Điều trị bệnh thận mạn giai đoạn cuối

08/06/2021 14:06

 

Mục tiêu của điều trị người bệnh BTM giai đoạn cuối:

 

– Chuẩn bị điều trị thay thế thận khi thận suy nặng.

 

– Điều chỉnh liều thuốc ở người bệnh suy thận.

 

– Điều trị các biến chứng của hội chứng urê huyết cao như thiếu máu, suy dinh dưỡng, tăng huyết áp, rối loạn chuyển hóa canxi – phospho, rối loạn nước điện giải.

 

– Điều trị các biến chứng tim mạch, và các yếu tố nguy cơ.

 

Điều trị triệu chứng

 

Tuỳ theo bệnh nhân có triệu chứng bất thường nào thì chọn phương pháp điều trị phù hợp.

 

Chỉ định điều trị thay thế thận

 

Trừ phi người bệnh từ chối, mọi người bệnh BTM giai đoạn cuối, với lâm sàng của hội chứng urê huyết cao (thường xảy ra khi độ thanh thải creatinin dưới 15 ml/phút, hoặc sớm hơn ở người bệnh đái tháo đường) đều có chỉ định điều trị thay thế thận.

 

Các chỉ định điều trị thay thế thận:

 

– Tăng kali máu không đáp ứng với điều trị nội khoa.

 

– Toan chuyển hóa nặng (khi việc dùng HCO3 có thể sẽ gây quá tải tuần hoàn).

 

– Quá tải tuẩn hòan, phù phổi cấp không đáp ứng với điều trị lợi tiểu.

 

– Suy dinh dưỡng tiến triển không đáp ứng với can thiệp khẩu phần.

 

– Mức lọc cầu thận từ 5-10ml/ph/1,73 m2 (hoặc BUN > 100mg/dL, créatinine huyết thanh > 10mg/dL).

 

Lựa chọn hình thức điều trị thay thế thận

 

Có ba hình thức điều trị thay thế thận bao gồm:

 

(1) Thận nhân tạo (hoặc thẩm tách máu, hemodialysis, HD)

 

(2) Thẩm phân phúc mạc (peritoneal dialysis, PD)

 

(3) Ghép thận.

 

Có thể lựa chọn một trong ba phương pháp, tuỳ vào từng trường hợp cụ thể của người bệnh

 

Bảng 1. Chống chỉ định chạy thận nhân tạo và thẩm phân phúc mạc, ghép thận

 

Tuyệt đối

Tương đối

Thận nhân tạo (HD)

Không có đường lấy máu thích hợp

·   Sợ kim chọc

·   Suy tim

·   Rối loạn đông máu

 

Thẩm phân phúc mạc (PD)

·   Mất hoàn toàn chức năng của màng bụng.

·   Sẹo dính trong phúc mạc làm ngăn cản dịch lọc dẫn lưu.

·   Dịch lọc dò lên cơ hoành.

·   Không có người giúp thay dịch lọc.

·   Mới mổ ghép động mạch chủ bụng.

·   Có shunt não thất – ổ bụng (trong não úng thủy).

·   Không dung nạp với chứa dịch trong ổ bụng.

·   Suy dinh dưỡng nặng.

·   Nhiễm trùng da.

·   Bệnh đường ruột (viêm ruột, viêm túi thừa).

·   Béo phì.

 

Ghép thận

Không có chống chỉ định tuyệt đối

·   Người nhận có nguy cơ thải ghép cao: phản ứng đọ chéo (cross-match) người nhận-người cho dương tính

·   Sức khỏe người nhận không cho phép thực hiện cuộc mổ.

·   Nhiễm khuẩn chưa kiểm soát được

·   Bệnh nhân ung thư giai đoạn cuối, xơ gan mất bù, suy tim nặng…

·   Thời gian sống thêm kỳ vọng quá ngắn, chủ yếu là do sự thiếu hụt tạng hiến

 

Trong thời điểm dịch Covid-19 như hiện nay, những người có bệnh lý nền sẵn như suy thận mạn tính sẽ có nguy cơ mắc bệnh cao hơn, cũng như khả năng tử vong cao hơn những người khác, đặc biệt là ở người cao tuổi, nỗi lo trong mùa dịch càng lớn hơn.

 

Nhằm giúp người dân hiểu biết hơn về bệnh thận mạn, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức tổ chức chương trình Tư vấn trực tuyến với chủ đề “NHỮNG ĐIỀU CẦN LƯU Ý CHO NGƯỜI BỆNH THẬN MẠN TRONG MÙA DỊCH COVID-19”.

 

Chương trình sẽ được phát vào lúc 15h00 ngày 9 tháng 6 năm 2021 (Thứ Tư), trực tiếp trên các kênh truyền thông của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức:

► Fanpage: facebook.com/bvvietduc

► Youtube: youtube.com/benhvienvietduc1906

 

Khách mời: TS.BS NGUYỄN THẾ CƯỜNG

Trưởng khoa Thận lọc máu, Bệnh viện HN Việt Đức

Ủy viên ban chấp hành hội Tiết niệu Thận học Việt Nam (VUNA)

Ủy viên ban thường vụ hội Lọc máu Việt Nam (VDA)

Ủy viên BCH hội ghép tạng Việt Nam (VSOT)

 

Thế mạnh chuyên môn:

Thận học, Nội khoa, Ghép thận.

Hồi sức cấp cứu.

 

Quý khán giả quan tâm có thể đặt câu hỏi trên Fanpage và kênh Youtube của bệnh viện để được chuyên gia tư vấn trực tiếp.

 

Phòng Công tác xã hội

Tagged in: Tags: