Lần đầu tiên Việt Nam có máy đo tủy hỗ trợ phẫu thuật

24/11/2016 08:44

Ngày 23-11, PGS.TS. Nguyễn Văn Thạch, Chủ tịch Hội Chấn thương chỉnh hình Việt Nam, Phó Chủ tịch Hội Chấn thương chỉnh hình Đông Nam Á, nguyên Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức và TS. Đinh Ngọc Sơn, Trưởng Khoa phẫu thuật Cột sống (Bệnh viện Việt Đức) đã tiến hành thành công 2 ca phẫu thuật u tủy và 1 ca vẹo cột sống nặng với việc lần đầu tiên ứng dụng máy theo dõi tủy trong suốt quá trình mổ.

 

 

Phẫu thuật cột sống là những kỹ thuật rất khó, đòi hỏi phẫu thuật viên phải được đào tạo căn bản và có kinh nghiệm. Bởi cột sống là nơi chứa tủy sống và các đám thần kinh quan trọng điều khiển hoạt động của cơ thể, nên chỉ cần thiếu chính xác một chút trong phẫu thuật là có thể dẫn tới tổn thương gây liệt hoặc tử vong.

 

 

Vì thế, Khoa Phẫu thuật Cột sống –Bệnh viện Việt Đức là một trong rất ít cơ sở ở Việt Nam thực hiện được kỹ thuật này.

 

 

thumb_660_65327394-2db2-41ab-8c65-280393320af8

PGS.TS. Nguyễn Văn Thạch -người có “đôi tay vàng” trực tiếp thực hiện phẫu thuật

 

Theo PGS.TS. Nguyễn Văn Thạch, từ trước tới nay, các bác sĩ phẫu thuật cột sống chỉ “làm mò” nên tai biến hoàn toàn có thể xảy ra, như trong quá trình mổ, bác sĩ phải làm căng tủy sống, nên thay đổi dây thần kinh, mà nếu ảnh hưởng đến tủy thì bác sĩ cũng không phát hiện được. Sau khi nắn vẹo cột sống rồi, phải chờ khi bệnh nhân tỉnh, để bác sĩ kiểm tra phản xạ bệnh nhân xem có liệt không.

 

 

PGS.TS. Nguyễn Văn Thạch cho biết, nhưng nay, với sự hỗ trợ của máy đo tủy, phẫu thuật viên sẽ tránh được các biến chứng xảy ra khi mổ. Nếu bác sĩ can thiệp đến vùng gần tủy nguy hiểm, máy sẽ báo động cho bác sĩ phát hiện được những thay đổi thần kinh, để tránh ra và không bóc tách nữa. Đặc biệt, máy còn giúp bác sĩ phân tích được mức độ tổn thương của dây thần kinh khi đã can thiệp vào, giúp phẫu thuật viên hoàn thành ca mổ mà không làm tổn thương thêm cấu trúc thần kinh.

 

 

Với việc áp dụng máy đo tủy, thời gian phẫu thuật sẽ rút ngắn. Trước đây, sau khi mổ, bác sĩ phải chờ khoảng 30 phút để bệnh nhân tỉnh dậy, rồi mới kích thích cho người bệnh xem có phản xạ hay không. Còn nay, bác sĩ hoàn toàn yên tâm để tiến hành phẫu thuật vì có sự hỗ trợ đảm bảo tuyệt đối của máy.

 

 

thumb_660_94f92343-63d8-4465-ab4b-7f481c0ccaa3

Ca phẫu thuật thực hiện với sự hỗ trợ của máy theo dõi tủy

 

Máy theo dõi tủy là cách sử dụng các sóng điện sinh lý như điện não, điện cơ, sóng gợi để theo dõi và bảo tồn chức năng của cấu trúc thần kinh trong phẫu thuật, nhằm giảm nguy cơ tổn thương hệ thần kinh Trung ương và giúp các bác sĩ bảo tồn tối đa cuộc sống của hệ thần kinh.

 

 

Tất nhiên, sử dụng máy đòi hỏi phải có trình độ để sử dụng nhuần nhuyễn và phát hiện các bước sóng. Trước khi ứng dụng, các chuyên gia người Đức đã đến Bệnh viện Việt Đức hướng dẫn cho các bác sĩ một tuần.

 

 

Điều đặc biệt là, chiếc máy đo tủy hiện đại này có giá hơn 2 tỷ đồng, do chính PGS.TS. Nguyễn Văn Thạch trực tiếp kêu gọi hỗ trợ từ bạn bè ông, để phục vụ cho người bệnh. Ở nước ngoài, khi sử dụng máy đo tủy trong phẫu thuật, bệnh nhân sẽ phải chi phó 500-1.000 USD, nhưng ở Bệnh viện Việt Đức, do chiếc máy được đầu tư từ nguồn hỗ trợ, nên bệnh nhân hiện đang được miễn phí.

 

 

Sau này nếu có thu phí cũng sẽ chỉ thu ở mức để bảo dưỡng máy. Với sự hỗ trợ của máy đo tủy, các ca phẫu thuật đầu tiên đã kết thúc an toàn và chỉ sau vài ngày là bệnh nhân có thể ra viện.

 

 

Việc Bệnh viện Việt Đức trang bị được một máy đo tủy hiện đại nhất, lần đầu tiên có ở Việt Nam rất có ý nghĩa trong việc đảm bảo an toàn trong phẫu thuật cột sống, phẫu thuật sọ não, mạch máu, tủy cổ cao …

 

thumb_660_73ed4a99-d289-4f17-9ac8-566434d3a785

Chuyên gia người Đức thông báo kết quả của máy đo tủy theo dõi trong ca phẫu thuật

 

Bởi theo TS. Đinh Ngọc Sơn, hiện nay, số người bị các bệnh liên quan đến cột sống, tủy rất nhiều, số trẻ bị cong vẹo cột sống cũng ngày càng gia tăng, với tỉ lệ mắc bệnh ở trẻ em nông thôn cao hơn nhiều so với thành phố. Bệnh về cột sống ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe như làm giảm chức năng hô hấp, tim mạch, sa ruột, sa dạ dày, chân vòng kiềng, bẹp lồng ngực, méo xương chậu, gây lệch trọng tâm cơ thể, căng thẳng thị giác, kém tập trung.

 

 

Ở các em gái, bệnh còn gây khó khăn cho việc sinh nở sau này. Với sự hỗ trợ của máy, sẽ tránh được tối đã các tai biến trong phẫu thuật, để các bệnh nhân và gia đình có thể yên tâm đưa con em đi điều trị.

 

Theo PV Thanh Hằng/ Báo Công an nhân dân

Ban chấp hành Hội Ngoại khoa Việt Nam; Hội phẫu thuật Nội soi – Nội soi Việt Nam và Trung tâm phát triển y học từ xa Châu Á (TEMDEC) đã quyết định tổ chức Đại hội Hội Ngoại khoa Việt Nam lần thứ XIII, Hội nghị khoa học Ngoại khoa và Phẫu thuật nội soi – Nội soi toàn quốc năm 2016 cùng với Hội nghị Y học từ xa Châu Á lần thứ X (ATS 2016) vào ngày 01-03/12/2016 tại thủ đô Hà Nội, thành phố vì hòa bình.

 

13508877_1630586977190866_6707202594005944637_n

Tagged in: Tags: