Chẩn đoán và điều trị viêm điểm bám lồi cầu ngoài cánh tay (Hội chứng Tennis-elbow)

15/04/2024 07:51

 

Bệnh lý viêm điểm bám gân thường là hậu quả của việc quá tải các hoạt động lặp lại nhiều lần, dẫn đến những stress cho các tổ chức gân tại chỗ, đến một mức độ nào đó có thể gây nên thương tổn thực thể như đứt hoặc rách, dẫn đến triệu chứng đau hoặc giảm chức năng gân.

 

Cụm từ viêm điểm bám gân (Tendonitis) dùng để miêu tả viêm mạn tính nhiều lần của gân, mà trong bệnh sử đã từng có những lần đau tại điểm tương ứng. Các tổ chức viêm đã được tái tạo và sửa chữa nhiều lần nhưng do mạch máu gân nghèo nàn cũng như sự lặp đi lặp lại của chấn thương dẫn tới thoái hóa và viêm gân mạn tính.

 

1/ Phương pháp chẩn đoán

 

Bác sĩ sẽ đặt một số câu hỏi để thu thập thông tin về triệu chứng, tiền sử bệnh trước đó, diễn biến bệnh đợt này. Sau đó sẽ tiến hành thăm khám tình trạng toàn thân và tình trạng tại chỗ để chẩn đoán bệnh.

 

Có một vài nghiệm pháp được sử dụng để đánh giá viêm điểm bám gân lồi cầu ngoài như nghiệm pháp Mill’s: BN duỗi khuỷu, sấp và duỗi cổ tay tối đa, người thăm khám sẽ làm 1 lực đối trọng với động tác duỗi cổ tay của người bệnh, nghiệm pháp dương tính khi đau tại vị trí mỏm trên lồi cầu ngoài.

Nghiệm pháp Mill’s trong thăm khám

Một vài thăm dò cận lâm sàng sẽ được áp dụng trong từng trường cụ thể như:  

 

– Điện cơ: Phương pháp điện cơ được thực hiện với mục đích kiểm tra các tổn thương có liên quan với dây thần kinh vùng khuỷu, tốc độ và hiệu quả truyền tín hiệu. Ngoài ra, đây cũng là cách để đo chính xác hoạt động điện trong cơ khi ở trạng thái nghỉ ngơi hoặc hoạt động.

 

– Chụp X-quang: Phương pháp chẩn đoán này được sử dụng để kiểm tra tình trạng tổn thương xương, khớp vùng khuỷu như chấn thương cũ, viêm xương, thoái hóa khớp khuỷu,.. Trong viêm điểm bám gân lồi cầu ngoài có thể thấy hình ảnh phì đại hoặc mảnh xương ở lồi cầu ngoài.

 

Vôi hóa vị trí điểm bám gân lồi cầu ngoài trên phim X-Quang khuỷu

 

– Siêu âm: biện pháp đầu tay và hữu hiệu để chẩn đoán viêm điểm bám gân lồi cầu ngoài xương cánh tay.

 

– Chụp cộng hưởng từ: Đây là phương pháp được sử dụng để phát hiện chứng tổn thương chèn ép tại cột sống cổ như thoát vị đĩa đệm có liên quan đến nguyên nhân gây đau khuỷu tay; Chụp cộng hưởng từ vùng khuỷu giúp đánh giá chẩn đoán và xác định mức độ tổn thương viêm gân, đứt gân,…

 

Cộng hưởng từ khuỷu cho thấy viêm điểm bám gân lồi cầu ngoài

2/ Phương pháp điều trị

 

Điều trị bệnh lý gồm nhiều phương pháp tùy theo từng người bệnh: Độ tuổi, nghề nghiệp, nhu cầu vận động, mức độ tổn thương tại chỗ,… Do đó người bệnh cần được thăm khám cụ thể và tư vấn kỹ lưỡng của bác sỹ. Hai nhóm phương pháp điều trị chính gồm có:

 

2.1 Điều trị không phẫu thuật

 

– Đây là phương pháp điều trị đầu tay, mục tiêu của ĐT không mổ gồm 2 vấn đề: Giảm các stress tác động đến tổ chức viêm và tăng khả năng hồi phục của các mô tổn thương.

 

– Khoảng 75-90% bệnh nhân có đáp ứng tốt với điều trị không phẫu thuật.

 

– Các phương thức:

 

+ Nghỉ ngơi trong các hoạt động dẫn đến triệu chứng hoặc bệnh lý chứ không phải toàn bộ hoạt động. Vấn đề chơi thể thao ở vận động viên cần trao đổi kỹ giữa bác sỹ và huấn luyện viên để đề ra chế độ nghỉ ngơi và tập luyện phù hợp.

 

+ Thuốc kháng viêm NSAID (Ibuprofen, Naproxen…) tác dụng trong đợt đau cấp, tối đa 4 tuần.

 

+ Liệu pháp tiêm Corticoid tại chỗ, thường giúp giảm đau trong khoảng 6 tuần. 2 phương án này giúp bệnh nhân giảm đau nhanh nhưng không có tác dụng cho việc hồi phục tổn thương thực thể cũng như chức năng của phần mô tổn thương.

 

+ Nẹp chuyên dụng: Dùng trong Hội chứng Tennis Elbow, tạo 1 lực lên nguyên ủy gân, làm giảm triệu chứng, nẹp này hỗ trợ người bệnh có thể hoạt động lao động và chơi thể thao nhẹ nhàng nhưng không cần thiết trong các hoạt động sinh hoạt hàng ngày.

 

Nẹp chuyên dụng trong điều trị bệnh lý viêm điểm bám lồi cầu ngoài

 

+ Tập phục hồi chức năng: Đây là phương thức cơ bản giúp cải thiện chức năng và chất lượng tổ chức mô, có 6 bài tập cơ bản: Duỗi cổ tay, gấp cổ tay, sấp/ngửa cẳng tay, duỗi ngón tay và bóp bóng. Các bài tập cần diễn ra trong 2-3 tháng để thấy tác dụng với việc giảm triểu chứng.

 

Một số bài tập cơ bản trong điều trị

 

+ Liệu pháp siêu âm sóng xung kích: Phương pháp điều trị này có tác dụng phá vỡ mô sẹo, làm tăng lưu lượng máu và đẩy nhanh quá trình chữa lành.

 

2.2 Điều trị phẫu thuật

 

Sau khi theo dõi ít nhất 3 tháng với liệu trình điều trị không phẫu thuật nếu bệnh nhân không cải thiện về triệu chứng có thể đặt ra chỉ định phẫu thuật. Điểm mấu chốt để phẫu thuật thành công là xác định được và loại bỏ phần tổ chức viêm mạn tính, thiểu dưỡng, hoại tử mà làm tổn thương tối thiểu đến tổ chức mô lành xung quanh.

 

Mô phỏng phẫu thuật điều trị viêm điểm bám gân lồi cầu ngoài cánh tay

 

Phẫu thuật có thể tiến hành bằng phương pháp mổ mở hoặc nội soi:

.

Minh họa phẫu thuật nội soi khuỷu điều trị bệnh lý viêm điểm bám gân lồi cầu ngoài cánh tay

 

3/ Khuyến cáo

 

Viêm điểm bám gân lồi cầu ngoài xương cánh tay là một bệnh lý thường gặp. Tình trạng này đa phần có xu hướng phục hồi sau một thời gian nghỉ dưỡng và điều trị phù hợp. Tuy nhiên, nếu viêm mãn tính xuất hiện, khả năng tái phát cao hơn, về lâu dài sẽ dẫn đến nhiều biến chứng nghiêm trọng. Vì vậy, việc phát hiện sớm để điều trị dứt điểm là thực sự cần thiết nhằm tránh gây ảnh hưởng đến sức khỏe, lao động và sinh hoạt.

 

ThS.BS Nguyễn Mộc Sơn – Khoa Phẫu thuật Chi trên và Y học thể thao, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

 

Tagged in: Tags:

Tư vấn trực tuyến

Tập huấn trực tuyến: Quy trình chạy thận nhân tạo tại Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

Nhằm cập nhật kiến thức trong chẩn đoán, điều trị cho các y, bác sĩ, góp phần nâng cao hiệu quả và chất lượng điều trị cho người bệnh, ngày 18/5, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã tổ chức khóa tập huấn trực tuyến “Quy trình chạy thận nhân…

Xem tiếp

Kết nối Facebook