Giá trị của Ngân hàng mô trong Chấn thương chỉnh hình

27/10/2018 08:43

Chuẩn bị mảnh ghép gân Achille đồng loại thành dây chằng chéo trước và chéo sau khớp gối cho bệnh nhân.

PGS. TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Viện trưởng Viện Chấn thương chỉnh hình, Trưởng khoa Phẫu thuật Chấn thương Chi trên và Y học thể thao, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức cho biết, trong lĩnh vực chấn thương chỉnh hình, việc sử dụng các nguồn gân, xương (tự thân hoặc đồng loại) để ghép là khá phổ biến.

 

Nguồn gân, xương tự thân có nhiều ưu thế do dễ lấy, chi phí thấp, dễ liền, ít nguy cơ lây nhiễm hay thải ghép. Tuy nhiên, nhược điểm là nguồn cung hạn chế, không thể lấy nhiều khi có nhiều tổn thương đồng thời cần sử dụng mảnh ghép, có thể để lại đau tại vị trí lấy, ít nhiều ảnh hưởng đến chức năng của phần gân, xương lấy đi để ghép.

 

Vì thế, trong nhiều năm gần đây trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng đã có nhiều nghiên cứu tập trung vào việc ứng dụng các nguồn gân, xương đồng loại (allograft). Với nhiều ưu thế đã được chứng minh như có thể chủ động được nguồn cung, dễ sử dụng với các kích thước phù hợp, người bệnh không phải chịu thêm các vết mổ tại vùng lấy gân, xương tự thân, thời gian phẫu thuật được rút ngắn…, nguồn gân, xương đồng loại được kỳ vọng mang lại nhiều lợi ích cho người bệnh.

 

Tuy nhiên, để có thể đưa vào ứng dụng các nguồn gân, xương đồng loại rộng rãi trong lâm sàng cần đòi hỏi nguồn cung cấp thông thường sẽ được lấy từ người hiến tặng (từ phần chi thể của người bệnh sau cắt cụt) hoặc của người cho chết não. Các mảnh ghép gân, xương đồng loại phải được bảo quản phù hợp tùy theo từng vật liệu cụ thể như bảo quản đông khô hay lạnh sâu, dạng khối (khối lồi cầu đùi, đầu dưới xương quay…), dạng ống (đoạn xương dài) hay dạng mảnh ghép nhỏ, gân đơn thuần hay có cả xương…

 

Việc ghép xương được thực hiện trong những trường hợp khuyết hổng xương, mất đoạn xương, khớp giả, chậm liền xương…; ghép gân đối với những trường hợp tổn thương mất đoạn gân, tổn thương gân gấp bàn tay đến muộn, đứt dây chằng chéo trước, chéo sau khớp gối, tạo hình các dây chằng vùng khớp…

 

PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh cho biết, Bệnh viện Việt Đức là bệnh viện Ngoại khoa hạng đặc biệt đầu tiên trên cả nước với hàng chục nghìn ca đại phẫu được thực hiện hàng năm, trong đó có lĩnh vực chấn thương chỉnh hình.

 

“Có thể thấy nhu cầu vật liệu gân, xương đồng loại là rất lớn. Với nguồn cung không phải là ít từ những trường hợp người cho chết não, những phần chi thể cắt cụt của người hiến tặng, nếu được thu nhận và qua quá trình xử lý, bảo quản theo đúng tiêu chuẩn quốc tế sẽ mang lại rất nhiều lợi ích cho người bệnh có nhu cầu. Do vậy, có thể thấy Ngân hàng Mô mà Bệnh viện Việt Đức vừa ra mắt là một nhu cầu cấp bách và thực sự cần thiết, góp phần nâng cao chất lượng điều trị, đáp ứng đòi hỏi ứng dụng các kỹ thuật tiên tiến, chuyên sâu tại bệnh viện”, BS Khánh nhấn mạnh.

 

Hiện nay, Bệnh viện Việt Đức đã thực hiện khoảng 50-100 ca/năm ghép xương do khớp giả thân xương dài (xương đùi, xương chày, xương cánh tay…); khoảng 30-50 ca/năm ghép xương do u xương (u đầu dưới xương đùi, đầu dưới xương quay…); khoảng 300-400 ca/năm tái tạo dây chằng khớp gối (chéo trước, chéo sau…).

 

* Việt Nam chính thức có ngân hàng mô

 

Theo PV Trần Nguyên/Báo Nhân dân

Tagged in: Tags: