Chấn thương sọ não trẻ em

02/02/2024 07:00

Trẻ em như búp trên cành, luôn được nâng niu, chăm sóc và nhận được sự quan tâm đặc biệt của cả gia đình và xã hội.

 

Khi xảy ra chấn thương, đôi khi một số phụ huynh lo lắng thái quá, dẫn tới việc các cháu phải đi khám bệnh nhiều lần, chụp nhiều phim Xquang cũng như cắt lớp vi tính, không tốt cho sức khỏe của trẻ. Một số phụ huynh lại quá chủ quan sau khi trẻ bị tai nạn, với suy nghĩ là các cháu được “mụ đỡ”, kéo theo sự chậm trễ trong việc phát hiện và điều trị sớm cho trẻ.

 

Vậy, làm sao cho đúng, cho đủ, là một việc vừa đơn giản, nhưng không phải ai cũng làm được.

 

1. Chấn thương sọ não ở trẻ em là gì?

 

Chấn thương sọ não ở trẻ em xảy ra khi có một tác động trực tiếp hoặc gián tiếp vào đầu trẻ dẫn tới các tổn thương tùy thuộc vào cường độ va chạm. Từ ngoài vào trong ta có thể gặp tụ máu hoặc vết thương ở da đầu, vỡ xương sọ, chảy máu trong não. Trẻ mới biết đi gặp nhiều máu tụ hơn vỡ xương. Ngược lại, những đứa trẻ lớn hơn sẽ ít máu tụ hơn nhưng lại bị gãy xương nhiều hơn vì hộp sọ kém linh hoạt.

 

2. Nguyên nhân là gì?

 

Phụ thuộc vào độ tuổi, giai đoạn phát triển và hoạt động của trẻ.

 

Ở trẻ sơ sinh, đó là những cú ngã ghế cao, giường, bàn thay tã, tay người thân, do sự rung lắc mạnh khi cháu được bế, hay trêu đùa.

 

Khi trẻ lớn hơn và tập đi, chấn thương đầu chủ yếu là do ngã từ xe tập đi, xe đẩy, cầu thang, tay của người thân, nhưng cũng có thể do đồ đạc rơi vào đầu hoặc va vào thành giường, bàn ghế.

 

Đối với trẻ lớn hơn, đó là những tai nạn liên quan đến thể thao, các hoạt động luyện tập bên ngoài như đạp xe, đi xe scooter, xe đạp…

 

3. Triệu chứng chấn thương sọ não

 

Điều quan trọng là phải biết cách phát hiện chấn thương sọ não và đánh giá mức độ nghiêm trọng của nó. Tình trạng chảy máu trong não có thể dẫn đến nguy cơ hôn mê ở trẻ và đe dọa tính mạng nếu không được phát hiện kịp thời.

 

Với trẻ bị chấn thương, cần đánh giá ngay 3 yếu tố: độ tuổi, độ cao của cú ngã và hoàn cảnh ngã.

 

– Trẻ nhỏ dưới 2 tuổi bị ngã trên 90cm: có nguy cơ bị tổn thương chảy máu não. Việc rơi khỏi vòng tay của cha mẹ tưởng chừng không quá cao nhưng lại khá nguy hiểm khi so với kích thước của trẻ.

 

– Đối với trẻ trên 2 tuổi, yếu tố rủi ro xuất hiện nếu trẻ ​​ngã cao quá 1,5m (chẳng hạn như rơi từ giường tầng, bàn thay tã): Các dấu hiệu có thể xuất hiện như nôn mửa, đau đầu, hành vi bất thường, không tỉnh táo như thường ngày. Nếu trẻ nôn ngay sau khi ngã, đây không hẳn là dấu hiệu của tình trạng nghiêm trọng. Ngược lại, những biểu hiện trên càng xuất hiện muộn kể từ thời điểm xảy ra tai nạn thì nguy cơ chấn thương não càng lớn.

