Những dấu hiệu cảnh báo rối loạn nhịp tim
25/05/2020 09:29
Trái tim thường được ví như một chiếc máy bơm mạnh mẽ, làm nhiệm vụ bơm máu liên tục đi nuôi cơ thể. Mỗi ngày, tim đập khoảng 100.000 lần và bơm ra khoảng hơn 7.500 lít máu, và trong suốt cuộc đời khoảng 80 năm, tim đập trung bình hơn 3 tỷ lần.
Bình thường, khi cơ thể ở trạng thái nghỉ ngơi, quả tim đập chậm lại, ngược lại, khi hoạt động gắng sức, tim sẽ đập nhanh hơn để cung cấp oxy cho các cơ bắp. Loạn nhịp tim có thể gặp như nhịp tim chậm, nhanh, không đều, các buồng tim không co bóp đồng bộ với nhau, hoặc vị trí phát xung động bất thường gây ra nhịp ngoại tâm thu.
Các triệu chứng của loạn nhịp tim
Loạn nhịp tim nhiều khi không gây nên triệu chứng. Trong trường hợp nhịp tim quá chậm, người bệnh có thể bị hoa mắt, chóng mặt hoặc choáng ngất. Khi nhịp tim quá nhanh, các triệu chứng trên cũng có thể xảy ra khi mà buồng tâm thất không đủ thời gian giãn ra để đổ đầy máu.
Hồi hộp, đánh trống ngực: là cảm giác tim đập mạnh, có thể xuất hiện ngay cả khi quả tim đang làm việc bình thường, dấu hiệu này thường được người bệnh mô tả như cảm giác hẫng hụt (xuất hiện khi có một nhát bóp đến sớm, dẫn đến máu về tâm thất chưa đủ, làm tim chỉ bơm một lượng máu ít đi, khiến người bệnh cảm giác hẫng hụt), hoặc cảm giác tim bị ngưng vài giây, thường theo sau bởi một nhịp đập mạnh, đôi khi như thể bị đấm vào ngực.
Thấy tim đập nhanh: thường thấy trong rối loạn nhịp tim nhanh và cũng là triệu chứng phổ biến người bệnh đi khám bệnh.
Mệt và cảm giác khó thở: đây là biểu hiện thường gặp của nhiều loại loạn nhịp, tuy nhiên nó là dấu hiệu của nhiều bệnh khác nhau.
Đau ngực: là một trong những dấu hiệu nguy hiểm của rối loạn nhịp tim, thường xuất hiện trên nền các bệnh lý tim mạch khác nhau như bệnh mạch vành, hẹp van động mạch chủ khít…
Nguyên nhân gây loạn nhịp tim
Ở người trưởng thành, nhịp đập của tim bình thường sẽ nằm trong khoảng 60-100 lần/phút lúc nghỉ ngơi. Nếu có một tác động nào đó khiến trái tim đập bất thường: quá nhanh, quá chậm, hoặc lúc nhanh lúc chậm, hay bỏ nhịp sẽ gọi là rối loạn nhịp tim. Trong cuộc sống hằng ngày, rối loạn nhịp có thể xuất hiện khi bạn có rối loạn tâm lý, căng thẳng, stress, lao động gắng sức hay sử dụng một số chất kích thích như uống rượu, chè, coffee, hút thuốc lá…
Bên cạnh đó, các bệnh lý tim mạch như : thiếu máu cơ tim, các bệnh lý van tim, viêm cơ tim, các bệnh tim bẩm sinh… cũng sẽ làm ảnh hưởng đến quá trình dẫn truyền xung động trong tim và gây rối loạn nhịp tim.
Rối loạn nhịp tim còn có thể gặp ở một số bệnh lý hoặc nguyên nhân khác nhau như: tăng huyết áp, rối loạn mở máu, đái tháo đường, béo phì, cường giáp, thiếu máu, rối loạn cân bằng toan kiềm – điện giải, do thuốc, thậm chí là các thuốc chống loạn nhịp tim. Ngoài ra, cũng có nhiều trường hợp rối loạn nhịp tim không xác định được nguyên nhân rõ ràng.
Khi nào cần đến gặp bác sỹ
Khi xuất hiện triệu chứng trên bạn nên sớm đến gặp bác sĩ để đề phòng những biến chứng nguy hiểm cho sức khoẻ. Trong một số các trường hợp, rối loạn nhịp tim có thể là vô hại, nhưng đa phần nó là biểu hiện của một tình trạng bệnh lý nặng, đe doạ đến cuộc sống của bạn. Vì vậy, nếu cảm thấy bất kỳ sự khác thường nào của trái tim, tốt nhất bạn nên đến khám tại các cơ sở y tế. Đặc biệt:
Tim đập nhanh hoặc chậm, kèm theo cảm giác hồi hộp, đánh trống ngực, chóng mặt hoặc ngất.
Loạn nhịp tim kèm khó thở, đau ngực có thể kèm theo phù chân, bụng…
Loạn nhịp tim xuất hiện sau khi sử dụng một loại thuốc nào đó.
Làm thể nào để xác định được rối loạn nhịp tim ?
Khám lâm sàng: phần lớn các trường hợp, khi ghe tim hoặc bắt mạch, thầy thuốc đã có thể định hướng được kiểu rối loạn nhịp.
Ghi điện tâm đồ: nó cho thấy đặc điểm điện học của từng loại rối loạn. Tuy nhiên, có nhiều loại loạn nhịp tim phải ghi vào thời điểm bị loạn mới có thể lượng giá được. Vì vậy, nhiều thiết bị đã được sử dụng để phát hiện những loại loạn nhịp thoáng qua.
Điện tim 24h: Là một thiết bị phổ biến, được sử dụng trong nhiều năm nay, máy được người bệnh đeo vào người với các điện cực gắn trên thành ngực, điện tâm đồ được ghi lại liên tục trong suốt thời gian mang máy. Ưu điểm của thiết bị là giúp theo dõi điện tim được liên tục, có thể ghi lại những rối loạn nhịp mà người bệnh không để ý đến hoặc không phát hiện được ra và chi phí rẻ. Nhược điểm là nhiều khi trong thời gian đeo máy lại không xuất hiện nhịp bất thường nên không phát hiện được.
Thăm dò điện sinh lý tim: được thực hiện ở các cơ sở y tế chuyên sâu, trong phòng thông tim. Bác sỹ sẽ sử dụng các ống thông luồn vào quả tim theo đường động hoặc tĩnh mạch để ghi lại một cách chính xác hoạt động điện học của quả tim. Một số trường hợp còn dùng ống thông để kích thích hệ thống dẫn truyền của tim nhằm phát hiện các rối loạn nhịp.
Siêu âm tim có mắc điện tim: là một phương pháp phát hiện rối loạn nhịp tim ở mức cơ bản nhưng lại đưa được thông tin rất hữu ích để chẩn đoán nguyên nhân gây rối loạn nhịp hoặc hậu quả của rối loạn nhịp tim gây nên như: giãn các buồng tim, hở van tim, chức năng tim giảm…
Phòng Công tác xã hội
-
Ung thư phổi di căn não nguy hiểm như thế nào?
16/09/2024 05:48
-
Kiểm soát đau: Các phương pháp giảm đau cho người bệnh
09/09/2024 05:38