Hẹp van động mạch chủ và những kiến thức cần biết

10/05/2024 06:56

Van động mạch chủ là van tim nằm giữa tâm thất trái và động mạch chủ, có nhiệm vụ mở ra để tâm thất trái co bóp đẩy máu vào động mạch chủ trong thì tâm thu và đóng lại để ngăn dòng máu từ động mạch chủ trở ngược về thất trái trong thì tâm trương. Hẹp hở van động mạch chủ là tổn thương van tim thường gặp, các triệu chứng thường biểu hiện rõ khi tâm thất trái đã suy yếu. Siêu âm tim đóng vai trò quan trọng trong việc phát hiện sớm tổn thương van động mạch chủ, theo dõi tiến triển bệnh và chỉ định điều trị. Điều trị nội khoa thường không có tác dụng, bệnh nhân cần được thay van động mạch chủ bằng phẫu thuật hay can thiệp qua da.

 

1. Hẹp van động mạch chủ

 

Hẹp động mạch chủ là bệnh lý van tim thường gặp, đặc biệt ở người cao tuổi, gây tắc nghẽn đường ra thất trái. Các nguyên nhân bao gồm bệnh bẩm sinh (hai lá/một lá), vôi hóa và bệnh thấp khớp.

 

Triệu chứng và cách phát hiện

Các triệu chứng như khó thở khi gắng sức hoặc mệt mỏi xuất hiện sau một thời gian dài tiềm ẩn không có triệu chứng khoảng 10 đến 20 năm. Bệnh nhân tiếp tục bị đau ngực, khó thở và ngất là dấu hiệu cho thấy van động mạch chủ đã bị hẹp nặng.

Nghe tim thấy tiếng thổi tâm thu tống máu ở phía trên bên phải xương ức, lan lên cổ, đạt cường độ cao nhất vào đến giữa tâm thu. Mức độ hẹp van động mạch chủ càng nặng, tiếng thổi càng dài hơn, mạnh hơn và đạt cực đại chậm hơn. Tuy nhiên, cường độ tiếng thổi này còn phụ thuộc vào chức năng của thất trái.

Nhiều bệnh nhân được tình cờ phát hiện hẹp van động mạch chủ khi chụp Xquang ngực hoặc ghi điện tim. Siêu âm Doppler tim qua thành ngực là phương pháp thăm dò không xâm lấn, giúp bác sĩ đánh giá được mức độ vôi hóa và biên độ đóng mở của van động mạch chủ, đánh giá vận tốc và chênh áp qua van động mạch chủ, giúp đưa ra thông tin chi tiết để điều trị.

 

 

Hình ảnh hẹp van động mạch chủ trên siêu âm tim

 

Điều trị và tiên lượng

 

Tiến triển của bệnh thay đổi theo từng cá thể, khi đã xuất hiện triệu chứng thì tiên lượng xấu đi đáng kể nếu không can thiệp phẫu thuật. Hiện tại, chưa có phương pháp điều trị nội khoa nào được chứng minh có thể ngăn ngừa quá trình tiến tiển của bệnh hay cải thiện tiên lượng bệnh.

 

Điều trị phẫu thuật:

 

– Phẫu thuật là phương pháp điều trị hiệu quả với các bệnh nhân hẹp van động mạch chủ nặng có triệu chứng, tỉ lệ tử vong thấp ở các trung tâm có kinh nghiệm.

 

– Van sinh học nên được lựa chọn cho những bệnh nhân lớn tuổi và cũng có thể được sử dụng ở những bệnh nhân trẻ tuổi nếu muốn tránh nguy cơ huyết khối hoặc xuất huyết.

 

– Đối với van cơ học, bệnh nhân phải uống chống đông kháng Vitamin K suốt đời.

 

Thay van động mạch chủ qua đường ống thông (TAVI)

 

– Thay van động mạch chủ qua da là thủ thuật xâm lấn tối thiểu, như một phương pháp thay thế cho phẫu thuật ở nhóm đối tượng có nguy cơ phẫu thuật cao.

 

– Thủ thuật được tiến hành qua đường động mạch đùi, hoặc động mạch dưới đòn, van động mạch chủ nhân tạo sẽ được đặt trong lòng van tự nhiên của bệnh nhân sau khi được nong bằng bóng.

 

– Hiện tại, kĩ thuật này đã được triển khai tại một số trung tâm Tim mạch lớn trong cả nước, tuy nhiên chi phí còn cao.

 

2. Hở van động mạch chủ

 

Hở van động mạch chủ có 02 nhóm nguyên nhân chính: (1) tại van động mạch chủ hay gặp nhất là thấp tim, viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn, thoái hóa và vôi hóa, van động mạch chủ hai lá van…(2) tại gốc động mạch chủ hay gặp là lóc tách thành động mạch chủ, hội chứng Marfan…

 

Triệu chứng và cách phát hiện

 

Khi bị hở, máu trào ngược từ động mạch chủ vào thất trái trong thì tâm trương, gây nên tăng thể tích nhát bóp, lâu ngày gây nên cơ tim giãn lớn, suy chức năng tâm thu thất trái và hậu quả cuối cùng là suy tim có biểu hiện lâm sàng

 

Trong hở van động mạch chủ cấp, thất trái không kịp đàn hồi, áp lực cuối tâm trương thất trái tăng dẫn đến phù phổi, tụt huyết áp và sốc tim. Trong hở van động mạch chủ mạn, ban đầu cũng không có triệu chứng như hẹp van động mạch chủ, người bệnh cảm thấy đau tức ngực do thiếu lưu lượng máu trong động mạch vành.

 

Nghe tim phát hiện được tiếng thổi tâm trương ở ổ van động mạch  chủ, nghe rõ nhất khi bệnh nhân tư thế ngồi và ngả ra trước trong thì thở ra. Đôi khi, có thể nghe thấy cả tiếng thổi tâm thu tống máu khi có hẹp van động mạch chủ phối hợp. Dấu hiệu mạch nẩy mạnh chìm sâu (Corrigan) là dấu hiệu điển hình của bệnh.

 

Siêu âm Doppler tim có vai trò quan trọng trong việc chẩn đoán, theo dõi tiến triển và đưa ra quyết định điều trị: cơ chế hở – mức độ nặng và hậu quả lên thất trái.

Hình ảnh hở van động mạch chủ trên siêu âm

 

Điều trị và tiên lượng

 

Hở van động mạch chủ mạn tính có thể dung nạp trong nhiều năm, tiên lượng xấu đi khi các triệu chứng xuất hiện.

 

Điều trị nội khoa

 

– Hở van động mạch chủ nhẹ hoặc vừa không có triệu chứng, với thất trái bình thường: theo dõi định kì bằng siêu âm tim.

 

– Hở van động mạch chủ nặng không triệu chứng với thất trái bình thường: theo dõi định kì mỗi 6 tháng hoặc sớm hơn nếu xuất hiện triệu chứng.

 

Phẫu thuật thay van động mạch chủ được đặt ra khi có hở chủ nặng có triệu chứng, hoặc hở van động mạch chủ nặng không triệu chứng và EF ≤ 50, giãn thất trái nặng (đường kính thất trái cuối tâm trương > 65mm hoặc cuối tâm thu thất trái > 50mm) hoặc phẫu thuật đồng thời khi có chỉ định bắc cầu chủ vành, thay van tim khác hoặc gốc động mạch chủ.

 

ThS.BS Trần Hữu Nghị – Khoa Nội, Can thiệp Tim mạch – Hô hấp, Trung tâm Tim mạch và Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

 

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là địa chỉ thăm khám, phòng ngừa và điều trị các bệnh lý về Tim mạch và Lồng ngực uy tín hàng đầu. Để tìm hiểu thêm về thông tin bệnh lý và nhu cầu chăm sóc sức khỏe vui lòng liên hệ:

 

   BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ VIỆT ĐỨC
   – Địa chỉ: 40 Tràng Thi – Hoàn Kiếm – Hà Nội
   – Tổng đài đặt lịch khám: 19001902
   – Fanpage: Facebook.com/bvvietduc
   – Website: Benhvienvietduc.org

Tagged in: Tags: