Giãn não thất áp lực bình thường và những điều cần biết

08/01/2024 07:16

Giãn não thất áp lực bình thường là gì?

 

Giãn não thất áp lực bình thường ( tên tiếng Anh: Normal pressure hydrocephalus- NPH) là tình trạng bệnh lý mà kích thước não thất tăng lên nhưng áp lực vẫn nằm trong giới hạn (<20 mmHg).

 

Não thất là một cấu trúc giải phẫu trong não, là nơi sản xuất và chứa dịch não tủy. Dịch não tủy có vai trò bảo vệ não và tủy sống chống lại các sang chấn cơ học, đồng thời cũng tham gia vào nhiệm vụ dinh dưỡng, chuyển hóa của hệ thần kinh trung ương. Dịch não tủy lưu thông trong hệ thống não thất và khoang dưới nhện, rồi được hấp thu trở lại tĩnh mạch bởi các hạt Pacchioni.

 

Phân loại:

 

NPH được chia thành 2 nhóm:

 

– Nguyên phát (không có nguyên nhân rõ ràng): thường gặp, đặc biệt ở người cao tuổi.

 

– Thứ phát: xuất hiện sau các nguyên nhân gây ra tình trạng viêm màng não, chảy máu dưới nhện.

 

Dựa trên các nghiên cứu, tỉ lệ NPH nguyên phát trong dân số nói chung là 3.7%, và ở nhóm người trên 80 tuổi là 8.9%, điều đó chỉ ra rằng tỉ lệ bệnh tăng dần theo tuổi thọ và không có sự khác nhau về giới.

 

Triệu chứng của giãn não thất áp lực bình thường:

 

– 03 triệu chứng điển hình của bệnh nhân NPH là:

 

+ Rối loạn dáng đi (bước đi nhỏ, dính vào nhau, đi không vững, chậm, rõ ràng nhất khi người bệnh thay đổi hướng).

 

+ Rối loạn tiểu tiện (rỉ tiểu, tiểu không tự chủ).

 

+ Rối loạn nhận thức (giảm chú ý, khả năng ghi nhớ, giảm chức năng tâm thần vận động, suy giảm ngôn ngữ, thay đổi về hành vi và tâm lý).

 

Trong đó, rối loạn dáng đi là triệu chứng thường gặp nhất và xuất hiện sớm nhất. Theo các báo cáo có đến 60% bệnh nhân có đầy đủ cả 3 triệu chứng trên.

 

– Một số triệu chứng khác: tăng phản xạ gân xương, giảm phối hợp động tác, run tay, loạn trương lực cơ, giai đoạn muộn bệnh nhân có thể câm, liệt tứ chi.

 

– Vì NPH nguyên phát thường gặp ở người cao tuổi (theo một số nghiên cứu tuổi khởi phát triệu chứng thường xung quanh 75 tuổi) nên khi bệnh nhân đến khám với các triệu chứng trên thường dễ chẩn đoán nhầm với bệnh Parkinson, Alzheimer,..

 

– Chẩn đoán bệnh thường dựa vào triệu chứng lâm sàng và phim chụp cộng hưởng từ sọ não (MRI) với hình ảnh não thất giãn rộng và có thể kèm theo một số dấu hiệu khác trên phim. Ngoài ra bác sĩ có thể sử dụng thủ thuật chọc dịch não tủy thắt lưng để phục vụ chẩn đoán.

 

– Có những trường hợp bệnh nhân tình cờ phát hiện não thất to trên phim MRI mà không có triệu chứng thì cần phải theo dõi và khám định kỳ vì những trường hợp này có thể tiến triển nặng lên với tỉ lệ 6-12%/ năm.

Phương pháp điều trị:

 

Khi bệnh nhân đã được chẩn đoán giãn não thất áp lực bình thường, bệnh nhân sẽ được chỉ định phẫu thuật đặt dẫn lưu não thất ổ bụng. Đây là phương pháp hiệu quả để điều trị bệnh. Bệnh nhân sẽ được đặt 1 dẫn lưu vào trong cơ thể để dẫn lưu dịch não tủy vào trong ổ bụng.

 

Ngoài ra còn có một số phương pháp khác như đặt dẫn lưu não thất tâm nhĩ, não thất màng phổi, thắt lưng ổ bụng. Triệu chứng của bệnh nhân thường được cải thiện sau phẫu thuật. Tuy nhiên mức độ cải thiện phụ thuộc vào độ nặng của bệnh, thời gian bị bệnh, đặc điểm phim MRI sọ trước mổ, các bệnh lý phối hợp. Thường thì rối loạn dáng đi sẽ được cải thiện nhiều nhất. Theo các nghiên cứu tỉ lệ cải thiện triệu chứng sau phẫu thuật trong vòng 3- 6 tháng là 39-81%, trong 1 năm là 63-84%.

 

TS.BS Nguyễn Duy Tuyển – Trưởng khoa Phẫu thuật Thần kinh II, Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Tagged in: Tags: