Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực y tế ngày càng sâu, rộng
28/07/2016 10:33
NDĐT – Đó là đánh giá của các chuyên gia tại hội thảo “Hội nhập quốc tế: cơ hội và thách thức trong lĩnh vực y tế”, được Bộ Y tế tổ chức ngày 30-11 tại Hà Nội.
Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan trao đổi về một số kinh nghiệm trong việc tham gia diễn đàn đa phương; đàm phán hội nhập quốc tế.
Hội nhập quốc tế được xác định là một trong các mũi nhọn nhằm thu hút thêm các nguồn lực phục vụ cho sự phát triển ngành y tế và nâng cao sức khỏe người dân.
GS Lê Quang Cường, Thứ trưởng Y tế cho biết, từ mốc năm 1978, đánh dấu bước hội nhập quốc tế đầu tiên trong lĩnh vực y tế thông qua việc trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cơ quan chuyên môn hàng đầu về y tế của LHQ, Việt Nam đã từng bước tham gia và đóng góp tích cực vào nhiều cơ chế song phương, đa phương và nhiều tổ chức, diễn đàn quốc tế trong lĩnh vực y tế.
Đến nay, Việt Nam đã ký nhiều hiệp định và thỏa thuận hợp tác quốc tế về y tế với Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Nga, các nước hạ nguồn sông Mê Công…
Đáng chú ý, Việt Nam tích cực tham gia xây dựng các chiến lược, chính sách, chương trình và các sáng kiến quốc tế, như các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ; các Mục tiêu phát triển bền vững liên quan đến y tế; Chương trình an ninh y tế toàn cầu…
Việt Nam hiện là Chủ tịch Hội nghị Bộ trưởng Y tế ASEAN nhiệm kỳ 2014- 2016; vừa được bầu làm thành viên Ban chấp hành toàn cầu của WHO nhiệm kỳ 2016- 2019.
Nhờ tích cực trong hội nhập quốc tế, Việt Nam đã thu hút được nhiều nguồn lực cả về tài chính và kỹ thuật hỗ trợ cho sự phát triển y tế trong nước, đưa y tế Việt Nam tiến gần hơn khu vực và thế giới. Hiện nay tổng các chương trình, dự án viện trợ nước ngoài cho y tế đạt hơn 26.425 tỷ đồng (tương đương khoảng 1,44 tỷ USD), trong đó nguồn vốn ODA chiến hơn 24.562 tỷ đồng.
Việt Nam được đánh giá là một trong những điểm sáng thực hiện hiệu quả các Mục tiêu phát triển thiên niên kỷ liên quan đến y tế; được WHO công nhận đạt chuẩn quốc tế về hệ thống quốc gia quản lý vắc- xin (NRA); đạt các năng lực cốt lõi của Điều lệ y tế quốc tế. Nhiều kỹ thuật y khoa đạt trình độ nganh tầm khu vực và thế giới. Việt Nam sản xuất được 10/11 loại vắc-xin phục vụ chương trình Tiêm chủng mở rộng quốc gia. Các chính sách y tế dành cho người nghèo, cận nghèo được quốc tế đánh giá cao và mạng lưới y tế xã, thôn, bản là mô hình được nhiều nước học tập…