Chuyện nơi lằn ranh sống – chết: Những chiến binh thầm lặng

31/07/2018 10:18

Ðến trước, về sau, lặng thầm và tận hiến, họ đã sống và làm việc bằng hết thảy nhiệt huyết như thể những bệnh nhân đều là ruột thịt của mình.

 

Ðiều dưỡng Thảo và Giang đang hút dịch cho bệnh nhi hôn mê. Ảnh: T.Hà.

Những người đến trước về sau

 

Khu mổ Bệnh viện Việt Đức không phân biệt ngày đêm. Những bóng áo xanh đi lại nhanh thoan thoắt, sàn nhà bóng loáng. Giường bệnh được đẩy vào. Đèn phòng mổ bật sáng choang, thứ ánh sáng soi rọi rõ nét từng biểu cảm trên gương mặt bệnh nhân. Mỗi người một việc. Người chuẩn bị dụng cụ cho ca mổ, người kiểm tra lại lần nữa thông tin về bệnh nhân, kíp phẫu thuật. Trong số đó có người thực hiện công việc tối quan trọng để ca mổ thành công. Đó là những bác sĩ gây mê hồi sức. Vừa trò chuyện khe khẽ với bệnh nhân, vị bác sĩ gây mê thực hiện các thao tác nhanh nhẹn và chính xác. Chỉ một chút nữa thôi, bệnh nhân sẽ chìm trong giấc ngủ sâu. Chừng chục phút sau, phẫu thuật viên bước vào, tôi nghe tiếng hỏi đanh gọn: “Bệnh nhân ổn chứ, bắt đầu mổ được chưa?”. “Dạ ổn, có thể mổ”. Sau câu trả lời nhanh gọn không kém của bác sĩ gây mê, ca phẫu thuật bắt đầu. Phòng có điều hòa nhưng sự căng thẳng cùng giàn đèn mổ sáng trưng chiếu rọi khiến thi thoảng điều dưỡng lại dùng gạc thấm những giọt mồ hôi trên trán phẫu thuật viên.

 

Một vài người thường xuyên đứng phía đầu giường mổ, người liên tục dán mắt vào màn hình biểu hiện những chỉ số sinh tồn của người bệnh, người chăm chú quan sát gương mặt bệnh nhân. Giữa chừng ca mổ, chợt thấy một người nói khẽ “bệnh nhân có dấu hiệu tỉnh”. Ngay lập tức, người còn lại quan sát và phân tích rất nhanh các yếu tố nguy cơ để tính toán tiêm lượng thuốc vừa đủ giúp bệnh nhân mê sâu để ca mổ tiếp tục. Họ là những bác sĩ gây mê hồi sức, những người luôn ở cạnh bệnh nhân từ khi ca mổ chưa bắt đầu đến khi bệnh nhân tỉnh táo sau ca phẫu thuật. Gây mê là quá trình bệnh nhân đối mặt với rất nhiều yếu tố nguy cơ và rủi ro nhưng những mối hiểm nguy rình rập đó không hề làm bác sĩ gây mê nao núng.

 

Một góc phòng hồi sức tích cực toàn bệnh nhân hôn mê.Ảnh: Thái Hà

Nhiều người vẫn lầm tưởng gây mê là công việc giản đơn khi chỉ cần tiêm một mũi thuốc để bệnh nhân chìm sâu vào giấc ngủ, không còn biết đến sự đau đớn. Nhưng phải chứng kiến một ca mổ và quá trình hồi sức sau mổ mới thấy hết những tận lực mà họ bỏ ra để hồi sinh một con người… Trong ca mổ khó, phải gây mê toàn thân cho bệnh nhân. Suốt thời gian phẫu thuật vài tiếng đồng hồ, bác sĩ gây mê hồi sức lắm khi còn căng thẳng hơn phẫu thuật viên chính bởi lúc này sinh mệnh bệnh nhân phụ thuộc vào toàn bộ hệ thống máy móc đang thay thế chức năng hô hấp, tuần hoàn của người bệnh do họ điều chỉnh và theo dõi. Đặc biệt, với những ca mổ tim và tuần hoàn ngoài cơ thể, tim bệnh nhân ngừng đập trong suốt quá trình phẫu thuật, nếu sơ suất một chút bệnh nhân có thể tử vong ngay.

