Hướng dẫn chăm sóc người bệnh sau phẫu thuật động kinh (Phần 1)

19/05/2023 07:12

1. Bệnh động kinh là gì?

 

Là bệnh thần kinh mạn tính đặc trưng bằng sự xuất hiện của ít nhất hai cơn động kinh cách nhau trên 24 giờ, không liên quan đến bất cứ một tổn thương cấp tính hay rối loạn chuyển hoá hoặc hội chứng cai (rượu, ma tuý).

 

2. Triệu chứng động kinh là gì?

 

Biểu hiện bằng cơn động kinh, cơn động kinh (seizures) là hoạt động kịch phát, đồng bộ, bất thường và quá mức của một vùng tế bào thần kinh vỏ não gây ra và biểu hiện trên lâm sàng bằng các dấu hiệu vận động, cảm giác, giác quan hoặc tâm thần.

 

3. Những biện pháp điều trị nào cho bệnh lý động kinh

– Thuốc chống động kinh là biện pháp điều trị đầu tiên và là điều trị nền tảng

– Phẫu thuật nhằm cắt cơn động kinh hoặc giảm số cơn động kinh

– Đặt điện cực kích thích dây X

– Các biện pháp hỗ trợ khác như: thay đổi chế độ ăn, tâm lý liệu pháp

 

4. Các lựa chọn phẫu thuật điều trị động kinh

Phẫu thuật nhằm hết cơn động kinh:

– Cắt thùy thái dương kinh điển

– Cắt chọn lọc hạnh nhân – hồi hải mã

– Cắt vùng vỏ não gây động kinh

– Cắt nhiều thùy não

– Cắt nửa bán cầu

– Cắt theo tổn thương gây động kinh

ThS.BS Trần Đình Văn khám cho người bệnh động kinh.

Phẫu thuật nhằm giảm cơn động kinh:

Cắt thể chai

Làm mất kết nối lớp bề mặt chất xám của vùng gây động kinh với vùng xung quanh (đối với vùng gây động kinh là vùng chức năng)

Kích thích thần kinh: kích thích dây X, đặt điện cực kích thích não sâu, kích thích vỏ não

Mục tiêu của phẫu thuật động kinh:

Hết cơn động kinh và chất lượng cuộc sống trở về bình thường

Với trẻ em: Bình thường hóa phát triển hệ thần kinh

Tiêu chuẩn của phẫu thuật động kinh: gồm 2 tiêu chuẩn đồng thời

Cắt bỏ hoàn toàn hoặc làm mất kết nối vùng sinh động kinh

Không có suy giảm chức năng thần kinh xuất hiện mới sau mổ

Quy trình đến với phẫu thuật của bệnh nhân động kinh

– Khai thác tiền sử, bệnh sử, thăm khám lâm sàng, đánh giá tâm thần – nhận thức. Điện não đồ, Chụp cộng hưởng từ sọ não

– Pha 1: Các đánh giá không xâm lấn nhằm tìm vùng sinh động kinh trong não

Điện não đồ bề mặt da trong và ngoài cơn động kinh

Đặc điểm cơn động kinh trên lâm sàng

Có thể sử dụng hình ảnh đặc biệt: PET, SPECT, SISCOM, MRI chức năng, test Wada

– Hội đồng khoa học đánh giá bao gồm: bác sĩ nội thần kinh chuyên sâu về động kinh, nhà khoa học về điện não, bác sĩ tâm lý thần kinh, điều dưỡng chuyên sâu về động kinh, bác sĩ chẩn đoán hình ảnh thần kinh, bác sĩ gây mê hồi sức về thần kinh và bác sĩ phẫu thuật chuyên về động kinh. Từ đây sẽ đưa ra một trong 3 quyết định, bao gồm:

– Không phẫu thuật

– Phẫu thuật

– Pha 2: các đánh giá xâm lấn

Điện não đồ có điện cực đặt trong não

Lập bản đồ vỏ não trong mổ

Hiệu quả của phẫu thuật động kinh phụ thuộc vào nguyên nhân tổn thương gây động kinh của bệnh nhân.

Theo nhiều nghiên cứu lớn của Viện động kinh châu Á:

– Đối với tổn thương gây động kinh như: loạn sản vỏ não, u não, cavernome (u mạch thể hang). Tỉ lệ thành công (hết cơn động kinh) sau phẫu thuật là trên 70%

– Đối với các bệnh lý thùy thái dương như: xơ hóa thùy thái dương, hồi hải mã – mỏm móc. Tỉ lệ thành công sau phẫu thuật là 60%-70%.

– Đối với tổn thương đa ổ vỏ não, nhiều tổn thương phối hợp trong não, di chứng sau viêm não – màng não…, không phát hiện tổn thương thực thể gây động kinh. Tỉ lệ thành công sau phẫu thuật là 30%-50%. Những trường hợp này trước mổ cần theo dõi điện não với điện cực xâm lấn.

Nhìn chung, theo kinh nghiệm của các bác sĩ cũng như theo nhiều tác giả nước ngoài, tỉ lệ cơ hội hết cơn động kinh có tổn thương thực thể (loạn sản, u, cavernome, xơ hóa thùy thái dương…) là cao hơn so với động kinh không có tổn thương thực thể. Vì vậy, phẫu thuật với động kinh không có tổn thương thực thể nhằm giảm mức độ nặng, tần suất của cơn động kinh, do đó bệnh nhân sẽ giảm liều dùng thuốc kháng động kinh, cũng như giảm tác dụng không mong muốn của thuốc kháng động kinh.

 

ThS.BS Trần Đình Văn – Khoa Phẫu thuật Thần kinh 1,

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Tagged in: Tags: