Điều trị gãy đầu dưới xương quay bằng phương pháp nắn bó bột

31/05/2024 06:51


Gãy đầu dưới xương quay rất phổ biến, chiếm 16% tất cả gãy xương và chiếm 75% gãy xương ở cẳng tay. Gãy đầu dưới xương quay thường gặp ở người bệnh lớn tuổi và trẻ em khi ngã chống tay; ở người bệnh lớn tuổi kèm theo loãng xương thì chỉ cần ngã nhẹ cũng dẫn đến gãy xương; ở người trẻ thường do tai nạn giao thông hoặc tai nạn lao động ngã cao với lực tác động lớn.

 

Có nhiều phương pháp điều trị gãy đầu dưới xương quay như mổ găm kim dưới màn tăng sáng, mổ kết hợp xương nẹp vít, mổ cố định ngoại vi, nắn xương bó bột. Tại khoa Khám Xương và điều trị ngoại trú Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức hàng ngày tiếp nhận và điều trị bảo tồn nắn bó bột cho nhiều người bệnh được chẩn đoán gãy đầu dưới xương quay. Đây là một phương pháp không quá phức tạp, an toàn, mang lại kết quả điều trị tốt, hài lòng cho người bệnh.

 

CHẨN ĐOÁN

Khám lâm sàng:

– Hỏi bệnh sử, cơ chế chấn thương.

– Khám vị trí đau, mức độ đau, có biến dạng vùng cổ tay, sưng nề, giảm hay mất cảm giác vận động cổ tay

Chụp X quang, CT

– Chụp X quang thẳng – nghiêng giúp xác định xương gãy hay không, vị trí gãy, di lệch xương, kiểu gãy.

– Để biết tình trạng mặt khớp bị khấp khểnh, phim thẳng bị hạn chế thì ta cần phải chụp thêm phim CT.

 

 

Chỉ định điều trị

– Tất cả các trường hợp gãy kín đầu dưới xương quay đến sớm.

– Gãy đầu dưới xương quay di lệch gập góc đến tương đối muộn nhưng thể trạng không cho phép phẫu thuật.

 

ĐIỀU TRỊ NẮN BÓ BỘT

– Gây tê tại chỗ hoặc gây mê

– Dựa vào sự di lệch trên phim X quang để nắn xương.

– Đặt người bệnh nằm ngửa, gây mê tĩnh mạch hoặc gây tê ổ gãy trong trường hợp người bệnh không thể gây mê. Cố định khuỷu tay gấp 900. Người phụ nắm lấy ngón cái kéo theo trục của xương quay, tay kia nắm các ngón còn lại kéo gấp cổ tay sau đó nắn nghiêng về phía trụ phối hợp cùng với người nắn chính đứng trước người phụ cùng bên dùng lực của hai ngón tay cái đối lực ngược chiều với các ngón tay phía dưới vuốt mạnh dọc từ trên ổ gãy xuống, gập cổ tay tối đa, để nắn đầu dưới xương quay ra trước sau đó nắn di lệch bên nghiêng trụ, sau đó giữ nhẹ cổ tay duỗi trở lại, bó bột cẳng bàn tay rạch dọc tư thế gấp cổ tay 200, nghiêng trụ 200.

– Kỹ thuật bó bột cẳng bàn tay: Sau khi nắn xương, người nắn giữ nguyên tư thế xương sau nắn. Người phụ cuốn bông từ khuỷu tay xuống tới cổ tay và bàn tay vòng cuộn ôm ngón 1, thường cuộn 1 đến 2 lớp, sau đó đặt dây rạch dọc từ khuỷu tới bàn ngón tay và bắt đầu cuộn bột từ khuỷu tới cổ bàn tay theo chiều từ ngoài vào trong và từ trong ra ngoài. Cuốn bột nhẹ nhàng, đều tay, cuốn được khoảng 3 vòng thì một tay giữ cuộn bột, tay kia xoa nhẹ phần bột đã cuộn để tạo thêm sự kết dính bột và bột bó mịn màng hơn. Giữ sau bó bột khoảng 5 – 10 phút cho bột khô và dùng dao rạch dọc bột. Lưu ý là phải rạch dọc hoàn toàn không được bỏ sót một sợi gạc nào, banh rộng mép bột sau đó cuộn băng thấm nước phía ngoài và treo tay, sau đó cho người bệnh đi chụp X-Quang kiểm tra.

 

THEO DÕI VÀ TÁI KHÁM

– Sau khi nắn bó bột người bệnh được hướng dẫn kê cao tay, tập cử động các ngón tay. Với người bệnh gây mê sẽ được nằm theo dõi tại bệnh viện 24 giờ. Người bệnh tê nắn bác sĩ sẽ hẹn khám lại sau 24 giờ. Nếu tay sưng nề nhiều, tê tay, khó chịu, sốt cao thì cho nới rộng bột hoàn toàn, nếu kết quả tốt không có dấu hiệu chèn ép thì bác sĩ hẹn người bệnh khám lại sau 7 – 10 ngày.

– Sau 7-10 ngày nắn bó bột, người bệnh được hẹn chụp X-Quang kiểm tra, thay bột cẳng bàn tay tròn giữ tư thế cơ năng trong 4 tuần và tháo bột. Trong giai đoạn này các bác sĩ thường dùng bột thuỷ tinh. Đây là loại bột nhẹ, cứng, giúp ổn định ổ gãy và mang lại sự thoải mái cho người bệnh.

Hình ảnh bột thuỷ tinh trong điều trị gãy đầu dưới xương quay

– Sau tháo bột bác sĩ hướng dẫn người bệnh tập vận động và hẹn khám lại sau 1 tháng, 3 tháng, 6 tháng.

 

BSCKII Vũ Mạnh Toàn, Khoa Khám xương và Điều trị ngoại trú, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

 

 

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là địa chỉ thăm khám, phòng ngừa và điều trị các bệnh lý về chấn thương cơ xương khớp uy tín hàng đầu. Để tìm hiểu thêm về thông tin bệnh lý và nhu cầu chăm sóc sức khỏe vui lòng liên hệ:

 

   BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ VIỆT ĐỨC
   – Địa chỉ: 40 Tràng Thi – Hoàn Kiếm – Hà Nội
   – Tổng đài đặt lịch khám: 19001902
   – Fanpage: Facebook.com/bvvietduc
   – Website: Benhvienvietduc.org

Tư vấn trực tuyến

Tư vấn trực tuyến tuyển sinh 2024: Chủ đề “Hiểu đúng ngành – Chọn đúng nghề”

Nghề y là một nghề đặc biệt, nhân lực ngành y tế phải đáp ứng yêu cầu cả về chuyên môn và y đức, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tăng cường công…

Xem tiếp

Kết nối Facebook