sau bó bột:
– Kê cao chi giúp máu trở về tim được dễ dàng.
– Tập gồng cơ trong bột, tập vận động chủ động đầu chi.
– Chườm đá. Cho đá vào túi nilon hoặc túi chườm lạnh đặt lên trên bột tại vị trí tổn thương.
Viêm loét da: Viêm loét tại các vị trí tỳ đè của bột. Biểu hiện lâm sàng là đau tại vị trí tỳ đè, có dịch thấm qua bột, mùi hôi, người bệnh có thể có sốt. Khi có các biểu hiện trên cần đến cơ sở y tế chuyên khoa để xử lý.
Lỏng bột: Người bệnh cảm thấy bột di chuyển khi cử động. Khi lỏng bột cần phải thay bột tránh di lệch thứ phát.
Chăm sóc bột
Trong những ngày đầu cần chú ý:
- Giữ cho bột khô ráo: Nếu để bột ẩm hoặc thấm nước, nước có thể thấm vào lớp vải hoặc giấy lót trên da, gây kích ứng da, viêm da.
- Đi lại trên bột: Trong trường hợp được phép đi lại trên bột, không đi ngay sau khi bó bột mà phải chờ ít nhất 1 giờ đối với bột thủy tinh và 2-3 ngày đối với bột thạch cao. Nếu đi lại sớm (khi bột chưa cứng chắc) sẽ làm hỏng bột.
- Giữ cho bột sạch sẽ: Lau sạch da đầu chi phần không bột giúp theo dõi màu sắc đầu chi.
- Ngứa: Không được dùng các vật dụng như: que, vật rắn để luồn dưới bột gãi ngứa dễ gây tổn thương da, dẫn đến viêm nhiễm da.
- Cắt bột: Bệnh nhân không được tự ý cắt ngắn bột hoặc cắt xén mép bột khi chưa hỏi ý kiến bác sĩ chuyên khoa.
- Để ý màu sắc da: Quan sát màu sắc da quanh mép bột, nếu thấy da tấy đỏ hoặc trầy xước thì tái khám bác sĩ.
- Để ý tình trạng bột: Nếu thấy bột gãy, vỡ hoặc lỏng cần tái khám bác sĩ.
- Tháo bột: Tháo bột cần có dụng cụ chuyên dụng, do nhân viên y tế thực hiện, bệnh nhân tuyệt đối không tự ý tháo bột. Nếu tự ý tháo bột có thể gây tổn thương da, hoặc không đạt hiệu quả điều trị do chưa đủ thời gian bất động.
Tập luyện
Trong thời gian mang bột, tập gồng cơ trong bột giúp tăng cường máu đến nuôi dưỡng vùng tổn thương, hạn chế phù nề, loạn dưỡng, teo cơ. Sau tháo bột, tập phục hồi chức năng giúp nhanh chóng phục hồi sức mạnh của cơ, biên độ vận động của khớp.
TS.BS Dương Đình Toàn – Phó trưởng khoa Khám xương và điều trị ngoại trú, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
-
Ung thư phổi di căn não nguy hiểm như thế nào?
16/09/2024 05:48
-
Kiểm soát đau: Các phương pháp giảm đau cho người bệnh
09/09/2024 05:38