Ghi ở Khoa Cấp cứu – Kỳ 1: 0h ở nơi giành giật sự sống
20/01/2017 14:50
“Ngay cả khi một tên cướp bị vết thương đâm vào tim, các bác sĩ cũng phải dừng ca mổ ruột thừa sắp tới để tập trung cứu chữa cho bệnh nhân này” – PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng Khoa Khám bệnh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức chia sẻ.
Nghẹn đắng trước những lát cắt cuộc đời
Trực xuyên đêm cùng các bác sĩ khoa cấp cứu tại các bệnh viện tuyến trung ương có lẽ là một trong những trải nghiệm đặc biệt, khó có thể phai mờ trong nghề cầm bút của tôi.
Kim đồng hồ đã về mốc 0h nhưng tại Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức người bệnh vẫn được chuyển vào liên tục. TS.BS Lê Nguyên Vũ, Khoa Phẫu thuật Tiết Niệu, bác sĩ trực chính ngày 30/12 cho biết có 186 bệnh nhân đến khám bệnh trong ngày. Trong số đó, có 114 bệnh nhân bị tai nạn và số ca nhập viện do tai nạn giao thông là 63 người.
Những ngày thường, mỗi tua trực có khoảng 30 bệnh nhân được chỉ định phẫu thuật. Tuy nhiên, trong ngày 30/12, các bác sĩ tiến hành phẫu thuật lên tới 49 ca bệnh. Những ngày giáp Tết Nguyên Đán hoặc đầu năm mới, số lượng bệnh nhân nhập viện có thể tăng hơn 200%, TS.BS Lê Nguyên Vũ cho hay.
Một chiếc cáng cứu thương được đẩy vào sảnh, phía trên là một nam thanh niên tầm 23-25 tuổi đang nằm gần như bất động. Theo sau chiếc cáng có tới 9 người nhà bệnh nhân từ ông bà, bố mẹ, cô cậu đến người thương đều có mặt. Giữa cái lạnh đêm Đông, người ông tóc đã bạc chỉ mặc duy nhất một chiếc áo cọc tay vội vã đến bệnh viện khi hay tin cháu bị tai nạn. Người ông lặng lẽ quay mặt về một hướng khác, lén gạt giọt nước mắt đang rơi khi nhìn đứa cháu hôm qua còn khỏe mạnh mà giờ không biết sống chết thế nào.
Trên chiếc cáng cứu thương ngay cạnh là một người đàn ông trung niên tầm 45-50 tuổi. Do bị tai nạn giao thông nên người bệnh nhân bị trầy xước và chảy máu khắp vùng mặt, chân tay. Trước đó, bệnh nhân có uống rượu nên khi bác sĩ tiến hành kiểm tra sức khỏe ông vùng vằng chân tay, làm rơi cả khay y tế buộc 3-4 người phải cùng giữ. Ở bệnh viện, việc bệnh nhân bị chảy máu nhiều; máu thấm thành từng vệt xuống “nhuộm” màu cáng cứu thương; bệnh nhân có phản ứng không hợp tác với các bác sĩ… là xảy ra thường xuyên.
Cách đó vài bước chân, bệnh nhi tầm 2-3 tuổi thảng thốt òa khóc, ôm chầm lấy cổ mẹ khi vô tình nhìn thấy chiếc cáng có máu. Giữa dòng người liên tục vào ra xen lẫn tiếng kêu đau của bệnh nhân, xe đẩy cáng cứu thương, bước chân vội vã… tiếng khóc của con trẻ dù có bị át đi giữa vô số những âm thanh sắc lạnh nhưng những người làm cha, mẹ vẫn không khỏi xót xa.
Đúng 0h30 phút, bệnh nhân Đ.K.B, 52 tuổi trú tại Thanh Chương, Nghệ An sẽ được các bác sĩ đưa đến phòng mổ. Theo hồ sơ bệnh án, bệnh nhân B. nhập viện trong tình trạng sốt cao 40 độ C, bụng chướng đau. Sau khi tiến hành xét nghiệm, chụp CT bác sĩ phát hiện bệnh nhân có nhiều dịch ở ổ bụng, xơ gan, tiểu cầu thấp, rối loạn điện giải. Kết quả cho thấy bệnh nhân Đ.K.B bị viêm phúc mạc do thủng ổ loét dạ dày hành tá tràng và được chỉ định mổ cấp cứu. Bác sĩ Nguyễn Thu Hà, Khoa Phẫu thuật Gan Mật là người trực tiếp tiến hành phẫu thuật cho bệnh nhân Đ.K.B.
Bên giường cấp cứu, bà T.T.S (52 tuổi, Thanh Chương, Nghệ An) vừa xoa bóp tay cho chồng vừa gạt nước mắt rằng: “Có nghị (biết) ông bị nặng ri mô. Bựa qua tới dừ (giờ) nóng ruột nỏ chịu được. Cả đêm cứ ngồi ôm ông, ông nỏ (không) thở được. Nỏ (không) biết dừ có qua được nựa không?”.
