Lựa chọn thận và kỹ thuật mạch máu trong phẫu thuật ghép thận từ người cho sống

08/12/2021 13:07

 

Kỹ thuật xử lý và khâu nối mạch máu là một thì phẫu thuật quan trọng của ghép thận, liên quan trực tiếp đến việc lựa chọn thận lấy – ghép ở người cho sống và kết quả ngay sau ghép. Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, do có chuyên ngành ngoại mạch máu rất phát triển – cho phép xử lý tốt mọi bất thường giải phẫu cuống mạch thận nên nguyên tắc lựa chọn thận ghép là “Dành bên thận có chức năng tốt hơn” cho người hiến thận.

 

Việc áp dụng các kỹ thuật và phương tiện phẫu thuật mạch máu vào ghép thận tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã cho phép lựa chọn thận ghép theo chức năng chứ không phụ thuộc vào cấu trúc giải phẫu cuống mạch, đồng thời xử lý được mọi tình huống giải phẫu khác nhau của cuống mạch ghép thận với độ an toàn rất cao.

Các bác sĩ Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đang ghép thận cho 1 BN

Là cơ sở y tế đầu tiên trên cả nước cán mốc 1.000 ca ghép thận vào tháng 10/2020, đến nay, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã thực hiện thành công hơn 1.200 ca ghép thận. Trường hợp ghép thận đầu tiên tại đây là vào năm 2002. Theo TS.BS Ninh Việt Khải – Phó Giám đốc Trung tâm Ghép tạng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức: Khi lấy tạng từ người hiến sống phải đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người hiến. Phẫu thuật trên thể trạng bệnh nhân khỏe mạnh, mọi thao tác lấy tạng đều phải chính xác, tránh tai biến. Lấy tạng từ người cho chết não sẽ lấy được những mạch máu dài hơn so với lấy từ người hiến sống, tạo thuận lợi cho cuộc ghép. Đối với người hiến sống, chỉ lấy được các mạch máu ngắn hơn, do vậy để cuộc ghép thuận lợi, các bác sĩ đã có nhiều phương án giải quyết như: chuyển các mạch máu khác để ghép thận, tạo hình làm dài các mạch thận bằng các tĩnh mạch sinh dục hoặc đoạn mạch được bảo quản từ ngân hàng mô.

Các tạng ghép được bảo quản tại Ngân hàng mô, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Ngân hàng mô của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là ngân hàng đầu tiên và duy nhất tại Việt Nam được thành lập theo quy định của Luật hiến, lấy, ghép mô, bộ phận cơ thể người và hiến lấy xác số 75/2006/QH11 và Nghị định 118/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định về tổ chức, hoạt động của ngân hàng mô, theo giấy phép hoạt động số 555/BYT-GPHĐNHM và Quyết định số 195/QĐ-VĐ năm 2018 về việc thành lập Ngân hàng mô thuộc Bệnh viện HN Việt Đức. Đây là địa chỉ tiếp nhận, bảo quản, lưu trữ, vận chuyển, cung ứng mô cho các cơ sở y tế, cơ sở nghiên cứu, đào tạo y học, sản xuất cung ứng trao đổi mô với các ngân hàng khác, các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước nhằm mục đích khám chữa bệnh, đào tạo, nghiên cứu khoa học. 

 

Ngân hàng mô Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có nhiều vai trò trong phát triển ghép tạng, cụ thể: Lưu trữ và bảo quản các đoạn mạch đồng loài (homograft), ứng dụng trong các phẫu thuật ghép tạng, đặc biệt là ghép gan và ghép thận từ người hiến sống. Trong các phẫu thuật ghép thận, có nhiều trường hợp tĩnh mạch thận của người hiến ngắn hơn khi ghép vào người nhận, cần sử dụng các tĩnh mạch homograft từ ngân hàng mô để tạo hình nối dài tĩnh mạch thận.

 

Để giúp kỹ thuật nối mạch máu thuận lợi, các phẫu thuật viên thường xuyên sử dụng các đoạn mạch (đồng loài hoặc nhân tạo) để mở rộng đường kính hoặc kéo dài các đoạn mạch. So với đoạn mạch nhân tạo thì đoạn mạch đồng loài (homograft) có rất nhiều ưu điểm, trong đó quan trọng nhất là tránh cho bệnh nhân phải dùng thuốc chống đông.

 

Hiện nay, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cũng tiến hành 100% mổ nội soi lấy tạng từ người hiến sống, giúp giảm đau sau mổ, đảm bảo yếu tố thẩm mỹ, hồi phục nhanh, rút ngắn thời gian nằm viện.

15h00 ngày 8 tháng 12 năm 2021, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tổ chức chương trình Tư vấn trực tuyến với chủ đề “NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT SAU GHÉP THẬN”, trực tiếp trên các kênh truyền thông của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức:

► Fanpage: facebook.com/bvvietduc

► Youtube: youtube.com/benhvienvietduc1906

 

Khách mời:

PGS.TS HÀ PHAN HẢI AN

Phó Chủ tịch thường trực Hội Tiết niệu -Thận học Việt Nam

Ủy viên Ban chấp hành Hội Nội khoa Việt Nam, Hội Ghép tạng Việt Nam

Giảng viên cao cấp trường Đại học Y Hà Nội

Giáo sư thỉnh giảng Đại học Tổng hợp Sydney, Australia

Bác sĩ chuyên khoa Thận học – Hội Thận học quốc tế

Nguyên Trưởng khoa Thận – Lọc máu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

 

Thế mạnh chuyên môn:

Thận học Nội khoa, đặc biệt quản lý bệnh nhân bị bệnh thận mạn

Các kỹ thuật lọc máu

Điều trị và quản lý bệnh nhân ghép thận khía cạnh nội khoa.

 

Quý khán giả quan tâm có thể đặt câu hỏi trên Fanpage và kênh Youtube của bệnh viện để được chuyên gia tư vấn trực tiếp hoặc gọi điện đến Tổng đài CSKH 19001902.

 

Phòng Công tác xã hội

Tagged in: Tags:

Tư vấn trực tuyến

Tập huấn trực tuyến: Quy trình chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Nhằm cập nhật kiến thức trong chẩn đoán, điều trị cho các y, bác sĩ, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng điều trị cho người bệnh, ngày 18/5, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tổ chức khóa tập huấn trực tuyến “Quy trình chạy thận nhân…

Xem tiếp

Kết nối Facebook