 

4. Chẩn đoán chấn thương đầu ở trẻ em

 

Nếu trẻ ​​ngã xảy ra trong những trường hợp (cao hơn 90cm đối với trẻ dưới 2 tuổi và cao hơn 1,5m đối với trẻ trên 2 tuổi), trẻ phải được khám ngay cả khi trẻ không có bất kỳ triệu chứng nào. Bởi vì tổn thương não có thể diễn ra âm thầm.

 

Nếu tổn thương vào đầu xảy ra ngoài các tiêu chí này nhưng trẻ vẫn có biểu hiện khiến gia đình lo lắng, hãy đến cở sở y tế ngay trong ngày để có thể tiến hành chẩn đoán và đánh giá xem đó có phải là trường hợp khẩn cấp hay không. Nếu cuối cùng bạn vẫn không yên tâm, bạn nên theo dõi con bạn trong 48 giờ.

 

5. Xử trí chấn thương đầu ở trẻ em

 

Đến bệnh viện, đầu tiên trẻ sẽ được khám và sau đó được theo dõi. Chẩn đoán hình ảnh (cắt lớp vi tính sọ não) sẽ được thực hiện tùy thuộc vào độ tuổi của trẻ, độ cao khi ngã, hoàn cảnh chấn thương và nguy cơ nghi ngờ chảy máu trong não. Không phải trẻ nào cũng phải chụp cắt lớp. Thông thường, đội ngũ y tế sẽ hỏi bệnh và khám, theo dõi trẻ từ 4 đến 6 giờ hoặc cho đến ngày hôm sau trước khi tiến hành chụp phim tùy thuộc vào thời điểm trẻ nhập viện.

 

Tùy thuộc vào mức độ tổn thương, việc điều trị sẽ bao gồm cho về nhà, cho về tuyến dưới theo dõi, theo dõi tại khoa nhi hoặc khoa phẫu thuật thần kinh hoặc đôi khi phải can thiệp bằng phẫu thuật để loại bỏ khối máu tụ. Thời gian nằm viện sẽ phụ thuộc vào mức độ tổn thương não và tình trạng của trẻ.

 

6. Dự phòng chấn thương sọ não

 

Để ngăn ngừa nguy cơ chấn thương sọ não, bạn chỉ cần áp dụng một số quy tắc:

 

– Không bao giờ để trẻ một mình trên mép giường hoặc ghế sofa nếu trẻ đã biết lật (từ 4 tháng).

 

– Không sử dụng khung tập đi hay xe tập đi (nguy cơ ngã cầu thang).

 

– Khi trẻ lớn hơn, mặc quần áo gọn gàng giúp trẻ tập đi, vận động không vướng víu.

 

– Không rung lắc trẻ.

 

– Khi trẻ lớn, hãy cân nhắc đội mũ bảo hiểm nếu trẻ đi xe đạp, xe tay ga, ván trượt hoặc bất kỳ môn thể thao nào khác nhằm bảo vệ đầu.

 

TS.BS Nguyễn Duy Tuyển – Trung tâm Phẫu thuật Thần kinh, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là địa chỉ thăm khám, phòng ngừa và điều trị các bệnh lý về Thần kinh uy tín hàng đầu. Để tìm hiểu thêm về thông tin bệnh lý và nhu cầu chăm sóc sức khỏe vui lòng liên hệ:

 

   BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ VIỆT ĐỨC
   – Địa chỉ: 40 Tràng Thi – Hoàn Kiếm – Hà Nội
   – Tổng đài đặt lịch khám: 19001902
   – Fanpage: Facebook.com/bvvietduc
   – Website: Benhvienvietduc.org

Tagged in: Tags:

Tư vấn trực tuyến

Tư vấn trực tuyến tuyển sinh 2024: Chủ đề “Hiểu đúng ngành – Chọn đúng nghề”

Nghề y là một nghề đặc biệt, nhân lực ngành y tế phải đáp ứng yêu cầu cả về chuyên môn và y đức, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt. Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6 khóa XII về tăng cường công…

Xem tiếp

Kết nối Facebook