Nhận biết, phòng ngừa xẹp đốt sống do loãng xương

24/05/2024 06:55

Chỉ với một cú ngã rất nhẹ, nhưng có thể khiến bạn bị gãy tay, chùn đốt sống hay gãy cổ xương đùi… Vậy lý do gì khiến cho cú ngã “cỏn con” đó lại có thể làm ảnh hưởng trầm trọng sức khỏe của bạn đến vậy? Một trong những nguyên nhân chính đó là do loãng xương. Loãng xương là nguyên nhân hàng đầu của gãy xương cột sống, xẹp đốt sống, đặc biệt là ở phụ nữ trên 50 tuổi, nhưng thật bất ngờ là chỉ có khoảng một phần ba trong số tất cả các trường hợp gãy xương cột sống được chẩn đoán ra, đáng tiếc là con số bệnh nhân được điều trị đúng phương pháp lại càng ít hơn nữa.

 

 

Hầu hết các triệu chứng của xẹp đốt sống (gãy xương nén) bắt đầu bằng đau lưng đột ngột dữ dội, thường là sau khi hoạt động đơn giản (nâng vật hoặc uốn người) mà hơi căng ở lưng. Đôi khi triệu chứng đau lại xuất hiện sau những cú ngã nhẹ như trượt chân, hoặc thậm chí chẳng do bất cứ nguyên nhân nào. Sau một hoặc hai tháng, cơn đau cấp tính này thường được thay thế bằng một cơn đau nhức mãn tính, triền miên. Trong đa số trường hợp loãng xương, một hoặc nhiều xương đốt sống có thể trở nên yếu đến mức chúng không thể chịu đựng được trọng tải cơ thể của chính người bệnh và dẫn đến các vết nứt nhỏ trong thân đốt sống. Loại gãy xương này được gọi là gãy xương đốt sống. Khi đốt sống bị gãy, nó sẽ kích thích vào các thụ cảm thần kinh ngay trong thân đốt sống, hay gây tổn thương các khớp cột sống, và từ đó gây đau lưng dữ dội. Các triệu chứng có thể trở nên ngày càng tồi tệ nếu không được điều trị đúng phương pháp, chẳng hạn như ngứa ran, tê bì 2 chân, yếu hoặc biến dạng cột sống (gù cột sống như bà còng).

 

Yếu tố nguy cơ dẫn đến bệnh loãng xương

 

– Tuổi cao: Khi con người già đi, quá trình tạo xương và lắng đọng canxi trong xương giảm đi rõ rệt. Do đó sau 65 tuổi, nguy cơ gãy xương tăng cao hơn.

 

– Giới tính: Nhìn chung, phụ nữ có nguy cơ gãy xương đốt sống cao hơn nam giới, do xương mỏng hơn tự nhiên và khối lượng xương thấp hơn. Lý do là phụ nữ sau mãn kinh có sự thay đổi nội tiết tố, nồng độ hormone estrogen trong máu giảm rõ rệt.

 

– Yếu tố di truyền hoặc tiền sử bản thân đã từng bị gãy xương: Tiền sử người bệnh đã từng bị gãy xương ở tuổi trưởng thành (trước 45 tuổi) là dấu hiệu chỉ điểm cho thấy người bệnh có thể tăng nguy cơ mắc bệnh loãng xương. Ngoài ra, nếu cha mẹ (đặc biệt là mẹ) bị loãng xương hoặc gãy xương ở tuổi trưởng thành, nguy cơ mắc bệnh loãng xương của con cái có thể cao hơn.

 

– Khuynh hướng di truyền đến mật độ xương thấp: Khối lượng xương đỉnh đạt được trong độ tuổi từ 18 đến 25 và hầu hết được xác định bởi các yếu tố di truyền. Hơn thế nữa, sự tiếp nhận vitamin D của cơ thể chủ yếu được kiểm soát bởi các yếu tố di truyền. Nếu khả năng hấp thụ vitamin D thấp thì bạn sẽ có thể có nguy cơ mắc bệnh loãng xương cao hơn và nguy cơ xẹp đốt sống tăng cao theo.

 

– Mãn kinh: Khi hormone giới tính của cơ thể thay đổi trong thời kỳ mãn kinh, nồng độ estrogen thấp hơn sẽ ảnh hưởng đến quá trình tái tạo xương mới và đẩy nhanh tốc độ mất xương, gây giảm sức mạnh của xương và nguy cơ gãy xương cao hơn. Estrogen đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức mạnh của xương. Bắt đầu từ khoảng 30 tuổi cho đến khi chuẩn bị mãn kinh, mỗi năm, phụ nữ mất đi một lượng xương nhỏ như một phần tự nhiên của quá trình lão hóa. Khi phụ nữ đến tuổi mãn kinh và nồng độ estrogen giảm xuống, tốc độ mất xương sẽ tăng gấp khoảng 8 đến 10 năm trước.

 

– Chủng tộc: Phụ nữ da trắng và Châu Á có tỷ lệ loãng xương cao hơn. Mặc dù phụ nữ thuộc các chủng tộc khác ít gặp rủi ro hơn, việc thăm khám sàng lọc vẫn được khuyến nghị nếu họ trên 65 tuổi hoặc có thêm bất kỳ yếu tố rủi ro nào.

 

Triệu chứng của xẹp đốt sống do loãng xương

 

Loãng xương thường diễn biến âm thầm trong nhiều năm và gãy xương thường là dấu hiệu cảnh báo đầu tiên. Người cao tuổi hoặc bệnh nhân loãng xương cần rất cảnh giác với các triệu chứng của xẹp đốt sống, để tránh bỏ sót và gây nên những hậu quả nghiêm trọng. Xẹp đốt sống do loãng xương có thể gây nên triệu chứng và những di chứng sau đây:

 

– Đau lưng dữ dội tương ứng với vị trí đốt sống bị xẹp sau những chấn thương nhẹ (ngã ngồi, vặn mình…) hoặc thậm chí xuất hiện một cách tự nhiên.

 

– Hạn chế chức năng vận động: có bệnh nhân không thể ngồi dậy, không thể đi lại hoặc rất khó khăn trong cử động do đau lưng.

 

– Nếu sau hơn 2 tháng không được điều trị hoặc điều trị không đúng cách. Bệnh có thể tiến triển sang giai đoạn đau mạn tính, nhức nhối triền miên, ảnh hưởng chức năng vận động trầm trọng.

 

– Rối loạn chức năng đại, tiểu tiện cơ năng: Thường nguyên nhân gây rối loạn là do bệnh nhân đau quá, nằm bất động lâu ngày hoặc tâm lý xấu hổ, ngại đi vệ sinh trong tư thế nằm.

 

– Với trường hợp đốt xẹp gây gù cột sống, chèn ép thần kinh tủy sống nhiều, bệnh nhân có thể bị tê, liệt 2 chân, rối loạn chức năng đại tiểu tiện thực thể.

 

– Càng về sau, người bệnh có thể gặp các biến dạng cột sống nghiêm trọng (ví dụ, mất chiều cao, cong vẹo cột sống, gù lưng, bà còng…)

 

– Đau vùng xương sườn mạn tính do xương sườn tỳ vào khung chậu trong trường hợp gù cột sống nghiêm trọng.

 

– Mất khả năng tự chăm sóc bản thân, hay các hoạt động thông thường ban ngày

 

– Giảm dung tích phổi, dẫn đến khó thở mạn tính.

 

– Mất cảm giác thèm ăn, lo âu, trầm cảm, mất ngủ…

 

Mặc dù loãng xương không gây đau lưng, nhưng nó có thể làm suy yếu các đốt sống và khiến chúng dễ bị gãy xương.

 

Các biện pháp phòng ngừa và điều trị loãng xương

 

Bác sĩ có thể đề nghị bạn sử dụng một số loại thuốc điều trị loãng xương, chẳng hạn như bisphosphonates và bổ sung canxi + vitamin D. Các thuốc điều trị loãng xương có thể sử dụng bằng đường uống 1 lần/tuần, hoặc 1 lần/tháng, hoặc sử dụng đường truyền tĩnh mạch 1 lần/năm. Những thuốc này phải được sử dụng theo hướng dẫn nghiêm ngặt của thầy thuốc, và phải dùng từ 3-5 năm mới có tác dụng nâng cao chất lượng xương và phòng tránh được nguy cơ gãy xương. Nếu việc sử dụng thuốc không thường xuyên sẽ không đạt được bất cứ kết quả nào mà còn gây tốn kém về kinh tế. 

 

Ăn uống lành mạnh và bỏ thói quen xấu

 

Chúng ta cần phải bổ sung canxi để cấu trúc xương trở nên vững chắc. Nếu bạn bị loãng xương hoặc giảm mật độ xương, bác sĩ có thể sẽ khuyên bạn nên bổ sung canxi. Ngoài ra, điều quan trọng là cần cung cấp vitamin D. Nó giúp cơ thể hấp thụ canxi vào xương. Bạn cần từ bỏ những thói quen có hại như uống rượu, hút thuốc lá, vì những thói quen này đã được chứng minh làm ảnh hưởng đến quá trình tái tạo xương mới. Bên cạnh đó, bạn cần tích cực vận động, chơi thể thao, tắm nắng… để xương trở nên cứng chắc hơn. Thanh thiếu niên cần được khuyến khích chơi thể thao, để đạt được khối lượng xương đỉnh ở tuổi trưởng thành và giảm thiểu nguy cơ loãng xương khi về già.

 

Điều trị bảo tồn cho xẹp đốt sống do loãng xương

 

Trước đây, việc điều trị xẹp đốt sống do loãng xương thường bao gồm cho người bệnh nằm bất động tại chỗ, mặc áo đai cột sống, sử dụng các thuốc giảm đau, giãn cơ, thuốc điều trị loãng xương… Mỗi đợt điều trị bảo tồn thường kéo dài 3-4 tuần, sau đó người bệnh có thể tập vận động trở lại. Một số trường hợp, người bệnh sau điều trị vẫn đau lưng dai dẳng, hạn chế vận động. Cá biệt, với những bệnh nhân cao tuổi, thể trạng yếu, khi nằm bất động lâu ngày có thể gây ra các biến chứng như viêm phổi, loét vùng tỳ đè, nhiễm trùng tiết niệu…

 

Tạo hình đốt sống bằng bơm xi măng không bóng

 

Nhờ sự phát triển của y học, các chuyên gia về cột sống có thể bơm 1 lượng xi măng vào thân đốt sống bị xẹp. Đầu tiên, bệnh nhân được nằm sấp, gây tê tại chỗ và hoàn toàn tỉnh táo trong suốt quá trình thực hiện can thiệp. Đây là 1 điểm rất mạnh của kỹ thuật, vì so với việc mổ cột sống, bệnh nhân cao tuổi sẽ phải gây mê trong khi mổ và chịu nhiều nguy cơ rủi ro của quá trình gây mê. Sau đó, phẫu thuật viên sẽ sử dụng máy huỳnh quang tăng sáng để định vị đốt sống bị xẹp. Bằng kinh nghiệm của mình, phẫu thuật viên sẽ chọc 2 kim vào trong thân đốt sống bị xẹp, qua đó bơm xi măng sinh học vào thân đốt sống. Đốt sống sau khi bơm xi măng sẽ cứng hơn cả các đốt sống xung quanh, hàn gắn những xương gãy, giảm đau cho người bệnh. Bệnh nhân sau bơm xi măng có thể ngồi dậy, đi lại ngay sau bơm 6h, xuất viện 1 ngày sau can thiệp. Với việc can thiệp tối thiểu, gần như không tàn phá cân cơ tổ chức, phương pháp bơm xi măng không bóng đã được ứng dụng rộng rãi trên toàn thế giới. Tuy nhiên, phương pháp cũng có 1 số hạn chế như không chỉnh hình đốt sống bị xẹp, tỷ lệ xẹp đốt sống lân cận có thể tăng cao.

 

Tạo hình đốt sống bằng bơm xi măng có bóng

 

Để khắc phục những hạn chế của phương pháp bơm xi măng không bóng nêu trên, tại Mỹ đã sáng chế ra phương pháp tạo hình đốt sống bằng bơm xi măng có bóng. Về mặt tổng thể 2 phương pháp bơm xi măng tương đối giống nhau về quy trình thực hiện. Điểm khác biệt mấu chốt của phương pháp bơm xi măng có bóng chính là qua kim dẫn đường, người thầy thuốc sẽ đưa 2 quả bóng vào thân đốt sống bị xẹp. Bình thường 2 quả bóng bị xẹp, sau khi nối với hệ thống bơm ngoài cơ thể, 2 quả bóng sẽ được bơm phồng lên, giúp làm nở đốt sống, chỉnh hình chiều cao đốt sống trả lại hình dáng ban đầu. Sau đó 2 quả bóng lại được làm xẹp, rút ra, tạo nên 2 khoang trống trong thân đốt sống. Khoang trống này nhanh chóng được lấp đầy bởi xi măng. Như vậy, phương pháp bơm xi măng có bóng không những kế thừa được ưu điểm của phương pháp bơm không bóng, mà còn khắc phục được những hạn chế như: chỉnh hình được đốt sống bị xẹp về hình dáng ban đầu, giảm tỷ lệ rò xi măng do bơm vào khoang trống và giảm nguy cơ xẹp các đốt sống lân cận. Tất cả bệnh nhân sau bơm xi măng đều  phải tuân thủ chặt chẽ liệu trình điều trị loãng xương nêu trên, để giảm thiểu nguy cơ gãy xương thứ phát. Ngoài ra, người bệnh cũng nên tránh tuyệt đối động tác ngồi xổm, cúi ra phía trước để phòng tránh nguy cơ xẹp các đốt sống lân cận. Cột sống của con người bao gồm cột sống cổ,  ngực và cột sống thắt lưng. Việc bơm xi măng vào đốt sống bản lề ngực – thắt lưng, thắt lưng thường không khó khăn lắm với phẫu thuật viên cột sống. Tuy nhiên, với các đốt sống ngực cao (T8 đến T5), việc bơm xi măng trở nên rất khó khăn do cuống sống rất nhỏ, dốc và tính chất tinh tể của vùng tủy ngực. Việc bơm xi măng vùng cột sống ngực cao bắt buộc phải được thực hiện bởi phẫu thuật viên cột sống rất chuyên sâu, vì đường chọc kim vào đốt xẹp hoàn toàn nằm ngoài cuống sống, vào trực tiếp thân đốt sống.

 

Phẫu thuật cho bệnh nhân xẹp đốt sống nặng do loãng xương

 

Việc chỉ định phẫu thuật rất hạn chế do chất lượng xương của bệnh nhân kém, người bệnh già yếu, nhiều bệnh phối hợp, không thích hợp để gây mê khi mổ. Chỉ định phẫu thuật khi xẹp đốt sống rất nặng, chèn ép vào thần kinh gây các biểu hiện yếu liệt 2 chân, rối loạn chức năng đại tiểu tiện. Phẫu thuật viên thường mổ đường sau lưng của người bệnh, bắt các loại vít đặc biệt vào cột sống người bệnh, đặt các thanh kim loại để làm vững cột sống. Tùy theo mức độ chèn ép thần kinh mà phẫu thuật viên có thể cắt bỏ một phần xương phía sau cột sống đơn thuần để giải phóng chèn ép, hoặc cắt bỏ toàn bộ thân đốt sống bị xẹp và thay thế bằng vật liệu nhân tạo.

 

TS.BS Đỗ Mạnh Hùng – Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Cột sống, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

 

 

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là địa chỉ thăm khám, phòng ngừa và điều trị các bệnh lý về Cột sống uy tín hàng đầu. Để tìm hiểu thêm về thông tin bệnh lý và nhu cầu chăm sóc sức khỏe vui lòng liên hệ:

 

   BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ VIỆT ĐỨC
   – Địa chỉ: 40 Tràng Thi – Hoàn Kiếm – Hà Nội
   – Tổng đài đặt lịch khám: 19001902
   – Fanpage: Facebook.com/bvvietduc
   – Website: Benhvienvietduc.org