Chẩn đoán và điều trị Ung thư tuyến tiền liệt

15/03/2021 07:12

Ung thư tiền liệt tuyến là bệnh lý ác tính thường gặp ở nam giới cao tuổi, diễn tiến chậm và liên tục với nhiều mức độ khác nhau nên bệnh có tầm ảnh hưởng đến khoảng tuổi rộng hơn.

 

Theo số liệu của Cơ quan Thế giới Nghiên cứu Ung thư IARC, ung thư tiền liệt tuyến có khoảng 1.112.000 ca mới mỗi năm, chiếm 7,9% tổng số ung thư các loại. Tính riêng về nam giới, ung thư tiền liệt tuyến đứng thứ hai sau ung thư phổi và chiếm 15% tổng số các ung thư nam giới.

 

Nguyên nhân bệnh ung thư tiền liệt tuyến chưa được xác định rõ. Các nghiên cứu không xác lập được sự liên hệ của ung thư tuyến tiền liệt với thói quen hút thuốc lá và uống rượu bia, các yếu tố dinh dưỡng như ăn nhiều thịt, chất béo, các yếu tố chuyển hóa, nội tiết, di truyền…

 

Với sự hữu hiệu của xét nghiệm định lượng PSA và kỹ thuật sinh thiết tiền liệt tuyến, ngày càng có nhiều trường hợp ung thư tiền liệt tuyến được chẩn đoán sớm.

 

1. Triệu chứng lâm sàng

 

Triệu chứng cơ năng thường gặp

 

Giai đoạn đầu của ung thư tuyến tiền liệt, triệu chứng thường không rõ ràng, hoặc có biểu hiện tương tự u phì đại lành tính.

 

– Các triệu chứng kích thích: Đái nhiều lần, đái vội, đái són.

 

– Các triệu chứng chèn ép: Đái khó, phải rặn, đái rớt nước tiểu sau cùng, đái không hết.

 

– Nặng hơn có thể gặp bí đái hoàn toàn hay không hoàn toàn, nhiễm khuẩn tiết niệu, đái máu.

 

Giai đoạn muộn, bệnh có các biểu hiện của di căn ung thư:

 

– Rối loạn tiểu tiện do u xâm lấn vùng cổ bàng quang và xâm lấn lỗ niệu quản.

 

– Di căn xương gây đau nhức xương. Nếu di căn cột sống có thể gây chèn ép tủy, gây liệt chi, rối loạn cơ tròn.

 

– Di căn hạch chậu, gây phù chân.

 

– Xuất tinh ra máu nếu di căn túi tinh.

 

Thực thể: Bác sĩ sẽ thăm khám tuyến tiền liệt qua trực tràng.

 

Người bệnh nằm tư thế sản khoa, được giải thích về quá trình thăm khám để phối hợp với bác sĩ thực hiện khám dễ dàng.

 

Hầu hết các ung thư tuyến tiền liệt xuất hiện ở vùng ngoại vi của tuyến tiền liệt và có thể được phát hiện qua thăm khám trực tràng. Có thể sờ thấy một nhân rắn chắc trên nền nhu mô tuyến mềm mại. Cũng có khi toàn bộ tuyến là một khối rắn chắc như đá, lan rộng ra khỏi ranh giới của tuyến. Khám trực tràng nghi ngờ là một chỉ định tuyệt đối sinh thiết tuyến tiền liệt và là một dự báo rất cao của ung thư.

 

Diễn tiến của ung thư tiền liệt tuyến thường được quan niệm như một quá trình nhiều bước với những đặc điểm riêng biệt về sinh học, trong đó sự phụ thuộc vào hormon sinh dục nam để tăng trưởng có ý nghĩa rất quan trọng trong hầu hết quá trình diễn tiến của ung thư tiền liệt tuyến. Điều trị ung thư tiền liệt tuyến là một chiến lược tổng thể phối hợp đa mô thức bao gồm các biện pháp điều trị đặc hiệu tại chỗ hoặc toàn thân, các biện pháp nâng đỡ chăm sóc giảm nhẹ. Ngay cả khi ở giai đoạn tiến xa, sự vận dụng khéo léo các mô thức điều trị vẫn có thể giúp cải thiện đáng kể chất lượng và kéo dài thời gian sống còn cho người bệnh ung thư tiền liệt tuyến.

 

Với sự gia tăng đều đặn tuổi thọ trung bình của dân số nước ta, bệnh ung thư tiền liệt tuyến đang dần trở thành một gánh nặng cho sức khỏe cộng đồng cũng như một thách thức cho những người làm công tác chăm sóc sức khỏe thuộc nhiều lĩnh vực chuyên khoa khác nhau. Sự phối hợp liên chuyên khoa, liên ngành là điều cần thiết để đem lại hiệu quả tốt nhất trong điều trị và chăm sóc bệnh nhân ung thư tiền liệt tuyến.

 

2. Các xét nghiệm cận lâm sàng cần làm

 

Xét nghiệm kháng nguyên đặc hiệu tuyến tiền liệt PSA

 

Sự phát hiện PSA đã mang lại một cuộc cách mạng trong chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt. Nồng độ PSA được xem như là một biến độc lập và là một yếu tố dự báo ung thư tuyến tiệt liệt chính xác hơn so với thăm khám trực tràng và siêu âm qua đường trực tràng. Tuy nhiên, nồng độ PSA có thể tăng trong trường hợp tăng sinh lành tính tuyến tiền liệt, viêm tuyến tiền liệt và một số bệnh lý không ác tính khác.

 

Hiện nay nồng độ PSA để chẩn đoán ung thư tuyến tiền liệt vẫn đang còn được bàn cãi. Tuy nhiên người ta thấy rằng nồng độ PSA càng cao, thì khả năng tồn tại ung thư tuyến tiền liệt càng lớn.

 

Chẩn đoán hình ảnh

 

Có nhiều phương tiện chẩn đoán hình ảnh như siêu âm bụng, siêu âm tuyến tiền liệt qua trực tràng, chụp cắt lớp vi tính, chụp cộng hưởng từ. Mặc dù độ đặc hiệu cao trong việc đánh giá tình trạng xâm lấn ra ngoài tuyến tiền liệt và vào túi tinh, tuy nhiên siêu âm qua trực tràng vẫn có độ nhạy thấp và có xu hướng xác định giai đoạn ung thư tuyến tiền liệt thấp hơn thực tế. So với siêu âm bụng, siêu âm qua trực tràng và chụp cắt lớp, thì chụp cộng hưởng từ cho thấy độ chính xác cao hơn trong việc đánh giá bệnh ở một hoặc hai thùy, xâm lấn ra bên ngoài tuyến hoặc túi tinh, cũng như xâm lấn ra các cấu trúc lân cận.

 

Sinh thiết tuyến tiền liệt

 

Hiện nay sinh thiết tuyến tiền liệt dưới hướng dẫn siêu âm (có thể qua trực tràng hoặc qua đáy chậu) được xem là tiêu chuẩn. Tỷ lệ phát hiện ung thư tuyến tiền liệt dựa vào sinh thiết qua đáy chậu và qua trực tràng là ngang nhau.

 

Chỉ định sinh thiết tuyến tiền liệt dựa trên cơ sở nồng độ PSA và/hoặc có nghi ngờ khi thăm khám trực tràng. Cũng cần phải xem xét đến các yếu tố tuổi, bệnh kèm theo và hậu quả điều trị. Cần xét nghiệm lại PSA sau một vài tuần trong các điều kiện tiêu chuẩn (không xuất tinh và không làm các thủ thuật, như đặt thông niệu đạo bàng quang, soi bàng quang hoặc cắt đốt nội soi qua niệu đạo, và không có nhiễm trùng đường tiểu) ở cùng một nơi xét nghiệm và cùng phương pháp đã tiến hành lần trước.

 

3. Điều trị ung thư tuyến tiền liệt

 

Tùy theo triệu chứng bệnh, kết quả thăm khám lâm sàng và các kết quả xét nghiệm, sinh thiết mà bác sỹ sẽ đưa ra phương thức điều trị phù hợp với từng bệnh nhân.

 

– Ước tính thời gian sống còn của bệnh nhân ít hơn 5 năm và không có triệu chứng thì không xử trí gì thêm.

 

– Nếu khả năng bệnh nhân sống hơn 5 năm hay hiện có triệu chứng thì phải xử trí thêm. Bệnh nhân sẽ được phân nhóm nguy cơ theo kết quả xét nghiệm PSA, giai đoạn bệnh và kết quả sinh thiết.

 

Điều trị tối ưu: Cắt tuyến tiền liệt tận gốc và nạo vét hạch.

 

Phương pháp này áp dụng tối ưu ở các bệnh nhân:

 

– Ung thư giai đoạn khu trú

 

– Thời gian kỳ vọng sống thêm ≥ 10 năm.

 

– Không có bệnh kèm theo như: tim mạch, đái tháo đường, di chứng tai biến mạch máu não…

 

– Chưa di căn hạch (thực tế khoảng 2-4% bệnh nhân đã có di căn hạch chậu vẫn có thể được cắt tuyến tiền liệt tận gốc).

 

– Điểm Gleason ≤ 8.

 

– PSA < 20 ng/ml.

 

Điều trị tạm thời: Cắt u nội soi qua đường niệu đạo hoặc dẫn lưu bàng quang, kèm cắt tinh hoàn khi không còn chỉ định điều trị tối ưu.

 

Điều trị phối hợp:

 

– Điều trị nội tiết: Dùng những thuốc chống lại sự hoạt động của androgen và sự tăng sinh của tuyến tiền liệt, bao gồm nội tiết tố và những chất không phải nội tiết tố. Phương pháp này áp dụng chủ yếu với ung thư tuyến tiền liệt giai đoạn muộn khi đã có tái phát và di căn xa không còn khả năng điều trị tiệt căn.

 

– Xạ trị: Xạ trị ngoài vào vùng chậu hoặc xạ trị khu trú vào tuyến tiền liệt.

 

4. Phòng bệnh và theo dõi sau điều trị

 

Theo dõi triệu chứng lâm sàng: Các dấu hiệu cơ năng như đã nêu trên.

 

– Theo dõi xét nghiệm PSA định kì.

 

– Chụp PET/CT nếu có điều kiện.

 

– Thực hiện lối sống lành mạnh, tích cực vận động.

 

Phòng Công tác xã hội

 

 

 

 

Tagged in: Tags: