Chẩn đoán và điều trị viêm tụy cấp

30/06/2023 07:17

Viêm tụy cấp là một cấp cứu thường gặp do men tụy từ dạng chưa hoạt động chuyển thành dạng hoạt động ngay tại tuyến tụy và tiêu hủy tuyến tụy. Bệnh thường gặp trong cấp cứu ngoại khoa. Bệnh cảnh lâm sàng phức tạp, dễ nhầm với các bệnh ngoại khoa khác như tắc ruột, thủng dạ dày, viêm phúc mạc…

 

TS.BS Nguyễn Hải Nam, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Gan mật, Bệnh viện HN Việt Đức cho biết: Nguyên nhân thường gặp nhất là sỏi mật và rượu. Ở các nước Âu, Mỹ, nguyên nhân do rượu là chủ yếu, sau đó là sỏi túi mật. Ở Việt Nam, nguyên nhân thường gặp nhất là sỏi mật và giun chui ống mật, viêm tụy cấp do rượu ngày càng tăng dần. Có nhiều giả thuyết về cơ chế bệnh sinh của viêm tụy cấp. Phần lớn cho rằng hiện tượng tăng tiết các men tụy, đặc biệt là Trypsin được hoạt hóa ngay trong tuyến tụy khi gặp enzyme enterokinase của tá tràng gây tiêu hủy tổ chức tụy ngay ở tuyến tụy. Rượu gây tăng bài tiết của tụy, tăng tiết dịch vị. Rượu gây tổn thương tuyến tụy là do sự thoát mạch của men tụy và gây nên tổn thương nhu mô tụy, gây viêm tụy qua cơ chế trung gian của tình trạng tăng cao triglyceride trong máu.

 

Sỏi mật: Cơ chế viêm tụy cấp do sỏi mật đã được kiểm chứng trên lâm sàng.

 

Các nguyên nhân khác: Chấn thương tụy, chụp mât tụy ngược dòng…

 

TS.BS Nguyễn Hải Nam, Phó Trưởng khoa Phẫu thuật Gan mật, Bệnh viện HN Việt Đức khám cho người bệnh

 

1. Triệu chứng

– Đau bụng thượng vị: triệu chứng chủ yếu, có thể đau âm ỉ hoặc dữ dội, đau xuyên sau lưng lan lên vai, lan xuống bụng dưới

– Nôn, buồn nôn

– Bí trung đại tiện

– Trong viêm tụy cấp thể phù tình trạng toàn thân còn tương đối tốt.

– Thể hoại tử chảy máu, phần lớn có biểu hiện sốc: mạch nhanh nhỏ, huyết áp khó đo…

Ngoài ra, có thể có một số dấu hiệu cho biết viêm tụy cấp nặng như vàng da, vàng mắt, tràn dịch màng phổi, chảy máu tiêu hóa…

– Thành bụng co cứng

– Vùng thượng vị đầy, có phản ứng thành bụng, ngoài ra có thể thấy khối vùng thượng vị.

– Mảng bầm tím quanh rốn trong trường hợp muộn.

– Điểm sườn lưng ( điểm Mayo – Robson) đau.

 

2. Chẩn đoán:

Xét nghiệm

– Amylase máu và niệu tăng

– Đường máu tăng

– Calci máu giảm

– Transamine, photphatase kiềm, bilirubin, LDH… tăng

 

Chẩn đoán hình ảnh

– Siêu âm: tuỵ to hơn bình thường, dịch quanh tụy và trong ổ bụng, hình nang tụy, hoại tử nhu mô tụy, sỏi, giun đường mật.

– Chụp bụng không chuẩn bị: quai ruột cảnh vệ

– Cắt lớp vi tính: rất có giá trị trong chẩn đoán, đánh giá chính xác hơn siêu âm.

– Điện tim: có thể thấy dấu hiệu nhồi máu cơ tim như ST chênh, T dẹt.

 

Chẩn đoán phân biệt

– Thủng ổ loét dạ dày, tá tràng

– Tắc ruột

– Viêm phúc mạc mật

– Phồng động mạch chủ bụng

– Nhồi máu mạc treo

– Nhồi máu cơ tim

– Ngộ độc thức ăn

– Viêm phổi

– Nhiễm thể cetonic trong đái tháo đường

 

3. Điều trị

Điều trị nội khoa

– Hồi sức tích cực chống sốc: cần theo dõi tình trạng huyết động, áp lực tĩnh mạch trung tâm, đặt sonde bàng quang theo dõi nước tiểu…

– Giảm đau, chú ý không dung giảm đau dạng Morphin

– Đặt sonde dạ dày, khi cần có thể hút liên tục

– Hỗ trợ hô hấp: thở oxygen, có thể thở máy áp lực dương, hoặc chọc hút dịch màng phổi…

– Giảm bài tiết dịch tụy: bằng các thuốc giảm tiết acid dạ dày, kháng H2. Somatostatin đã được nhiều công trình nghiên cứu chứng tỏ có tác dụng trong điều trị viêm tụy

– Chạy thận nhân tạo trong trường hợp suy thận

– Chống nhiễm khuẩn: kháng sinh

 

Điều trị ngoại khoa

– Nếu có nguyên nhân cơ giới như sỏi mật, giun chui ống mật: mổ giải quyết nguyên nhân, dẫn lưu đường mật, dẫn lưu hậu cung mạc nối…

– Nếu không có nguyên nhân cơ giới: chỉ mổ với trường hợp không đáp ứng với điều trị nội khoa hoặc có biến chứng như thủng ruột, chảy máu…trong mổ có thể lấy tổ chức tụy hoại tử, hoặc cắt 1 phần tụy và dẫn lưu rộng rãi…

 

Phòng Công tác xã hội

Tagged in: Tags: