Kiểm soát và dự phòng các yếu tố nguy cơ gây bệnh tắc động mạch chi dưới
08/04/2024 07:58
Bệnh động mạch chi dưới mạn tính là tình trạng động mạch chủ và các động mạch ở chi dưới bị hẹp hoặc tắc, gây cản trở lưu thông máu từ tim đến các cơ quan bộ phận chi dưới như cơ, và bộ phận liên quan khác như dây thần kinh, da… ở phía hạ lưu. Điều này dẫn đến sự chuyển hóa yếm khí và tăng sản sinh acid lactic, gây đau nhức khi gắng sức.
Nguyên nhân chủ yếu là do sự tích tụ các mảng mỡ, canxi trong động mạch, còn được gọi là xơ vữa động mạch. Để phòng tránh và điều trị bệnh hiệu quả, cần kiểm soát đầy đủ các yếu tố nguy cơ.
1. Các yếu tố nguy cơ
– Các yếu tố nguy cơ có thể thay đối được:
+ Hút thuốc lá, thuốc lào: Cả hút thuốc chủ động và bị động đều là nguy cơ chính của bệnh động mạch chi dưới. Những người hút thuốc lá có nguy cơ bị bệnh chi dưới sớm hơn và xơ vữa nặng hơn so với người không hút thuốc.
+ Thừa cân, béo phì: Xã hội hiện đại ngày càng nhiều người thừa cân, béo phì. Những người béo phì tăng nguy cơ lắng đọng mỡ dư thừa vào thành mạch (bệnh xơ vữa mạch máu), làm tăng tỉ lệ mắc bệnh động mạch chi dưới.
+ Rối loạn Lipid máu: Đặc biệt là sự tăng cao của LDL-Cholesterol làm tăng nguy cơ xơ vữa mạch (do tăng lắng đọng chất béo ở thành động mạch).
+ Đái tháo đường: Người bệnh mắc đái tháo đường thường có lớp nội mạc mạch cũng dễ bị tổn thương làm tăng nguy cơ lắng đọng mỡ dư thừa vào thành mạch, thành mạch dễ bị xơ hóa, gây tổn thương mạch máu từ các vi mạch nhỏ đến các mạch máu lớn. Ở người đái tháo đường, bệnh động mạch chi dưới thường nặng hơn, tổn thương nhiều vị trí, và khả năng điều trị can thiệp thấp hơn nhóm bệnh nhân khác, đặc biệt dẽ dẫn đến thiếu máu trầm trọng chi phải cắt cụt, dẫn đến tàn phế.
+ Tăng huyết áp: Huyết áp cao làm áp lực lên thành động mạch tăng lên có thể gây tổn thương thành mạch máu áp lực cao đi xéo.
+ Lối sống ít vận động: Ít vận động dẫn đến thừa cân, béo phì, tăng huyết áp, tiểu đường. Bản thân việc ít vận động cũng làm cho các tuần hoàn ngoại biên nhỏ, mao mạch kém lưu thông, gây tăng sức cản hệ thống mạch lớn hơn, dần dần dẫn đến xơ vữa mạch.
– Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi được:
+ Tuổi: tuổi càng cao, nguy cơ xơ vữa mạch máu càng nhiều, người già từ 60 tuổi trở nên có tỉ lệ mắc bệnh động mạch chi dưới cao hơn.
+ Tiền sử gia đình bị bệnh lý mạch máu ngoại biên hay bệnh tim mạch, hay đột quỵ: Những người này có nguy cơ xơ vữa mạch cao hơn.
+ Giới: nam giới thường có nguy cơ xơ vữa mạch máu cao hơn nữ giới.
2. Cách kiểm soát và dự phòng:
Với nguyên tắc phòng bệnh hơn chữa bệnh và nếu đã có bệnh cần được theo dõi, kiểm soát, điều trị kịp thời.
– Đối với nguy cơ có thể thay đổi được:
+ Bỏ ngay việc hút thuốc lá nếu bạn đang hút, hoặc tránh khói thuốc thụ động.
+ Ăn những thức ăn có lợi cho tim mạch: Ăn nhiều rau xanh, bổ sung vitamin, giảm đồ béo, đồ ngọt, thức ăn nhanh.
+ Tăng cường hoạt động thể lực, duy trì hoạt động thể lực đều đặn, đạp xe, đi bộ, chạy bộ là những bài tập tốt dự phòng bệnh động mạch chi dưới. Tránh ngồi quá lâu 1 tư thế, tránh vắt chéo chân. Điều trị tích cực các bệnh lý tăng huyết áp, rối loạn Lipid máu, kiểm soát tốt đường máu trong cơ thể.
– Đối với nguy cơ có thể thay đổi được:
Bạn không thể kiểm soát được các yếu tố này như tuổi, giới hay bạn có tiền sử gia đình bị bệnh lý tim mạch. Nhưng nếu bạn có những yếu tố nguy cơ này, bạn có thể dự phòng bằng cách thăm khám sớm hơn, kiểm tra định kỳ, đặc biệt là có thể kiểm tra xơ vữa động mạch bằng các biện pháp đơn giản như đo chỉ số ABI (chỉ số áp lực cổ chân, cánh tay), siêu âm Doppler mạch máu.
Trung tâm Tim mạch – Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là địa chỉ thăm khám, phòng ngừa và điều trị các bệnh lý về Tim mạch và Lồng ngực uy tín hàng đầu. Để tìm hiểu thêm về thông tin bệnh lý và nhu cầu chăm sóc sức khỏe vui lòng liên hệ:
BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ VIỆT ĐỨC |
Tagged in: Tags: vietduc , benhvienhuunghivietduc , timmach , longnguc , benhvienvietduc ,
-
Ung thư phổi di căn não nguy hiểm như thế nào?
16/09/2024 05:48
-
Kiểm soát đau: Các phương pháp giảm đau cho người bệnh
09/09/2024 05:38