Chúng ta cần làm gì khi người thân bị u não?

11/09/2023 08:02

Nếu người thân của bạn được chẩn đoán u não hoặc bản thân bạn được bác sỹ thông báo bị u não, bạn sẽ làm gì? Chắc chắn bạn sẽ bị sốc rất nặng. Tất cả mọi người đều bị sốc khi người thân đã hoặc đang sống với bạn rơi vào hoàn cảnh đó. Mỗi người sẽ có phản ứng khác nhau trước thông tin người thân hoặc bản thân bị u não. Thông thường, nếu bạn bị u não, bạn sẽ lo sợ, sốc, cảm thấy không an toàn và lo lắng cho tương lai của bạn. Vấn đề quan trọng là bạn phải làm gì? Bạn cần phải bình tĩnh để đưa ra quyết định hợp lý để quyết định hoặc cần tới sự giúp đỡ người của bạn bè, người thân. Bạn nên thử làm những việc như lời khuyên sau đây:

 

– Hãy tìm kiếm thông tin về bệnh u não (đọc sách, báo, internet, trao đổi với những người đã từng bị u não…).

– Hãy gặp bác sỹ và tư vấn về vấn đề của bạn: khả năng chính xác của chẩn đoán, các phương pháp điều trị, hy vọng, cuộc sống và công việc của bạn khi phải điều trị u não.

– Hãy lựa chọn phương pháp điều trị tối ưu theo lời khuyên của bác sỹ.

– Hãy lập kế hoạch cho cuộc sống và công việc của bạn kể từ khi được chẩn đoán bị u não.

– Đừng nản chí, đừng bỏ cuộc, hãy tự tin “chiến đấu” với khối u não của bạn.

Tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, mỗi năm nhận khám và điều trị hơn 2.500 người bệnh u não

 

Khi bạn được thông báo bị u não, hãy thực hiện các bước sau nhằm tìm kiếm một biện pháp điều trị hữu hiệu nhất và giảm đi những lo lắng, sợ hãi không cần thiết:

 

1. Hãy dành chút thời gian yên tĩnh riêng cho bạn và đưa ra quyết định sớm nhất: bạn biết chắc chắn bạn bị u não và sẽ sống phần đời còn lại với cuộc chiến chống lại u não. Khối u não của bạn có thể sẽ biến mất hoàn toàn hoặc luôn tồn tại trong não sau điều trị.

 

2. Hãy trao đổi với người thân trong gia đình, bạn bè hay đồng nghiệp, những người bạn tin tưởng. Hầu hết họ đều mong muốn giúp bạn giải quyết tốt nhất vấn đề của bạn. Nhưng phần lớn họ không thể vì họ không phải là thầy thuốc. Họ chỉ có thể động viên bạn hay giúp đỡ chăm sóc bạn. Bạn sẽ là người đưa ra quyết định nên điều trị theo hướng nào.

 

3. Tìm kiếm thông tin về u não trong sách, tạp chí, báo, internet hay bất cứ nguồn thông tin nào có thể.

 

4. Gặp bác sĩ chuyên điều trị u não và tư vấn cách điều trị. Bạn có thể tư vấn bác sĩ thứ hai hoặc thứ ba về căn bệnh của bạn. Những bác sĩ chuyên khoa về u não bao gồm bác sĩ phẫu thuật thần kinh, bác sĩ nội thần kinh, bác sĩ chuyên khoa ung bướu, chuyên khoa xạ trị và chuyên khoa hóa trị.

 

5. Bạn có thể gặp bệnh nhân u não đã từng điều trị bệnh u não như bạn. Nhưng nên nhớ: Có 120 loại u não khác nhau và tình trạng bệnh của bạn không hoàn toàn giống với người bệnh u não mà bạn gặp. Mỗi loại u não khác nhau có cách điều trị khác nhau. Mỗi cơ thể phản ứng với khối u não theo cách riêng. Ý kiến của người bệnh đã từng bị u não hay đang điều trị u não chỉ là tham khảo. 

 

6. Khi gặp bác sỹ hay đội ngũ y tế chăm sóc cho bạn cũng như bệnh nhân u não mà bạn cần nói chuyện, hãy mang theo cuốn sổ nhỏ để ghi chép lại những gì cần thiết. Hoặc ghi trước những câu hỏi mà bạn quan tâm trước khi tư vấn. Bất cứ khi nào có điều gì cần tư vấn, hãy ghi vào sổ.

 

PGS.TS Đồng Văn Hệ – Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh

 

Tagged in: Tags: