Hướng dẫn dinh dưỡng trong hội chứng ruột ngắn

20/12/2021 07:47

Ruột bao gồm ruột non và ruột già (còn gọi là đại tràng). Ruột là bộ phận quan trọng của ống tiêu hoá, giữ vai trò tiêu hoá thức ăn thành chất dinh dưỡng và giúp hấp thụ chất dinh dưỡng từ ruột vào máu.

 

Khi một phần ruột bị cắt bỏ, phần còn lại có thể thích nghi dần để đảm bảo chức năng của ống tiêu hóa. Các phần ruột còn lại sẽ có khuynh hướng thay đổi cấu trúc để có thể hấp thu được các chất dinh dưỡng mà trước đây được hấp thu bởi phần ruột đã bị cắt bỏ. Tuy nhiên, cần một ít thời gian cho quá trình thích nghi của ruột. Giai đoạn ngay sau khi phẫu thuật, bệnh nhân có thể không hấp thụ chất dinh dưỡng, chất lỏng, vitamin và chất khoáng so với lúc trước mổ.

Nuôi dưỡng bệnh nhân hội chứng ruột ngắn sau phẫu thuật là một chế độ điều trị quan trọng nhất nhằm mục đích cứu sống người bệnh và đưa người bệnh trở về cuộc sống gần nhất với bình thường. Đây là một trong những thách thức với không chỉ các nhà ngoại khoa và các nhà dinh dưỡng học vì tính chất phức tạp và kéo dài của nó.

 

1. Chế độ ăn trong hội chứng ruột ngắn

Kế hoạch nuôi dưỡng phụ thuộc vào độ dài đoạn ruột và tình trạng thích nghi của nó với lượng thức ăn đưa vào. Một số bệnh nhân sau cắt đoạn ruột sẽ không còn khả năng hấp thu qua đường miệng mà cần nuôi dưỡng kết hợp giữa nhiều phương pháp khác nhau, dưới đây hướng dẫn cho các bệnh nhân với tình trạng bệnh ổn định có thể ăn uống được qua đường miệng mà không cần hỗ trợ dinh dưỡng qua đường nào khác.

 

1.1. Chia nhỏ các bữa ăn thành 6-8 bữa trong ngày

Nên ăn khoảng 6 tới 8 bữa ăn nhỏ trong ngày. Ăn các bữa ăn nhỏ cách đều nhau sẽ giảm áp lực lên phần ruột còn lại và không làm căng vết nối ruột. Các bữa ăn với ít thức ăn cũng dễ tiêu hóa và hấp thu nhanh vào máu hơn nên làm giảm các triệu chứng ứ đọng thức ăn trong lòng ruột. Nên ăn chậm và nhai kỹ. Khi đường ruột đã thích ứng, tức là khi các triệu chứng giảm đi, có thể từ từ quay trở về chế độ ăn 3 bữa trong ngày.

 

1.2. Uống ít nước trong bữa ăn

Ăn hoặc uống nhiều chất lỏng cùng với bữa ăn đẩy thức ăn đi qua ruột nhanh hơn. Không nên uống thêm nước trong bữa ăn, vì bạn còn ăn nước canh hoặc nước của các món nước như phở, bún, miến… Tổng lượng nước cho mỗi bữa ăn ngoài thức ăn khô không nên vượt quá 120 ml (khoảng ½ chén ăn cơm). Nếu có uống canh hay súp trong bữa ăn nên chia đều lượng chất lỏng này ra từng phần trong thời gian ăn, không nên uống dồn toàn bộ nước một lần.

 

1.3. Ăn đủ dinh dưỡng theo nhu cầu hằng ngày

Lượng đạm trung bình 1-1,2 g/kg cân nặng /ngày. Ví dụ bệnh nhân 50 kg cần 50-60 g đạm/ngày. Khoảng 25g-30g (50%) đã được cung cấp từ các loại ngũ cốc (gạo, bánh mì…); như vậy cần cung cấp thêm 25g-30g từ nguồn thực phẩm giàu đạm. Mỗi 100g thực phẩm giàu đạm sẽ cung cấp 17-20% đạm. Như vậy, người nặng 50 kg cần ăn khoảng 150g-200g thịt hay cá nạc mỗi ngày.

 

Lượng chất bột đường trung bình chiếm khoảng 50% năng lượng khẩu phần, tức là một bệnh nhân hội chứng ruột ngắn nặng khoảng 50kg sẽ cần khoảng 750 kcal từ chất bột đường, tương đương khoảng 3 chén tinh bột mỗi ngày, hay ½ chén tinh bột mỗi bữa ăn.

 

Nếu bạn bị cắt mất đoạn dài hồi tràng (đoạn cuối của ruột non) thì bữa sáng bạn nên ăn chất béo nhiều hơn và giảm dần chất béo ở các bữa trưa, chiều tối. Ví dụ trét ít bơ lên trên bánh mì nướng hoặc thêm chút sốt mayonnaise và món sà lách thì có thể chấp nhận được, nhưng không nên ăn thức ăn rán ngập dầu.

1.4. Cung cấp đủ nhu cầu nước hằng ngày

Tổng lượng nước bạn cần trong ngày được ước tính = 40 ml x cân nặng. Ví dụ một người nặng 50 kg sẽ cần 2000ml nước/ngày (tương đương khoảng 8 ly nước loại 250 ml mỗi ngày). Lưu ý là tổng lượng nước này được cung cấp qua tất cả các dạng thức uống và thức ăn lỏng (như canh, cháo), nên bạn cần trừ hết các phần nước từ thức ăn mới ra lượng nước lọc phải uống hàng ngày.

1.5. Lựa chọn loại rau phù hợp

Sau khi phẫu thuật, bạn sẽ gặp khó khăn khi tiêu hóa các loại rau chưa nấu chín. Vì vậy, chỉ nên ăn rau đã nấu chín mềm. Đầu tiên chỉ nên ăn khoảng ½ chén sau đó tăng dần, nhai thật kỹ. Nếu triệu chứng tiêu hóa không nặng lên, bạn có thể tăng từ từ lượng rau nấu chín. Khi đường ruột đã ổn định tốt với rau nấu, bạn có thể thử một chút rau sống.

 

 

II. Thực đơn mẫu

Bữa sáng: 7 giờ

  • 150g bánh phở
  • 50 g thịt bò hay thịt gà nạc
  • Nước hầm xương
  • Gia vị, rau thơm

Bữa phụ 1: 9 giờ 30

  • 3 cái bánh quy và sữa; hoặc
  • 100 g trái cây hoặc 100ml sinh tố 

Bữa trưa: 11 giờ

  • 1 bát lưng cơm
  • 60 g cá thu kho
  • 1 chén canh rau dền nấu tôm
  • 1 quả quýt

Bữa phụ 2: 15 giờ

  • 150 ml sữa chua hoặc 1 cái bán flan

Bữa tối: 18 giờ

  • 1 chén cơm
  • 30 g thịt heo nạc
  • 1 cái trứng gà nhỏ 60 g
  • 1 chén canh bí đỏ nấu với tôm tươi
  • 1 miếng thanh long

Tài liệu tham khảo

  1. Bộ Y tế – Viện Dinh dưỡng (2003), Dinh dưỡng lâm sàng, NXB Y học Hà Nội
  2. Bộ môn Dinh dưỡng và An toàn Thực phẩm. Trường Đại học Y Hà Nội (2004), Dinh dưỡng lâm sàng và tiết chế, Nhà xuất bản Y học.
  3. Https://www.mskcc.org/cancer-care/patient-education/nutrition guidelines-patients-short-bowel-syndrome

 

Ths.BS Đỗ Tất Thành – Trưởng khoa Dinh dưỡng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

 

 

Tagged in: Tags:

Tư vấn trực tuyến

Tư vấn trực tuyến tuyển sinh 2024: Chủ đề “Hiểu đúng ngành – Chọn đúng nghề”

Nghề y là một nghề đặc biệt, nhân lực ngành y tế phải đáp ứng yêu cầu cả về chuyên môn và y đức, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tăng cường công…

Xem tiếp

Kết nối Facebook