Chẩn đoán và phương pháp điều trị bệnh lý đau dây thần kinh số V

22/12/2023 07:58

Đau dây thần kinh số V là một bệnh lý thần kinh chức năng không nguy hiểm đến tính mạng nhưng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Các cơn đau diễn ra thường xuyên có thể ảnh hưởng đến cuộc sống sinh hoạt, công việc, nếu không được điều trị thích hợp có thể dẫn tới suy nhược trầm cảm. Bệnh nhân điều trị thuốc chống động kinh trong một thời gian dài có thể gặp một số tác dụng phụ của thuốc.

 

Chẩn đoán

Đau dây thần kinh V được chẩn đoán bằng việc dựa trên các triệu chứng lâm sàng. Bác sĩ sẽ dựa trên các triệu chứng lâm sàng mà bệnh nhân miêu tả, gồm:

 

Tính chất đau: Đau đột ngột và chỉ kéo dài trong thời gian ngắn.

Vị trí đau: Những vị trí người bệnh thường bị đau giúp bác sĩ chẩn đoán có phải do đau dây thần kinh số 5 hay không.

Hoàn cảnh khởi phát cơn đau: Xuất hiện đột ngột hoặc khi bị kích thích nhẹ ở 2 bên má.

 

Ngoài ra, để chẩn đoán chính xác, bác sĩ sẽ thực hiện các bài kiểm tra gồm:

Thăm khám hệ thần kinh để kiểm tra vùng bị đau và kiểm tra phản xạ giúp nhận định các triệu chứng đau do chèn ép dây thần kinh hay bởi nguyên nhân khác.

Chụp MRI: Hình ảnh cộng hưởng từ giúp loại trừ các khối choán chỗ vùng hố sau, xác định xung đột, mức độ xung đột mạch máu thần kinh.

 

Phương pháp điều trị

Một số liệu pháp điều trị bằng thuốc và phẫu thuật được áp dụng hiện nay được chia làm ba nhóm chính:

Điều trị thuốc hay nội khoa (drug therapy).

Các can thiệp phá hủy (destructive procedures): can thiệp hạch qua da, tia xạ.

Can thiệp không phá hủy (non-destructive procedures): phẫu thuật giải ép thần kinh.

 

Hiện nay phương pháp điều trị đầu tay của bệnh lý đau dây V là điều trị bằng thuốc. Đa số các thuốc điều trị là thuốc chống động kinh, các phương pháp can thiệp chỉ được đặt ra khi điều trị bằng thuốc không thuyên giảm hoặc gây ra các tác dụng phụ nặng nề.

 

Các can thiệp phá hủy là các phương pháp nhằm tiêu diệt tận gốc dây thần kinh số V do đó làm giảm các triệu chứng của đau nửa mặt. Ưu điểm của các phương pháp này là can thiệp đơn giản dễ thực hiện hơn so với phẫu thuật giải ép xung đột. Tuy nhiên các phương pháp này để lại di chứng và có tỉ lệ tái phát cao.

 

Hiện nay phương pháp can thiệp không phá hủy (mổ giải ép xung đột mạch máu thần kinh) là phương pháp can thiệp chính điều trị đau dây V đem lại hiệu quả cao về tỉ lệ giảm đau và hạn chế tái phát. Phương pháp mổ giải ép trước đây được thực hiện dưới kính vi phẫu, tuy nhiên vẫn còn tồn tại một số hạn chế nhất định do khuất tầm nhìn, dễ bỏ sót tổn thương. Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã áp dụng phương pháp mổ nội soi hoàn toàn cho điều trị đau dây V. Phẫu thuật nội soi điều trị đau dây V mang lại một vài lợi thế so với kính hiển vi về hình ảnh với độ phân giải cao và an toàn về giải phẫu mạch máu thần kinh, và cung cấp chế độ xem toàn cảnh sẽ mở rộng tầm nhìn của phẫu trường, trong khi sử dụng kính hiển vi yêu cầu vén tiểu não hoặc thân não và yêu cầu phẫu tích rộng rãi để cho phép nhìn không bị cản trở các cấu trúc mạch thần kinh liên quan.

Hình ảnh phân bố vùng đau trong đau dây thần kinh số V

Phương pháp can thiệp hạch qua da

Phẫu thuật nội soi giải ép xung đột mạch máu thần kinh

BS Đồng Văn Sơn – Khoa Phẫu thuật Thần kinh I, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức.

 

 

Xem thêm: Nguyên nhân, triệu chứng và các biến chứng của bệnh lý đau dây thần kinh số V

 

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là địa chỉ thăm khám, phòng ngừa và điều trị các bệnh lý về thần kinh uy tín hàng đầu. Để tìm hiểu thêm về thông tin bệnh lý và nhu cầu chăm sóc sức khỏe vui lòng liên hệ:

 

   BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ VIỆT ĐỨC
   – Địa chỉ: 40 Tràng Thi – Hoàn Kiếm – Hà Nội
   – Tổng đài đặt lịch khám: 19001902
   – Fanpage: Facebook.com/bvvietduc
   – Website: Benhvienvietduc.org

Tagged in: Tags:

Tư vấn trực tuyến

Tập huấn trực tuyến: Quy trình chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Nhằm cập nhật kiến thức trong chẩn đoán, điều trị cho các y, bác sĩ, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng điều trị cho người bệnh, ngày 18/5, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tổ chức khóa tập huấn trực tuyến “Quy trình chạy thận nhân…

Xem tiếp

Kết nối Facebook