Chẩn đoán và điều trị bệnh động mạch chi dưới

29/03/2024 07:52

 

1. Chẩn đoán bệnh động mạch chi dưới

 

Phát hiện các dấu hiệu lâm sàng:

 

Triệu chứng kinh điển của bệnh là đau ở chân khi hoạt động thể chất, chẳng hạn như đi bộ, sẽ đỡ hơn sau khi nghỉ ngơi. Các triệu chứng đau, nhức hoặc chuột rút khi đi lại (đi khập khiễng) có thể xảy ra ở mông, hông, đùi hoặc bắp chân.

 

Các dấu hiệu thực thể ở chân có thể cho thấy ở bệnh động mạch chi dưới bao gồm teo cơ (yếu); rụng lông; da mỏng, sáng bóng; da lạnh khi chạm vào, đặc biệt nếu kèm theo đau cách hồi khi đi bộ (điều này sẽ thuyên giảm khi ngừng đi bộ); giảm hoặc mất mạch ở bàn chân; vết loét hoặc vết loét ở chân hoặc bàn chân không lành; và ngón chân lạnh hoặc tê.

 

Chẩn đoán cận lâm sàng

 

– Chỉ số huyết áp cổ chân -cánh tay(ABI) được xác định bằng cách chia số huyết áp tâm thu cổ chân cho huyết áp cánh tay khi nghỉ ngơi và sau khi tập thể dục để phát hiện sớm bệnh động mạch chi dưới.

 

Khi nghỉ ngơi, chỉ số ABI bình thường trong khoảng 1 -1,3.

 

ABI lớn hơn 1,3 thường gợi ý thành động mạch cứng, thường do xơ vữa và vôi hóa, ngay lúc này cần gửi bệnh nhân tới khám các chuyên khoa.

 

ABI ở khoảng 0,8-0,9 có nghĩa là bệnh động mạch chi dưới ở mức nhẹ, khuyến nghị cần điều trị các yếu tố nguy cơ.

 

ABI < 0,5 thường chỉ điểm có bệnh mạch máu ngoại biên nặng, có thiếu máu chi trầm trọng, cần gửi bệnh nhân khám chuyên khoa ngay.

 

– Siêu âm Doppler mạch máu và chụp cắt lớp vi tính đa dãy dựng hình mạch máu để chẩn đoán chính xác bệnh, mức độ hẹp tắc, và định hướng cho xử trí, điều trị.

 

2. Điều trị bệnh động mạch chi dưới

 

Điều trị đúng chuyên khoa là điều quan trọng nhất để giảm thời gian chi bị thiếu máu, tăng khả năng tái thông mạch và bảo tồn chi dưới. Các phương pháp điều trị hiện nay bao gồm:

 

– Điều trị thuốc: Bệnh nhân cần được điều trị bằng thuốc ngay cả khi không can thiệp phẫu thuật mạch máu hoặc trước và sau can thiệp, phẫu thuật mạch máu. Các thuốc được dùng gồm thuốc chống tắc mạch (thuốc chống ngưng tập tiểu cầu hoặc kèm kháng đông thế hệ mới liều thấp), các thuốc giãn mạch, tăng cường máu đến nuôi dưỡng chi, các thuốc ổn định mảng xơ vữa, thuốc kiểm soát tăng huyết áp, tiểu đường.

 

– Điều trị bằng can thiệp nội mạch máu: Là phương pháp hiện đại và đã được tiến hành ở nhiều nước trên thế giới cũng như Việt Nam, tuy nhiên cần có những trung tâm chuyên sâu về mạch máu để được điều trị đúng mức và hiệu quả. Phương pháp này ít xâm lấn, bác sĩ chỉ dùng dụng cụ đưa vào trong lòng động mạch bị hẹp, nong đoạn hẹp và đặt giá đỡ (stent) tại vị trí hẹp. Kết quả của điều trị bằng can thiệp mạch đã đạt được kết quả rất tốt, ưu điểm có thể can thiệp được nhiều mạch, nhiều tầng mạch máu trong 1 cuộc can thiệp, bệnh nhân hồi phục nhanh, có thể ra viện sớm.

 

– Điều trị ngoại khoa: Phẫu thuật bóc nội mạc, bắc cầu bằng vật liệu tự thân hoặc mạch nhân tạo là các phương pháp điều trị kinh điển, bác sỹ sẽ làm một cầu nối mới đi vòng qua chỗ động mạch bị tổn thương.

 

– Phẫu thuật Hybrid: Là phối hợp cả can thiệp nội mạch và phẫu thuật mạch chi dưới, tận dụng được ưu điểm của cả hai phương pháp, đem lại hiệu quả tưới máu tối đa đặc biệt là những tổn thương khó mà can thiệp hoặc phẫu thuật riêng rẽ không thể thực hiện được, hoặc thực hiện kém hiệu quả. Đây là phương pháp hiện đại, đòi hỏi sự chuyên môn cao cũng như phối hợp nhịp nhàng giữa 2 thì, 2 êkip, gây mê, gây tê.

 

Tại Trung tâm Tim mạch – Lồng ngực, Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, hàng năm có khoảng 300 bệnh nhân được mổ và can thiệp điều trị hẹp tắc động mạch chi dưới, trong đó đa phần là các trường hợp thiếu máu trầm trọng chi dưới. Trung tâm tim mạch và lồng ngực bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức cũng đã triển khai đông bộ tất cả các phương pháp điều trị bệnh động mạch chi dưới nhiều năm nay: Phẫu thuật Hybrid, can thiệp nội mạch, phẫu thuật, điều trị nội khoa. Quan điểm điều trị: Tái thông mạch tối đa, cắt cụt tối thiểu. Trung tâm đã điều trị và cứu chữa cho hàng trăm trường hợp tránh phải tàn phế do bệnh động mạch chi dưới hàng năm.

 

Trung tâm Tim mạch – Lồng ngực, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức

 

 

Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức là địa chỉ thăm khám, phòng ngừa và điều trị các bệnh lý về Tim mạch và Lồng ngực uy tín hàng đầu. Để tìm hiểu thêm về thông tin bệnh lý và nhu cầu chăm sóc sức khỏe vui lòng liên hệ:

 

   BỆNH VIỆN HỮU NGHỊ VIỆT ĐỨC
   – Địa chỉ: 40 Tràng Thi – Hoàn Kiếm – Hà Nội
   – Tổng đài đặt lịch khám: 19001902
   – Fanpage: Facebook.com/bvvietduc
   – Website: Benhvienvietduc.org

Tagged in: Tags: