“Chuẩn vàng” để chẩn đoán u máu trong não
30/10/2020 07:23
Như chúng ta đã biết, u máu ở não (Angioma hoặc AVM-arteriovenous malformation) là một loại tổn thương phức tạp, gặp ở dưới 1% dân số (ít gặp hơn so với phình động mạch não 3-5% dân số). U máu não là khối dị dạng bao gồm các mạch máu ở não tạo thành khối giống khối u. U máu bao gồm động mạch nuôi cấp máu cho khối dị dạng từ động mạch, khối dị dạng và tĩnh mạch dẫn lưu. Ngày nay, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ và chụp mạch não được thực hiện thường quy ở nhiều cơ sở y tế nên việc chẩn đoán xác định u máu não không gặp nhiều khó khăn.
Nguyên nhân u máu ở não là gì?
Ngày nay, chúng ta chưa biết chính xác nguyên nhân u máu não, nhưng đây không phải là ung thư, không phải khối u não, cũng không phải tổn thương nhiễm khuẩn. U máu não do sự phát triển bất thường trong thời kỳ bào thai, nhưng phần lớn không biểu hiện dấu hiệu gì trong một thời gian dài. Rất hiếm khi u máu não mang tính di truyền. Trong trường hợp u máu não do di truyền, người bệnh thường có u máu ở một số nơi khác như: phổi, dạ dày, ruột hoặc ở da.
Người bệnh bị u máu não có biểu hiện như thế nào?
Triệu chứng ở người bệnh u máu não phụ thuộc vào nhiều yếu tố như: kích thước khối u máu, vị trí u máu, u máu vỡ gây chảy máu hay không vỡ. Nếu khối u máu không vỡ, người bệnh có thể không biểu hiện gì đặc biệt. Những trường hợp khác biểu hiện đau đầu, co giật. Đau đầu do u máu não chưa vỡ thường đau giống đau nửa đầu, người bệnh đau ở vùng có u máu (ví dụ u máu não vùng trán khiến người bệnh đau vùng trán, u máu não vùng thái dương gây đau đầu vùng thái dương), nhưng cũng có thể đau ở vùng khác với vị trí u máu. Khi điều trị đau đầu với phác đồ đau nửa đầu thường giảm đau tốt. Khoảng 1% người bệnh u máu não bị co giật (động kinh). Một số trường hợp người bệnh bị rối loạn trí nhớ, khó tìm từ khi nói, khó nói, buồn, lo lắng, thay đổi tính cách.
Khi u máu vỡ gây chảy máu trong não, người bệnh biểu hiện bệnh đột ngột đau đầu, có thể đau đầu dữ dội, buồn nôn, nôn, yếu liệt nửa người, tê bì nửa người, méo mồm, rối loạn ngôn ngữ, rối loạn nhìn, mất thăng bằng, lơ mơ, hôn mê. Chảy máu là biến chứng nặng nhất của u máu. Rất may mắn, chỉ 1% trường hợp u máu não bị vỡ chảy máu, những trường hợp khác không bị chảy máu. Khi u máu vỡ, chúng ta cần đưa người bệnh nhanh chóng tới cơ sở y tế gần nhất để được trợ giúp, chẩn đoán và điều trị.
Thầy thuốc chẩn đoán u máu não bằng cách nào?
Khi nghi ngờ u máu não, bác sỹ sẽ cho người bệnh thực hiện một số thăm dò hình ảnh để chẩn đoán. Chụp cắt lớp vi tính, chụp cắt lớp vi tính mạch, chụp cộng hưởng từ, chụp cộng hưởng từ mạch hoặc chụp mạch máu não. Khi chụp cắt lớp vi tính, người bệnh được đưa vào phòng chụp, nằm trên bàn, đầu nằm trong máy chụp hình ống. Trong khi chụp, máy tạo ra tiếng ồn lớn. Nhiều người cảm thấy khó chịu do tiếng ồn. Thời gian chụp cắt lớp dài 10–15 phút. Để chẩn đoán chính xác, bác sỹ sẽ tiêm thuốc cản quang vào tĩnh mạch (thường ở tay). Chụp cắt lớp vi tính bao gồm: chụp thường, chụp tiêm thuốc cản quang và chụp cắt lớp vi tính mạch. Ưu điểm chụp cắt lớp vi tính sọ não là nhanh, chẩn đoán chính xác chảy máu trong sọ, ít xâm lấn. Chính vì vậy, chụp cắt lớp vi tính là phương pháp sàng lọc u máu não giá trị và được sử dụng phổ biến. Nhược điểm là khả năng chẩn đoán không tốt bằng chụp cộng hưởng từ hay chụp mạch não.
Chụp cộng hưởng từ sọ não: người bệnh được đưa vào phòng chụp, nằm trên bàn. Trước khi vào phòng chụp, người bệnh được thay quần áo, không được mang theo bất cứ vật kim loại nào vào trong phòng như: điện thoại, đồng hồ, nhẫn, vòng, dây chuyền, thắt lưng… Đầu người bệnh nằm trong ống dài. Thời gian chụp 20–30 phút. Tiếng ồn khi chụp cộng hưởng từ lớn hơn so với chụp cắt lớp. Thời gian chụp dài hơn, người bệnh thường khó chịu vì tiếng ồn lớn như tiếng máy bay. Vì vậy, người bệnh được đeo bịt tai để giảm tiếng ồn. Vì nằm trong phòng kín, không có người bên cạnh, tiếng ồn lớn nên một số người khó khăn khi chụp, nằm không yên, hoặc lo lắng quá mức. Mặc dù không có ai bên cạnh, nhưng người bệnh có thể nói chuyện với nhân viên chụp, hoặc bác sỹ qua hệ thống loa trong phòng chụp. Đôi khi người bệnh kích động, vật vã, không hợp tác cần được gây mê. Trường hợp cần thiết, bác sỹ tiêm thuốc đối quang từ vào tĩnh mạch (thường ở tay). Ưu điểm của phương pháp cộng hưởng từ là thăm dò ít xâm lấn, ít tai biến và biến chứng, hình ảnh rõ hơn và chính xác hơn chụp cắt lớp vi tính. Đây cũng được coi là phương pháp sàng lọc u máu não tốt, theo dõi tiến triển u máu não giá trị. Nhược điểm là hình ảnh không chính xác bằng chụp mạch não.
Đối với chụp mạch não, người bệnh được thay quần áo và vào phòng chụp (vô trùng như trong phòng mổ), bác sỹ sẽ rửa tay giống phẫu thuật, mặc quần áo mổ, đi găng tay vô khuẩn, luồn catheter (ống nhựa nhỏ như đũa xe đạp) vào động mạch ở đùi, luồn qua động mạch chủ ở bụng, ở ngực, qua tim, qua cổ vào tới não. Bơm thuốc cản quang để chụp. Người bệnh hoàn toàn tỉnh táo trong khi chụp, bác sỹ có thể gây tê giảm đau tại điểm chọc kim. Bác sỹ thường ở trong phòng chụp cùng người bệnh trong suốt thời gian chụp. Chụp mạch não kéo dài 30–60 phút. Ưu điểm của phương pháp chụp mạch là chẩn đoán chính xác nhất u máu não. Hình ảnh cho thấy đầy đủ các động mạch nuôi, khối u máu, tĩnh mạch dẫn lưu và các mạch máu xung quanh. Chụp mạch não là chuẩn vàng để chẩn đoán u máu não. Nhược điểm là phương pháp thăm dò xâm lấn, nguy cơ cao hơn so với chụp cắt lớp hay chụp cộng hưởng từ. Người bệnh cần làm một số xét nghiệm (ví dụ xét nghiệm đông máu), cần nằm viện. Trường hợp chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ sọ não, người bệnh về ngay sau khi chụp, không cần nằm viện, nhưng nếu chụp mạch não thì người bệnh cần nằm viện 1 ngày.
Trên hình ảnh cắt lớp vi tính (tiêm thuốc cản quang), khối u máu ngấm thuốc mạnh. Trường hợp u máu đã vỡ, ngoài hình ảnh khối u máu, chúng ta thấy rõ khối máu tụ trong sọ. Hình ảnh u máu cũng dễ dàng xác định trên cộng hưởng từ, hoặc trên phim chụp mạch não.
Như vậy, để chẩn đoán xác định u máu trong não, chúng ta sử dụng chụp cắt lớp vi tính sọ não, chụp cộng hưởng từ sọ não và chụp mạch máu não. Mỗi phương pháp có ưu nhược điểm riêng, tuy nhiên chuẩn vàng để chẩn đoán u máu não là chụp mạch não.
Nhằm giúp người dân hiểu rõ hơn về cách phòng, chăm sóc, theo dõi và điều trị các bệnh lý Dị dạng mạch máu não, ngày 31 tháng 10 năm 2020, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức sẽ tổ chức chương trình KHÁM VÀ TƯ VẤN MIỄN PHÍ BỆNH LÝ DỊ DẠNG MẠCH MÁU NÃO.
Tham gia chương trình, người dân sẽ có cơ hội thăm khám trực tiếp cùng chuyên gia – PGS.TS Đồng Văn Hệ:
+ Chủ tịch Hội Phẫu thuật Thần kinh ASEAN, Phó Chủ tịch Hội Phẫu thuật Thần kinh Việt Nam
+ Ủy viên Ban chấp hành Hội Phẫu thuật Thần kinh Châu Á
+ Giám đốc Trung tâm Đào tạo, Hội Phẫu thuật Thần kinh Châu Á tại Việt Nam
+ Ủy viên Ban chấp hành Hội phẫu thuật mạch máu não Thế Giới
+ Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức
+ Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.
Thời gian: 7h30 ngày 31 tháng 10 năm 2020 (Thứ Bảy)
Địa điểm: Phòng khám số 9 và Phòng khám số 11, tầng 2 nhà C4, Khu khám bệnh theo yêu cầu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, 40 Tràng Thi – Hoàn Kiếm – Hà Nội.
Để đặt lịch khám và tư vấn miễn phí, người dân vui lòng liên hệ Tổng đài CSKH 19001902.
PGS.TS Đồng Văn Hệ – Phó Giám đốc Bệnh viện HN Việt Đức, Giám đốc Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh
-
Ung thư phổi di căn não nguy hiểm như thế nào?
16/09/2024 05:48
-
Kiểm soát đau: Các phương pháp giảm đau cho người bệnh
09/09/2024 05:38