Tuy mới ngoài 50 mà nom bà T.T.S như già thêm chục tuổi bởi nét mặt khắc khổ, dáng người gầy nhom. Càng về đêm, trời càng trở lạnh nhưng mấy hôm nay bà chỉ mặc độc mỗi chiếc áo cọc tay cũ. Có lẽ, lúc này trong bà không còn ý niệm về cái rét, cái đói mà bao trùm lên tất cả là cả một nỗi lo lớn. Đưa chồng ra Hà Nội cấp cứu gấp nhưng bà vay mượn tứ bề chỉ có 6 triệu mà tiền thuê xe từ Nghệ An ra đã hết hơn nửa. Cho đến khi phóng viên hỏi chuyện, bà vẫn chưa ăn hạt cơm nào, người loạng choạng nhưng không thể nuốt nổi vì “Nỏ biết mần răng dừ. Lo”.
Có thể nói, hình ảnh hai dòng nước mắt của bệnh nhân suy thật đang lọc máu trong hôn mê sâu có thể trạng như đứa trẻ; người con trai lặng lẽ đeo đôi tất vào chân giữ ấm cho bố; tiếng thở nặng trĩu của người bà, ông mái tóc đã phai sương bên cạnh cháu trai… là những lát cắt cuộc đời nghẹn đắng trong những “thước phim” ngồn ngộn về “nhịp sống” ở Khoa Cấp cứu này.
Yêu nghề là yêu người
02h30 phút, sáng ngày 9/1 tại phòng Hồi sức Cấp cứu A9, Bệnh viện Bạch Mai, người nhà bệnh nhân V.M.H (37 tuổi, Hà Đông) xúc động chia sẻ và chỉ tận tay cho phóng viên xem việc anh V.M.H đã có thể cử động được đầu, miệng mấp máy, chân đã co một chút và thi thoảng lưỡi đưa lên được.
Anh trai bệnh nhân, anh V.T.H (44 tuổi, Hà Đông) chia sẻ: “H. có bệnh lý phế quản và nằm bất động từ 10h đêm ngày 7/1. Hôm đó trời lạnh, sau khi đi làm về em H. bị mệt và bảo khó thở. Sau đó, tim H. bị ngừng đập khoảng 1-2 phút. Đến giờ phút này, khi thấy em cử động được một ít gia đình mừng rơi nước mắt. So với thời điểm chú ấy nhập viện thì giờ chúng tôi đã có thể hi vọng rằng em trai có cơ hội sống sót”.
Bác sĩ Ngô Đức Hùng, Khoa Cấp cứu A9 cho biết, bệnh nhân V.M.H nhập viện trong tình trạng hôn mê sau ngừng tuần hoàn. Đối với trường hợp bệnh nhân nặng, sau khi nhập viện sẽ được chuyển thẳng qua phòng Hồi sức Cấp cứu để điều trị. Bởi vậy, việc phân loại mức độ bệnh nhân cấp cứu ban đầu rất quan trọng. Nói về nghề, anh chia sẻ: “Với người bác sĩ, khi chứng kiến bệnh nhân chết trên tay mình mới là điều căng thẳng nhất dù trên đường đi bệnh nhân đã chết lâm sàng. Bởi đó là những cái chết bất khả kháng, mọi sự cố gắng đều hết sức tuyệt vọng. Để trụ vững được với nghề đòi hỏi người bác sĩ phải có một “thần kinh thép”.
Dù các ca bệnh mới liên tục được chuyển vào khoa nhưng bác sĩ Ngô Đức Hùng và Điều dưỡng trưởng Lê Quang Trí vẫn ân cần khuyên người nhà đưa bệnh nhân về nghỉ ngơi tránh bị ảnh hưởng bởi các ca bệnh nặng, thậm chí là cả… chỉ đường cho người nhà bệnh nhân khi họ thắc mắc “cắc cớ” “bác sĩ ơi giờ nhập viện thuê trọ ở đâu”; … nhất là với những bệnh nhân từ tỉnh lẻ chân ướt chân ráo đến thủ đô chữa bệnh.
Hơn 36 năm gắn bó với nghề y, PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng, Trưởng khoa Khám bệnh, Bệnh viện Việt Đức chia sẻ: Nghề y thực sự là một nghề đặc biệt mà yêu nghề chính là yêu người. Bệnh tật vốn muôn hình vạn trạng, đòi hỏi người thầy thuốc phải thực sự chuyên tâm, cẩn trọng và chu đáo. Đơn cử như căn bệnh viêm ruột thừa tưởng chừng như là một nhưng lại có thể có đến 20 loại bệnh lý khác nhau. Trong đó, có khoảng 90% là những điển hình của bệnh và 10% xảy ra tai biến.
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng, áp lực công việc của người thầy thuốc chính là trách nhiệm. Khi bác sĩ kê cho bệnh nhân một đơn thuốc cũng phải thật cân nhắc làm sao để họ được chữa khỏi bệnh với chi trả đúng mức. Và, quan trọng hơn là người bệnh phải được bình đẳng. Bình đẳng ở đây có nghĩa là từ người giàu đến người nghèo, quan chức hay nông dân đều được khám, chữa trị một cách tốt nhất có thể.
“Khi người ta đau, người ta kêu đó là bệnh nhân. Ngay cả khi một tên cướp bị vết thương đâm vào tim, các bác sĩ cũng phải dừng ca mổ ruột thừa sắp tới để tập trung cứu chữa cho bệnh nhân này. Bởi lẽ, người phạm tội có công an, pháp luật xử lý và nhiệm vụ của người thầy thuốc lúc này là bằng mọi cách phải cứu sống bệnh nhân” – PGS.TS Nguyễn Xuân Hùng chia sẻ.
Theo PV Huyền Phan/ Báo Công Lý