Điều trị bệnh u nang bạch huyết ở trẻ em

23/06/2023 08:22

Vừa qua, Bệnh viện HN Việt Đức tiếp nhận trường hợp bệnh nhi N.T.A (4 tuổi, Hà Nội) nhập viện vì khối u bạch huyết vùng cổ.

 

Người nhà bệnh nhi cho biết khi mẹ mang thai bé khoảng 30 tuần đã siêu âm trước sinh phát hiện ra khối ở cổ nghi ngờ là u bạch huyết. Tại đây, người bệnh đã được cho làm các chỉ định cần thiết, xác định khối u bạch huyết vùng cổ, quyết định thực hiện phương pháp tiêm xơ cho người bệnh.

 

ThS.BS Võ Tá Chung, Khoa Phẫu thuật Nhi và Trẻ sơ sinh, Bệnh viện HN Việt Đức chia sẻ: Đối với một khối u bạch huyết vùng cổ, nếu trẻ không khó thở thì phương án điều trị được lựa chọn là tiêm xơ: tiêm các chất bleomycin tác dụng làm cháy, tổn thương lớp niêm mạc thành nang bạch huyết. Một trường hợp u nang bạch huyết tiêm xơ tùy vào trường hợp người bệnh, nếu kết quả đáp ứng tốt ngay sau một lần tiêm xơ thì khối u bạch huyết sẽ tiêu đi hoàn toàn. Có trường hợp phải tiêm 2-3 lần khối u bạch huyết sẽ co nhỏ dần, sau đó các bác sĩ xét đến phương án cắt bỏ hoàn toàn. Tiêm xơ mang đến nhiều ưu điểm: Là thủ thuật nhanh gọn không cần lên nhà mổ, giúp khối u co nhỏ đi, giúp cắt bỏ hoàn toàn khối u bạch huyết. Phương pháp phẫu thuật được lựa chọn điều trị trong trường hợp những khối u ở vị trí ranh giới rõ ràng, tiên lượng có thể cắt được hoàn toàn.

 

Bệnh u nang bạch huyết ở trẻ em là bệnh lý thường xuất hiện ngay sau sinh và tiếp tục khi trẻ được 2 tuổi. Căn nguyên của u bạch huyết ở trẻ em thường liên quan đến bất thường nhiễm sắc thể và di truyền như hội chứng Down, Turner hoặc hội chứng Noonan.

 

U bạch huyết là dị tật của hệ thống bạch huyết có thể gặp ở mọi lứa tuổi và mọi vị trí cơ thể tuy nhiên có tới 90% các trường hợp xảy ra ở trẻ em dưới 2 tuổi, thậm chí là trẻ sơ sinh và thường gặp ở vùng đầu, cổ. U bạch huyết bẩm sinh thường được chẩn đoán trước sinh trong thời kỳ bào thai qua siêu âm. Ngoài ra, u bạch huyết còn có thể xuất hiện sau chấn thương, viêm, hoặc tắc nghẽn bạch huyết, thường phát hiện tình cờ hoặc đau nhẹ tại vùng tổn thương. Một u nang bạch huyết có thể chứa một hoặc nhiều nang nhỏ kết nối với nhau bằng các mạch bạch huyết.

 

Nếu phân loại chi tiết u bạch huyết ở trẻ em có thể có các đặc trưng phân biệt được qua triệu chứng như:

 

U bạch huyết dạng mao mạch: thường thấy ở bề mặt da, do bất thường cấu trúc mạch bạch huyết, tổn thương là những cụm mụn nhỏ có màu từ hồng đến đỏ sẫm. Tổn thương lành tính và chỉ cần điều trị khi ảnh hưởng nhiều đến thẩm mỹ.
U bạch huyết dạng hang: thường thấy ngay khi mới sinh, đôi khi cũng gặp ở trẻ lớn hơn. Tổn thương nằm sâu dưới da và tạo khối lồi lên bề mặt da, hay gặp ở vùng cổ, lưỡi, môi và kích thước từ vài milimet tới vài centimet.
U bạch huyết hỗn hợp: thường chứa nhiều nang kích thước to nhỏ khác nhau và thể tích mỗi nang lớn hoặc nhỏ hơn 2 cm3.
 

Nếu u nang bạch huyết không điều trị kịp thời sẽ có xu hướng ngày càng to lên, ảnh hưởng đến chức năng vận động tại cơ quan đó: Khối u xuất hiện vùng cổ có thể chèn ép vùng cổ gây khó thở, khối u nằm trong ổ bụng có thể to lên đè ép các tạng trong ổ bụng gây nguy cơ gây xoắn, vỡ.

 

Phòng Công tác xã hội

Tagged in: Tags:

Tư vấn trực tuyến

Tư vấn trực tuyến tuyển sinh 2024: Chủ đề “Hiểu đúng ngành – Chọn đúng nghề”

Nghề y là một nghề đặc biệt, nhân lực ngành y tế phải đáp ứng yêu cầu cả về chuyên môn và y đức, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tăng cường công…

Xem tiếp

Kết nối Facebook