 

Họ theo dõi sát bệnh nhân từ huyết động đến các dấu hiệu sinh tồn và giúp phẫu thuật viên không gây ra những tai biến bất thường. Với họ không có ca mổ được định nghĩa lớn hay bé, bởi trước bệnh nhân nào bác sĩ gây mê cũng đều đối mặt với những bất trắc, nhất là gây mê cho những người có yếu tố nguy cơ cao như cao huyết áp, đái tháo đường, hẹp động mạch vành hoặc tiền sử tai biến… Chỉ một sai sót nhỏ hoặc không tiên lượng chuẩn về tình trạng người bệnh thì khi gây mê bệnh nhân đối mặt với nguy cơ tiềm ẩn, thậm chí tử vong.

 

Nghẹt thở từng giây

Trên giường bệnh nơi góc phòng khoa Hồi sức tích cực 2 (thuộc Trung tâm Gây mê hồi sức ngoại khoa, Bệnh viện Việt Đức), cậu bé chừng 7 tuổi nằm bất động, đôi mắt nhắm nghiền, sự sống dường như đang muốn rời bỏ cậu thật nhanh. Chứng kiến cảnh đó, không khỏi xót xa. Cách đây vài ngày thôi, cậu bé còn vui đùa cùng chúng bạn, nhưng một tai nạn không may ập đến khiến bé bị chấn thương sọ não nặng, hôn mê, phải mổ cấp cứu ở tuyến dưới. Sau ca mổ, tri giác không tiến triển, cậu bé được chuyển ra Bệnh viện Việt Đức điều trị.

Phòng hồi sức lúc này chỉ nghe thấy âm thanh rì rầm của những máy móc đang hỗ trợ sự sống cho hàng chục bệnh nhân. Những nhân viên y tế vẫn cần mẫn với công việc. Chợt một điều dưỡng nhận thấy dấu hiệu hô hấp của bệnh nhân có gì đó bất ổn. Quan sát bệnh nhân trong tích tắc, điều dưỡng Nguyễn Thị Thu Thảo và Nguyễn Trường Giang nhanh chóng lấy dụng cụ và hút dịch cho bệnh nhi. Thân hình nhỏ bé ấy gồng lên từng đợt theo những thao tác của 2 điều dưỡng. Chừng ba phút trôi qua, đợt hô hấp bất thường của bệnh nhi đã ổn định. Thảo khe khẽ kéo tấm ga trắng đắp lên quá ngực cho cậu bé, bàn tay trắng trẻo không quên vỗ về dịu nhẹ lên tấm thân gầy guộc dưới lớp chăn mỏng. Cậu bé nằm thiêm thiếp, gương mặt không bộc lộ sự đau đớn nào nữa.

 

TS.bác sĩ Lưu Quang Thùy, Phó Giám đốc Trung tâm gây mê và hồi sức ngoại khoa chia sẻ, có những ngày, một thời điểm khoa tiếp nhận cùng lúc 5-7 bệnh nhân nặng từ phòng mổ, phòng khám cấp cứu và các khoa phòng khác trong bệnh viện. Chưa kể những trường hợp biến chứng sau mổ, diễn biến bất thường. Lúc này bác sĩ hồi sức tích cực phải liên tục khám, huy động nhiều người, mỗi người một việc, người đặt ống, người làm ven, người lấy khí máu, người làm siêu âm… Mọi việc dù căng thẳng, không khí phòng bệnh nghẹt thở nhưng tất cả thao tác vẫn diễn ra nhịp nhàng…

 

PV Thái Hà/ Báo Tiền phong

Tagged in: Tags:

Tư vấn trực tuyến

Tư vấn trực tuyến tuyển sinh 2024: Chủ đề “Hiểu đúng ngành – Chọn đúng nghề”

Nghề y là một nghề đặc biệt, nhân lực ngành y tế phải đáp ứng yêu cầu cả về chuyên môn và y đức, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tăng cường công…

Xem tiếp

Kết nối Facebook