Chế độ dinh dưỡng cho người bệnh chấn thương sọ não

11/09/2020 07:45

Chấn thương sọ não bao gồm những tổn thương đơn độc hoặc phối hợp: tổn thương não, tổn thương hộp sọ, chảy máu trong màng cứng, dưới màng cứng, màng nhện, chảy máu não thất, xuất huyết não… Chấn thương sọ não là nguyên nhân dẫn đến tử vong của phần lớn dân số trong độ tuổi lao động, đặc biệt nam giới. Rất khó để dự đoán được tỷ lệ hồi phục của hệ thần kinh sau chấn thương. Mặc dù được hồi sức tích cực, di chứng do chấn thương sọ não có thể cần một thời gian dài chăm sóc và phục hồi chức năng.

Mục tiêu của dinh dưỡng cho người bệnh chấn thương sọ não là giảm nhẹ tình trạng tiêu hao năng lượng và dị hóa khối cơ. Đối với một cơ thể người bình thường, dị hóa khối cơ trong tình trạng nhịn đói có thể tiêu khoảng 3-5g nitrogen/ngày, trong khi đối với tình trạng chấn thương sọ não, con số này có thể lên tới 14-25g nitrogen/ngày. Trong trường hợp không được cung cấp dinh dưỡng, cơ có thể mất đi 10% trong vòng 7 ngày. Nếu mất đi khoảng 30% khối cơ có thể tăng tỷ lệ tử vong 1 cách đáng kể. Năng lượng tiêu hao trong ngày của người bệnh có thể tăng lên từ 100% lên tới 140%, lượng đạm cung cấp cần tăng lên khoảng 15-20% so với nhu cầu trước khi bị bệnh.

Một vài nghiên cứu gần đây đã chỉ ra tác dụng của một số các chất dinh dưỡng đặc biệt đối với sự hồi phục chấn thương sọ não. Chiết xuất từ nghệ vàng giúp tái lập lại sự toàn vẹn của hệ tiêu hoá và cân bằng nội môi sau chấn thương sọ não. Chất béo w-3 là chất chống oxy hóa, kháng viêm, chống lại tác dụng tiêu tế bào, giúp bảo vệ tế bào não…

 

I. NGUYÊN TẮC DINH DƯỠNG

 

– Năng lượng: 30 – 35 kcal/kg cân nặng thực /ngày. Nuôi ăn sớm từ 24-48h sau phẫu thuật nếu bệnh nhân không có tình trạng bệnh lý nặng.

 

– Lượng Protein: 1.2-1.5g/kg cân nặng thực /ngày.

 

– Lipid chiếm: khoảng 25-30% tổng số năng lượng cả ngày: 1/3 là acid béo no, 1/3 acid béo không no có một nối đôi, 1/3 acid béo không no có nhiều nối đôi.

 

– Glucid 50-60% tổng năng lượng.

 

– Cung cấp đầy đủ vitamin và muối khoáng.

 

II. LỜI KHUYÊN DINH DƯỠNG

 

1. Lựa chọn thực phẩm

 

a. Thực phẩm nên dùng

 

Chất chống oxy hóa: những chất chống oxy hóa như: vitamin E, hoặc vitamin C sẽ có tác dụng làm giảm các phản ứng oxy hóa khử hạn chế tổn thương tế bào. Những thực phẩm giàu vitamin E bao gồm: các loại hạt (hạnh nhân, hạt dẻ…), quả bơ, đu đủ, kiwi, xoài, rau chân vịt, rau cải xanh, súp lơ xanh, cà chua, dầu thực vật,…Thực phẩm giàu vitamin C như: ổi đào, cam, chanh, bưởi, kiwi, dâu tây, đu đủ, dứa, xoài, dưa bở ruột xanh, nước ép cà chua, súp lơ, cải bắp, cà chua, ớt chuông,…

Amino acid mạch nhánh (BCAA): các amino acid mạch nhánh có tác dụng tăng cường, kích thích sản xuất các chất dẫn truyền thần kinh. Thêm vào đó các amino acid mạch nhánh còn cạnh tranh với Tryptophan là 1 chất có hại cho não bộ. Những thực phẩm giàu BCAA bao gồm: ức gà, bò nạc, cá ngừ, cá hồi, sườn bò, cá rô phi, trứng, đậu phộng,…

Choline: choline là một chất dinh dưỡng rất quan trọng, thường có nhiều ở trong lòng đỏ trứng gà và gan các loại động vật, được hấp thu tại ruột non. Choline là cơ chất để tổng hợp Phosphattidylcholine, một thành phần của màng tế bào, nhất là những tế bào sợi thần kinh. Những thực phẩm giàu cholie bao gồm: trứng; các loại thịt nạc (gà, lợn, bò); cá (hồi, rô phi); sữa và chế phẩm từ sữa; đậu nành, hạnh nhân và các loại hạt. Cần tây khô, cà chua , lá rau mùi, rau mùi tây khô, tỏi hoặc ớt bột sẽ giúp bổ sung thêm choline và hương vị cho món ăn.

Creatine: creatine là một hợp chất giống amino acid, đóng vai trò quan trọng trong quá trình sản sinh năng lượng của tế bào và mô cơ thể. Do đó creatine đóng góp vào việc duy trì chức năng sống của não bộ. Creatine có nhiều trong nhóm thực phẩm bao gồm: thịt bò, thịt lợn, thịt gà,…

Magie: magie tham gia vào quá trình vận chuyển các chất qua hàng rào tế bào, điều chỉnh hoạt động của chất dẫn truyền thần kinh. Magie còn tham gia vào điều hòa hoạt động mạch máu não, từ đó làm tăng dòng chảy máu lên não bộ. Magie có nhiều trong các thực phẩm bao gồm: Cá, các loại hạt, bơ, chanh leo, chuối, rau xanh đậm, socola đen,…

Curcumin: curcumin là một chiết xuất flavonoid có chứa trong củ nghệ vàng, được chứng minh có tác dụng chống oxy hóa và chống viêm. Curcumin tham gia bảo vệ não bộ khỏi những tổn hại do quá trình oxy hóa và duy trì sợi trục thần kinh.

Chất béo Omega-3: chất béo omega-3 giúp tăng cường hoạt động của các ty thể, là cỗ máy sản sinh năng lượng của tế bào. Đồng thời omega-3 giảm tình trạng oxy hóa các chất và việc sinh ra các gốc oxy hóa tự do. Nhiều nghiên cứu đã chứng minh tác dụng của omega-3 trên các rối loạn thần kinh, ví dụ: đột quỵ, co giật, xuất huyết não,… Thực phẩm chứa nhiều chất béo Omega-3 bao gồm: dầu cá, dầu gan cá, cá mòi, cá hồi, cá basa, cá bơn, cá trích, cá ngừ, hàu và một số loại hạt như: óc chó, hạnh nhân, hạt hướng dương, hạt chia…

Kẽm: kẽm là một nguyên tố tham gia vào hoạt động của ít nhất 80 enzym khác nhau trong hệ thần kinh trung ương của con người. Kẽm cũng tham gia vào điều hòa chất vận chuyển thần kinh sau xynap. Những thiếu hụt kẽm trong cơ thể có thể gây ra tổn hại về thần kinh thứ phát trong chấn thương sọ não. Những thực phẩm giàu kẽm bao gồm: sò, vừng, hạt điều, sữa bột tách béo, thịt bò, đậu hà lan, lòng đỏ trứng,…

b, Các thực phẩm hạn chế dùng

– Thực phẩm chứa nhiều đường tinh luyện như: nước ngọt, nước có ga, bánh kẹo và các thực phẩm đóng hộp.

 

– Những thực phẩm chứa nhiều chất béo bão hòa như: mỡ động vật, các thực phẩm chiên rán sẵn, đồ ăn nhanh,…

 

Ths.Bs Đỗ Tất Thành – Trưởng khoa Dinh dưỡng

Tagged in: Tags: