Chia sẻ kinh nghiệm điều trị bệnh lý loãng xương
20/09/2023 11:02
Bệnh loãng xương ngày càng được quan tâm bởi các y bác sĩ, quản lý bệnh nhân loãng xương cần sự chung tay của cả chuyên ngành nội và ngoại khoa liên quan. Trong đó, quản lý các biến chứng của loãng xương đóng vai trò rất quan trọng, đặc biệt là biến chứng gãy xương cần được phòng ngừa, phát hiện và can thiệp sớm, đúng cách.
Nhằm cập nhật, chia sẻ kinh nghiệm trong thực hành lâm sàng quản lý và điều trị bệnh lý loãng xương, Bệnh viện HN Việt Đức phối hợp với Công ty TNHH Novartis – Đơn vị kinh doanh Sandoz tổ chức Hội thảo khoa học Quản lý toàn diện trên người bệnh gãy xương do loãng xương.
Tham dự hội thảo, về phía Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức có PGS.TS. Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện, chủ trì hội thảo; PGS.TS. Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng khoa Phục hồi chức năng; TS.BS. Nguyễn Hoàng Long, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Cột sống.
Về phía Cục quản lý khám chữa bệnh – Bộ Y Tế có BSCKI. Nguyễn Thị Thanh Lịch, Phó Trưởng Phòng Phục hồi chức năng & Giám định – Cục quản lý khám chữa bệnh – Bộ Y Tế; Về phía Hội Phục hồi chức năng Việt Nam có GS.TS.Cao Minh Châu, Tổng thư kí – Hội Phục hồi chức năng Việt Nam, PGS.TS.Nguyễn Trọng Lưu, Phó chủ tịch – Hội Phục hồi chức năng Việt Nam; Về phía Công ty TNHH Novartis – Đơn vị kinh doanh Sandoz có ThS.DS. Lê Thị Tường Vy – Giám đốc ngành hàng Dược phẩm Đặc trị Sandoz Việt Nam. Tham dự buổi Hội thảo khoa học còn có đại diện lãnh đạo và các bác sỹ đến từ các Trung tâm/Khoa/Phòng của Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức và các cơ sở y tế trong khu vực.
Tại hội thảo, TS.BS. Nguyễn Hoàng Long, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Cột sống đã trình bày bài báo cáo “Thực trạng gãy xương do loãng xương tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức”. Trong đó loãng xương là một bệnh lý chuyển hóa đặc trưng bởi giảm khối lượng xương, suy giảm cấu trúc vi thể của xương khiến cho xương trở nên giòn và tăng nguy cơ gãy xương. Loãng xương ảnh hưởng đến hơn 50 triệu người trưởng thành tại Mỹ, với tỷ lệ mắc 10,3%. Loãng xương là nguyên nhân chính gây ra gãy xương bệnh lý ở người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ sau mãn kinh. Các vị trí gãy xương thường gặp là cổ xương đùi, cột sống, xương vùng cổ tay. Loãng xương đặt người bệnh vào một nguy cơ gãy xương bệnh lý. Điều trị gãy xương do loãng xương phải phối hợp điều trị ổ gãy và điều trị loãng xương. Loãng xương là yếu tố nguy cơ xảy ra biến chứng sau mổ ở các phẫu thuật có hàn xương.
Cũng tại chương trình PGS.TS Nguyễn Thị Kim Liên, Trưởng khoa Phục hồi chức năng chia sẻ về “Cập nhật điều trị và phục hồi chức năng trong phòng ngừa tái gãy xương do loãng xương”. PGS.TS Nguyễn Thị Kim Liên cho biết 6 bước để phòng ngừa té ngã sau tái gãy xương đó là: Tránh vấp ngã bằng cách loại bỏ các mối nguy hiểm, lắp thanh vịn và sử dụng them hệ thống chiếu sáng; Thực hiện các bài tập chịu lực, tăng sức mạnh cơ đều đặn, phù hợp, kết hợp các bài tập cải thiện khả năng thăng bằng; Giữ kính sạch sẽ và trong tình trạng tốt, cẩn thận khi đi cầu thang nếu đeo kính 2 tròng và đeo kính râm vào những ngày nắng để giảm chói; Mang giày thoải mái, có khả năng hỗ trợ tốt, gót rộng và đế không trượt; Duy trì chế độ ăn lành mạnh gồm trái câu tươi, rau củ và thực phẩm giàu canxi; Bác sĩ sẽ hỏi bệnh nhân về những lần té ngã trước đó, và theo dõi tác dụng phụ của thuốc.
Xem danh sách các đại biểu tham dự hội thảo trực tiếp cũng được cấp Giấy chứng nhận đào tạo liên tục (CME) TẠI ĐÂY
Phòng Công tác xã hội